Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương:

Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ

THUÝ HIỀN

VHO - Ngày 12.12, tại Hà Nội đã diễn ra kỳ họp thứ VI của Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ  - ảnh 1
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại kỳ họp

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ, năm 2024, hoạt động của Hội đồng tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; sự phối hợp của một số ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Hội đồng đi vào hoạt động ổn định, nhiều đổi mới; vị trí, vai trò, tác dụng, uy tín và tầm ảnh hưởng của Hội đồng từng bước được nâng cao. 

Trong Báo cáo Kết quả hoạt động của Hội đồng năm 2024, Hội đồng đã luôn là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, xây dựng lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của cả nước.

Qua hoạt động từ tháng 1.2024 đến tháng 12.2024, Hội đồng chủ động nắm bắt, lý giải những vấn đề, hiện tượng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, động viên, khích lệ giới lý luận, phê bình và anh chị em văn nghệ sĩ bám sát, đi đúng đường lối, quan điểm của Đảng; kịp thời phát hiện, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, thiếu chuẩn mực; xác định mối quan hệ hữu cơ giữa chính trị với văn nghệ; giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước và khát vọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ; giữa hiện thực đời sống và sự phản ánh chân thực, sinh động có trách nhiệm của tác phẩm văn nghệ.

Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ  - ảnh 2
Các thành viên trong Hội đồng tại kỳ họp

Hội đồng đã tổ chức 2 hội nghị tại phía Bắc và phía Nam tập huấn với chủ đề “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hoá, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm”, quy tụ hơn 565 học viên là lãnh đạo, chuyên viên Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ phụ trách văn hoá – văn nghệ, cán bộ quản lý nhà nước về văn hoá - văn nghệ, lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, giáo viên giảng dạy, nghiên cứu văn học, nghệ thuật... 

Hội đồng đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chủ đề: “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá” dành cho học viên là những người trẻ đang hoạt động trên lĩnh vực này ở các cơ quan báo chí, cơ quan chuyên sâu về văn học, nghệ thuật, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và một số địa phương, trường học, viện nghiên cứu...  

So với các năm trước, năm 2024, Hội đồng tổ chức được nhiều cuộc hội thảo toạ đàm khoa học thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật, qua đó là cơ sở để Hội đồng xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác tư vấn chuyên sâu cho Đảng, Nhà nước phát triển văn học, nghệ thuật.

Đó là các hội thảo: Phối hợp với Thành uỷ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề : “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”; Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”;

Phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm văn học Việt Nam từ 1975 : Thành tựu và xu thế”; Phối hợp với Thành uỷ Hà Nội và Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo “Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”...

Về công tác xét tặng thưởng, hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Hội đồng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng xét chọn, Hội đồng sơ tuyển, Tổ thư ký giúp việc xét tặng thưởng các công trình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023 đúng quy trình bảo đảm chặt chẽ. 

Cụ thể trong số 118 tác phẩm xuất bản năm 2023 được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị xét tặng thưởng đã trao tặng thưởng cho 25 tác phẩm, đồng thời 18 cơ quan, đơn vị được trao tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trong 61 đề cương sách thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật đã chọn được 19 bản thảo chất lượng tốt để hỗ trợ khâu xuất bản, phát hành...

Bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, Hội đồng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất được Ban Bí thư và đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giao như: Đóng góp ý kiến tổng kết các Nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng...

Đánh giá chung, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng năm 2024, Hội đồng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Thông qua các hoạt động phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, uy tín, vị thế, sức ảnh hưởng của Hội đồng tiếp tục được khẳng định và nâng cao. 

Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ  - ảnh 3
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ trao thưởng cho các tác phẩm đạt mức B (mức cao nhất trong Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023). Ảnh: Báo Nhân dân

Tại kỳ họp, các thành viên trong Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã chia sẻ nhiều vấn đề trong đó có những hạn chế được đặt ra cần được khắc phục như: Cần bám sát hơn nữa các vấn đề sự kiện sáng tác, quảng bá, biểu diễn của các loại hình văn nghệ để kịp thời đánh giá và định hướng sáng tạo, thụ hưởng; quan tâm hơn nữa đến các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát huy khả năng đội ngũ lý luận, phê bình trẻ nhất là ở từng loại hình nghệ thuật... 

Năm 2025, Hội đồng dự kiến tổ chức một số nội dung nổi bật như: Thực hiện chủ trương, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII về tổ chức, sắp xếp tinh giảm bộ máy trong hệ thống chính trị, nhất là những công việc liên quan tới Hội đồng;

Tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía Bắc và phía Nam; 2 hội nghị tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2025 cho các học viên khu vực phía Bắc và phía Nam...  

Có thể khẳng định, với 5 nhiệm kỳ hoạt động, đặc biệt là nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín trong đời sống văn học, nghệ thuật; không ngừng đổi mới, sáng tạo cả nội dung và phương thức hoạt động; tập hợp, kết nối trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là đội ngũ lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước. 

Hội đồng đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Khẳng định vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ; thường xuyên cung cấp, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ;

Đồng thời nắm bắt, phản ánh, dự báo tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình nói riêng và lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung.