“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: QUANG THÁI

VHO - Chiều 12.12.2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).

Nguyễn Đình Thi - Người nghệ sĩ tài hoa

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Uỷ viên Trung ương Đảng,  Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” - ảnh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa xem các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS,  Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Trong văn học,  ông là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật.

Các tác phẩm văn xuôi, như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam.

“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” - ảnh 2
Trình diễn tác phẩm “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi

Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc. Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống.

Những vị trí công tác mà ông từng trải qua  không chỉ thể hiện uy tín mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ông trong việc định hướng và xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong vai trò lãnh đạo, ông không chỉ chỉ đạo, quản lý mà còn góp phần định hình chiến lược phát triển văn hóa, nghệ thuật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của  các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi; phân tích, đánh giá về thành công, vai trò, vị trí của các tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyễn Đình Thi trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại; phân tích, lý giải về giá trị kịch bản sân khấu của Nguyễn Đình Thi trong mối quan hệ với hiện thực đời sống và những thông điệp nhân sinh sâu sắc;

Các tham luận tại Hội thảo cũng tập trung  đánh giá, làm sâu sắc những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực lý luận, phê bình và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ; các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, đánh giá về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi ở trong và nước ngoài.  

Để có cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về  Nguyễn Đình Thi, các tham luận tại Hội thảo cũng phân tích, lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại cho hôm nay và mai sau, trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập của văn học, nghệ thuật nước nhà.

“Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” - ảnh 3
Giáo sư Mã Giang Lân tham luận tại Hội thảo

Nói về mối quan hệ giữa Nguyễn Đình Thi với Hà Nội, GS Mã Giang Lân cho biết, trong từng tấc phẩm văn học, nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi đều thấm đẫm “chất Hà Nội”, là niềm yêu, nỗi nhớ, niềm tự hào về Hà Nội. Nguyễn Đình Thi gắn bó với Hà Nội qua nhạc, thơ, văn,... Ông là sự kết tinh những phẩm chất chung của con người Hà Nội thông minh, lịch thiệp, tài hoa và nâng lên ở tầm vóc mới bằng trí tuệ uyên bác và trái tim mẫn cảm giàu lòng nhân ái.

GS Mã Giang Lân cho rằng, “từ Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể nghĩ tới những văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ khác: Dù sinh ra ở đâu, hoạt động ở đâu thì khí chất quê cha đất tổ vẫn là một hằng số”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá Nguyễn Đình Thi ở bản lĩnh trí tuệ. Tài năng của Nguyễn Đình Thi phát triển sớm và đa diện. Khi là học sinh tú tài, ông đã viết tiểu luận triết học, 20 tuổi soạn nhạc và có các tiểu luận văn chương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm thơ, viết truyện. Kháng chiến chống Mĩ, ông mở sang kịch.

Thể loại nào ông cũng có những thành công tiêu biểu. Bên cạnh công việc của người quản lí, Nguyễn Đình Thi không bao giờ xa rời công việc sáng tác. Sáng tác của ông thể hiện rõ phương hướng, lấy trí tuệ để khám phá tâm trạng, lắng nghe những diễn biến tinh tế trong lòng người, dùng cảm xúc để đạt đến khái quát trí tuệ. “Bản lĩnh trí tuệ Nguyễn Đình Thi là ở chỗ không thấy ông bộc lộ chút nào về nó. Chỉ thấy trong cơn bão gió, ông tìm mọi cách để đến bờ”, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.

Nghệ sĩ phải hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi được tham dự Hội thảo. Ông khẳng định, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nên văn học, nghệ thuật Việt Nam – Nhà hoạt động văn hoá xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Cũng như bao thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về văn học nghệ thuật,…

“Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hoá, văn nghệ to lớn, phong Phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo, đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.

 Ông cũng khẳng định, từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan toả sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.

Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Mong sao, mỗi văn nghệ sĩ chúng ta đều nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

 Ông cũng đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nên văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Đồng thời, ông cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hoá, văn học, nghệ thuật trong sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật; làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân; đoàn kết, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cao quý của nước nhà; phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của Nhân dân, đồng hành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc