Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 2:

Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa

HỒNG HẠNH

VHO - Diễn ra từ ngày 29.9-15.10 tại Bình Dương, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 2 thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị nghệ thuật trong cả nước.

Ngày hội hứa hẹn sẽ mang đến cho giới mộ điệu những chương trình, tiết mục đặc sắc, đỉnh cao, thể hiện sự trẻ trung, tươi mới của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa - ảnh 1
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng hoa Hội đồng nghệ thuật

 Tạo dựng thương hiệu

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm nay gồm 2 đợt; trong đó đợt 1 dự kiến diễn ra vào tháng 9 nhưng đã hoãn lại do ảnh hưởng của bão lũ; đợt 2 diễn ra tại tỉnh Bình Dương, do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Tham gia Liên hoan, mỗi đơn vị sẽ dự thi một chương trình, vở diễn với thời lượng 60-110 phút ở các loại hình: Ca múa nhạc tổng hợp và nghệ thuật phương Tây (giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, thanh xướng kịch, broadway, opera…), có chủ đề và nội dung ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; chuyển tải bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền; thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật…

Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa - ảnh 2

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đưa ra những phương thức phù hợp trong từng giai đoạn; từ đó định hướng, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; thúc đẩy lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phát triển để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần đã khẳng định là một thương hiệu uy tín trong các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Đây là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên được thể hiện tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến; tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê; đồng thời được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Ngoài ra, Liên hoan còn là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đưa ra những phương thức phù hợp trong từng giai đoạn; từ đó định hướng, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; thúc đẩy lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phát triển để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

“Tôi hy vọng các nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan sẽ phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tính chuyên nghiệp và sự thăng hoa để có thể mang đến cho khán giả các nước nói chung, khán giả tỉnh Bình Dương nói riêng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và tinh hoa nghệ thuật biểu diễn thế giới”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ.

Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa - ảnh 3
Phần trình diễn “mãn nhãn” của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương

Đầu tư về nội dung lẫn hình thức

24 đơn vị nghệ thuật sẽ là 24 đóa hoa tỏa hương, khoe sắc với những tiết mục ca, múa, nhạc đậm chất truyền thống xen lẫn đương đại. Không những thế, các phần thi còn hấp dẫn hơn khi được đầu tư, dàn dựng công phu, có nhiều nét mới, độc, lạ từ nghệ thuật biểu diễn cho đến âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, phục trang, sân khấu…

Ngay sau Lễ khai mạc, khán giả đã thật sự mãn nhãn với phần thi của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương mang chủ đề Tiếng gọi mạch nguồn. Chương trình diễn ra trong khoảng 80 phút với 2 chương: Mạch nguồn Nhịp sống, kể về mảnh đất Bình Dương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng với những dấu son chói lọi đã đi vào lịch sử.

Bên cạnh đó, Bình Dương còn được biết đến với những làng nghề giàu bản sắc như gốm sứ, điêu khắc, sơn mài…, đặc biệt là phái võ Tân Khánh - Bà Trà đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tiếp đó, chương trình Mệnh lệnh trái tim của Nhà hát Ca múa nhạc CAND biểu diễn vào ngày 10.10 tới sẽ khắc họa hình tượng đẹp đẽ, dũng cảm, kiên trung của những người chiến sĩ nơi tuyến đầu, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.

Thượng tá, NSƯT Trần Thị Út Lan, Giám đốc Nhà hát, Chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, ngoài ca ngợi những con người bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, Mệnh lệnh trái tim còn khắc họa sự hy sinh anh dũng mà bình dị, thầm lặng qua mỗi hành động, công việc, nhiệm vụ ngày thường với phương châm “lúc dân cần công an có, lúc dân khó có công an”…

Trong hơn 2 tuần diễn ra, mỗi ngày sẽ có từ 1 - 2 đoàn dự thi và đêm trao giải sẽ được tổ chức vào 15.10. Cụ thể, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dự thi vở Linh thiêng Đồng Lộc; Đoàn Ca múa Hải Đăng (Khánh Hòa) với Hương trầm tỏa sắc; Đoàn Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang mang đến Một thoáng Thất Sơn; Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thi diễn chương trình nhạc kịch Sân khấu 24h - Behind The Scenes; Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang với Hà Giang, miền đá gọi

Có thể thấy, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc không chỉ là cơ hội giúp các nghệ sĩ cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, mà còn là dịp để khán giả cả nước được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tinh hoa, đỉnh cao.

Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình ca múa nhạc nước nhà, đồng thời tạo dựng cầu nối văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền. Thông qua Liên hoan, BTC hy vọng sẽ khẳng định được vai trò to lớn của nghệ thuật trong việc phát huy, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc