Sáng tạo trên nền tảng di sản

HOÀNG MY

VHO - Sử dụng ngôn ngữ hội họa độc đáo, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, các nghệ sĩ trẻ đã lấy cảm hứng sáng tạo từ những giá trị Việt mà ông cha ta đúc kết, gửi gắm và gìn giữ qua thời gian, từ đó, làm nên những tác phẩm ấn tượng, đưa văn hóa - lịch sử nước nhà đến gần hơn với công chúng.

Sáng tạo trên nền tảng di sản - ảnh 1
Văn hóa Việt mới mẻ trong góc nhìn của người trẻ

 Góc nhìn mới mẻ về văn hóa, nghệ thuật Vit

Tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa diễn ra triển lãm Từ Tính Tứ Linh của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ, giới thiệu tới người dân và du khách về các linh thú trong văn hóa, lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn.

Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập - nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức với nền nghệ thuật Chăm Pa, cho đến triều đại phong kiến cuối cùng - nhà Nguyễn, các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, có thể thấy trong kiến trúc và điêu khắc, và trở thành một tồn tại gắn liền trong đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Ngoài tứ linh gồm long, lân, quy, phụng, các tác phẩm còn thể hiện nhiều linh thú khác trong tín ngưỡng của người Việt như chó, ngựa, mèo, trâu, voi…, kể về những câu chuyện, sự tích, quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của tộc người Việt và còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm Dân gian trong gen Z, đang diễn ra tại Khu trải nghiệm, giới thiệu 39 tác phẩm của 3 họa sĩ trẻ sinh ra trong những năm đầu thế kỷ XXI. Các tác phẩm với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đãkhéo léo truyền tải và tôn vinh nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, nghệ thuật Hát Bội và các câu hò vè, đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ. Qua đó, cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam trong tâm hồn thế hệ trẻ.

Triển lãm Đối thoại của De.lac - nhóm nghệ sĩ thực hành các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ sơn mài cũng vừa được giới thiệu trong không gian đình Nam Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các tác phẩm được sáng tác dựa trên sự kết hợp của sơn mài với nhiều dạng chất liệu, mô tả vẻ đẹp thiên nhiên, hoa sen qua các mùa, cầu Long Biên - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô… Đây là nơi khán giả được trực tiếp khám phá các chất liệu mới được phát triển từ nghệ thuật sơn mài truyền thống của nhóm họa sĩ Trương Hoàng Hải, Nguyễn Quang Vũ và nghệ sĩ VFX Nguyễn Đoàn Quang Huy.

Trước đó, triển lãm các tác phẩm trong cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I cũng được tổ chức, cho thấy tình yêu của những họa sĩ trẻ dành cho di sản văn hóa Việt Nam qua rất nhiều thế kỷ…

Nguồn mạch sáng tạo bất tận

Trong nhịp sống hiện đại, việc các họa sĩ trẻ quay trở lại tìm kiếm nguồn cảm hứng từ văn hóa dân gian và truyền thống là một điều vô cùng ý nghĩa. Đối với họ, văn hóa dân gian không chỉ là một đề tài sáng tạo mà còn là một cách để kết nối với cội nguồn, để tìm thấy chính mình trong dòng chảy chung của dân tộc.

Có niềm đam mê lớn với văn hóa, lịch sử nước nhà, tiếp nối bộ sưu tập Kỳ ẩn Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ đã dành 2 năm thực hiện bộ sưu tập Từ Tính Tứ Linh. Họa sĩ cho biết: “Tôi đã dành hơn một năm nghiên cứu rất nhiều tài liệu và đi khảo sát thực tế tại các di tích ở Huế để hiểu về văn hóa nghệ thuật triều Nguyễn, hay Hoàng thành Thăng Long để hiểu về linh thú thời Lý, Trần… Tôi cũng sang Campuchia và Thái Lan để tìm hiểu văn hóa của người Chăm các vùng miền. Chỉ đọc tư liệu thì chưa đủ, tôi đến tận nơi chạm vào, nhìn ngắm kĩ các chi tiết và vết hằn thời gian. Khi bạn biết rõ về thứ đang đứng trước mặt mình, kết hợp với không gian địa điểm và dấu ấn thời gian… thì cảm xúc mang lại rất khó tả”.

Nhiều họa sĩ trẻ đã chọn cách tiếp cận văn hóa dân gian một cách sáng tạo, không đơn thuần là sao chép lại những hình ảnh quen thuộc mà còn biến tấu, cách điệu để tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác phẩm mang hơi thở của quá khứ vào hiện tại, tạo nên một làn gió mới cho nghệ thuật Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh trong giây khắc lưu giữ hình ảnh di tích, di sản, còn với tác giả của hội họa, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện đa dạng thông qua chất liệu. Mỗi cách nhìn mang đến một vẻ đẹp mới, sự phát hiện mới từ những giá trị của di tích, di sản còn lại cho đến hôm nay”.

Việc các họa sĩ trẻ tìm kiếm cảm hứng từ văn hóa dân gian cũng cho thấy sự trân trọng và tình yêu của họ đối với truyền thống dân tộc. Những tác phẩm của họ không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại.