Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang
VHO - Thực tiễn gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã chứng minh, văn học nghệ thuật (VHNT) luôn bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, sinh động ý chí, nghị lực, sức sáng tạo, tinh thần quả cảm của lực lượng vũ trang trong cuộc sống và mọi mặt hoạt động quân sự, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thông qua những tác phẩm có tính tư tưởng, tính nghệ thuật cao, VHNT đã tôn vinh giá trị chân - thiện - mỹ, đóng góp không nhỏ trong xây dựng, bồi đắp hình tượng người quân nhân cách mạng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm cơ sở, nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Phát huy vai trò xung kích của VHNT trên mặt trận chính trị, tư tưởng
Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng nền VHNT cách mạng, tạo động lực chính trị, tinh thần to lớn phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Hưởng ứng chủ trương đó, một thế hệ văn nghệ sĩ tài năng của giai đoạn 1930-1945 đã tự nguyện tham gia phục vụ cách mạng với tinh thần: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”…
Bằng trải nghiệm thực tiễn, các văn nghệ sĩ đã sáng tạo nên một kho tàng vô giá các tác phẩm văn học, âm nhạc, tranh cổ động, điện ảnh... có giá trị nghệ thuật và tư tưởng, chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần khắc họa đậm nét về sự anh dũng, kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam - hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng, vẫn có hiện tượng “một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống”; “có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra.
Nhằm phát huy vai trò mũi nhọn xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng của hoạt động VHNT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ đổi mới, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản. Trước hết, cần đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động VHNT, tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết liên quan đến VHNT để nâng cao nhận thức, tạo động lực sáng tạo cho hội viên và nghệ sĩ. Trong bối cảnh các thế lực phản động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các cấp ủy đảng cần coi VHNT là công cụ quan trọng trong công tác tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần kiên định và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải xác định rõ giải pháp lãnh đạo để giảm áp lực, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho nhân dân. Hoạt động VHNT cần được điều chỉnh linh hoạt, kết hợp với việc khuyến khích sáng tạo các tác phẩm có giá trị, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời quảng bá và phát huy các giá trị này trong cộng đồng.
Cần có chính sách động viên, khích lệ văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo các tác phẩm VHNT
Trong bối cảnh thế hệ văn nghệ sĩ lão thành, những người đã tạo nên các tác phẩm bất hủ trong giai đoạn kháng chiến, đang dần qua đời hoặc tuổi cao, trong khi lực lượng kế cận còn thiếu, cần tăng cường phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động VHNT. Các cấp ủy cần có chính sách thu hút tài năng VHNT vào các cơ quan và thiết chế văn hóa, bởi họ là lực lượng gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, sáng tác các tác phẩm có giá trị về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cần phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân VHNT tại cơ sở và phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và thiết chế văn hóa trong việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một nội dung quan trọng nữa là triển khai hiệu quả cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT về đề tài chiến tranh cách mạng và công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Các hội VHNT địa phương cần chủ động tham mưu với cấp ủy tổ chức các trại sáng tác cho tất cả các loại hình nghệ thuật như văn học, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa... Đồng thời, cần có chính sách động viên, khích lệ các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia sáng tạo các tác phẩm VHNT. Các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện cho tác giả tiếp cận thực tế, giúp họ hiểu sâu sắc nhiệm vụ của các đơn vị tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới của Tổ quốc, làm tư liệu cho những tác phẩm chất lượng. Định kỳ tổ chức nghiệm thu, trao thưởng cho các tác phẩm VHNT một cách công tâm, khách quan, tạo động lực cho sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, từ đó tăng cường số lượng và chất lượng các tác phẩm về lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong 80 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều tác phẩm VHNT có giá trị đã được sáng tác trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện các giải pháp quyết liệt để đưa những tác phẩm này vào đời sống tinh thần của nhân dân, thông qua hội thi, hội diễn và việc lan tỏa văn hóa đọc. Các học viện, nhà trường cần đưa bộ môn VHNT vào chương trình đào tạo, nhằm định hướng, khích lệ nhân dân biết thưởng thức và phát huy giá trị các tác phẩm phản ánh sinh động lịch sử đấu tranh của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
VHNT là một mặt trận, luôn gắn liền với thực tiễn hoạt động và đời sống của nhân dân trên các lĩnh vực, nên cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, với kết tinh trí tuệ và các giải pháp đồng bộ.