Phát triển công nghiệp xuất bản: Tạo hệ sinh thái tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số
VHO - Xuất bản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như quy mô nhỏ, năng lực hoạt động hạn chế, tăng trưởng chưa bền vững... Tuy nhiên, ngành sách cũng có nhiều cơ hội cho việc đổi mới mạnh mẽ để bước sang trang mới, với sự kết hợp chặt chẽ giữa xuất bản truyền thống và xuất bản số.
Ngành Xuất bản đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít cơ hội phát triển Ảnh: PHẠM THỦY
“Các đơn vị xuất bản đang quá nhỏ bé”
Tại Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024 diễn ra tuần qua, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên thông tin: Tính đến hết ngày 31.12.2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%) với 460.929.167 bản (giảm 14,6%); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 (tăng 19,4%) với ước tính khoảng 36.000.000 bản (tăng 11%); xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.279 (tăng 12%) với 39.249.964 bản (tăng 48%).
Năm 2023, các chỉ số phát triển tăng trưởng của ngành không cao, cả về quy mô, năng lực sản xuất, doanh thu, lợi nhuận cũng như nộp ngân sách. 4 tháng đầu năm 2023, thị trường có sự tăng trưởng, song các tháng sau đó sức mua, tiêu thụ, doanh thu từ xuất bản phẩm có dấu hiệu chậm và kéo dài sang năm 2024.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty cổ phần sách Thái Hà chia sẻ: “Tôi tham gia rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm với các đơn vị xuất bản trên thế giới và thấy chúng ta đang quá nhỏ bé. Nhỏ đến mức là chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu mỗi tháng của Công ty là 1 triệu đô la Mỹ mà còn rất xa vời (chưa bàn đến lợi nhuận) trong khi các đối tác, những đại diện ngồi quanh tôi có doanh thu tỉ đô la hằng năm. Xuất bản của thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ, ngay cả Đông Nam Á cũng có những tập đoàn xuất bản tỉ đô la”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, vị trí của xuất bản ngay trong các hội nghị của Bộ TT&TT cũng còn khá khiêm tốn, chưa nói đến các ngành nghề và lĩnh vực khác. Vấn đề vẫn nằm ở tam giác: Doanh thu - Lợi nhuận - Vị thế. Rõ ràng, khi doanh thu lớn và có lợi nhuận cao thì sẽ đóng thuế nhiều, góp phần cho ngân sách quốc gia, trong khi đó, doanh thu của cả ngành Xuất bản còn chưa bằng một doanh nghiệp tầm trung của cả nước, chưa nói đến tầm khu vực và thế giới…
Nhìn vào thực tế phát triển kinh tế nói chung và thực tế của ngành Xuất bản nói riêng, nhiều người nhận thấy những hạn chế như: Quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm; Chất lượng sách và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của công tác tư tưởng; Hoạt động xuất bản còn tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới; Việc quản lý nhà nước đối với xuất bản còn nhiều vấn đề bất cập…
Không chỉ cần tiềm lực tài chính
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những khó khăn của ngành Xuất bản những năm gần đây nói lên một điều là cần phải đổi mới và tư duy lại về sách.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số; trong ngành Xuất bản xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, chưa từng làm xuất bản nhưng lại có sản phẩm thay thế và chủ yếu diễn ra trên không gian mạng. “Xuất bản phải hoạt động đồng thời ở cả không gian truyền thống và không gian mạng; phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu thì chúng ta phải đến đó. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu riêng của mình để không lẫn những nhà xuất bản khác”, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Bởi vậy, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Đổi mới sáng tạo về cách làm sách, cách phân phối sách, về các mô hình kinh doanh mới, mô hình hợp tác mới. Đổi mới sáng tạo xuất bản sẽ tạo ra tương lai của xuất bản và sự sáng tạo ở đây là vô hạn. Bộ TT&TT sẽ tiếp nhận, xử lý các sandbox (bảo mật) cho ngành Xuất bản…
Để ngành Xuất bản ngày càng phát triển mạnh và bền vững theo hướng hệ sinh thái tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số, đại diện Nhà xuất bản Trẻ đề xuất: Thứ nhất, sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử (ebook, audiobook, VR book…), có được chiến lược này, chúng ta mới tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ để hợp lực đưa được nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc, không chỉ trong nước, ở vùng sâu, vùng xa mà còn là bạn đọc trên toàn thế giới. Thứ hai, đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách, cơ chế để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Thứ ba, cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản. Thứ tư, tăng cường đào tạo nhân lực làm xuất bản theo hướng tích hợp có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ…
Bên cạnh những hạn chế và thách thức, nhiều cơ hội mới cho việc đưa xuất bản thành ngành công nghiệp của Việt Nam chưa bao giờ sẵn sàng như vậy, trước những ảnh hưởng tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch Công ty cổ phần sách Thái Hà cho rằng, cần phải có các tập đoàn xuất bản tầm cỡ. Để có được như vậy, chúng ta cần không chỉ tiềm lực tài chính, nguồn vốn lớn mà quan trọng hơn là tạo thị trường, xây dựng thị trường đọc. Mà điều đầu tiên là xây dựng thói quen đọc sách từ cấp mầm non, tiểu học. Hơn nữa, chúng ta cần có cơ chế, luật hóa về văn hóa đọc, đưa các nghị quyết, quyết định về văn hóa đọc và khuyến đọc vào cuộc sống.
THANH NGỌC