Nối dài sức sống Hát bội

HỒNG HẠNH

VHO - Cũng như một số loại hình âm nhạc truyền thống khác, nghệ thuật Hát bội đang đứng trước nguy cơ mai một vì không còn nhiều người theo đuổi, lưu truyền và gìn giữ. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi buồn, thì những tia hy vọng vẫn lóe lên khi thời gian qua nhiều dự án, chương trình của các bạn trẻ đã và đang góp phần đưa Hát bội đến gần hơn với công chúng, tạo cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại…

Nối dài sức sống Hát bội - ảnh 1
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM vẫn miệt mài mang lời ca tiếng hát đến với sân khấu học đường

 Có thể thấy, trước sự đa dạng của các loại hình giải trí hiện đại, người trẻ vẫn không hề quay lưng với nghệ thuật dân tộc, nếu được khơi gợi đúng cách, dòng chảy này sẽ phát triển không ngừng và lan tỏa mạnh mẽ qua ngày tháng.

Người trẻ đánh thức âm nhạc truyền thống

Với nỗ lực đưa Hát bội đến gần công chúng, trong dịp hè 2024, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM phối hợp với nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) thực hiện chuỗi chương tìm hiểu về nghệ thuật Hát bội. Sự kiện sẽ diễn ra xuyên suốt trong 2 tháng, từ ngày 14.6 - 10.8 với các buổi talkshow và workshop. Trong đó, tâm điểm là 5 talkshow Ca biện phấn hành, khán giả sẽ được tìm hiểu về Hát bội một cách bài bản và có tương tác, với các nội dung: Kể chuyện cổ kim sân khấu Việt Nam; Giá trị của nghệ thuật Hát bội thông qua vẽ mặt, phục trang; Hát - nói và âm nhạc; Những áng văn chương sáng ngời giá trị đạo đức trong hệ thống kịch bản Hát bội; đặc biệt, talkshow cuối cùng sẽ là chương trình biểu diễn vở San Hậu, tác phẩm Hát bội kinh điển với phần dẫn chuyện, thuyết minh từ các nhà nghiên cứu. Song song phần diễn thuyết là các lớp biểu diễn: Chúc phúc trong nghi lễ Đại bội, các tiết mục kinh điển Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng tá Thanh Long, Tống tửu Ô Hắc Lợi… do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM trình diễn. Cùng với đó, workshop Hát bội 101 cũng được tổ chức vào tối thứ bảy mỗi tuần, nhằm mang đến cho khán giả cơ hội tương tác và thực hành Hát bội cơ bản.

Trước đó, nhiều dự án của các bạn trẻ giúp lan tỏa giá trị cũng như gìn giữ nghệ thuật Hát bội cũng đã ra đời. Năm 2018, dự án Vẽ về Hát bội đưa bộ môn này đến với người trẻ thông qua triển lãm với 44 tác phẩm do hai họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Nguyên và Phùng Nguyên Quang khởi xướng. Toàn bộ tác phẩm sau triển lãm được đưa lên mạng để công chúng từ xa tiếp tục thưởng lãm. Nối tiếp thành công ấy, các bạn trẻ cho ra mắt sách ảnh cùng tên vào tháng 10.2018. Chương trình cũng từng gây được sự chú ý vào năm 2020 là Vang vọng trống chầu của Echoing Drum nhằm hướng đến việc quảng bá cũng như giúp công chúng thưởng thức Hát bội, nghệ thuật diễn xướng Nam Bộ được làm mới phù hợp. Tiếp ngay sau đó, vào năm 2021, sự kiện Giữ lửa ngàn năm của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic TP.HCM cũng được tổ chức. Tại đây, khán giả có cơ hội thưởng thức những tiết mục làm nên tên tuổi của đoàn Hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh, được chiêm ngưỡng trang phục Hát bội thông qua triển lãm, có buổi trò chuyện thân mật cùng các nghệ sĩ của đoàn...

Nối dài sức sống Hát bội - ảnh 2
Nhóm Hiếu Văn Ngư và các nghệ sĩ tái hiện 15 nhân vật điển hình của nghệ thuật Hát bội

Để đi được đường dài

Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì những nỗi lo lại xuất hiện. Bởi phần lớn các dự án đều do sinh viên hoặc các bạn trẻ thực hiện, có thể vì sự trăn trở, yêu thích cá nhân hay phục vụ cho một môn học nào đó. Vì thế, thời gian tồn tại của dự án chỉ kéo dài trong vài tháng. Hiện chỉ còn nhóm Hiếu Văn Ngư là vẫn tiếp tục công cuộc quảng bá vả lan tỏa nghệ thuật Hát bội. Qua đây thấy được, để việc quảng bá hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ thì hoạt động của một nhóm, một đơn vị là chưa đủ.

Nhiều năm qua, TP.HCM cũng có sự quan tâm nhất định đến loại hình này, như đưa Hát bội biểu diễn trong nhiều sự kiện nghệ thuật, văn hóa lớn. Đặc biệt, chương trình Sân khấu học đường đã được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM thực hiện từ năm 2002 đến nay. Mới đây nhất, tại buổi biểu diễn ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Phú Nhuận, hơn 200 em thiếu nhi đã vô cùng hào hứng khi lần đầu tiên được xem trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, Gương trinh nữ tướng... Ngoài việc thưởng thức các lớp diễn đặc sắc, các em còn được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Hát bội, phân biệt tính cách nhân vật qua mặt nạ, cách hóa trang, được thực hành những động tác vũ đạo cơ bản… Cứ thế, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM đã và đang miệt mài mang lời ca tiếng hát đến với lớp khán giả tương lai của sân khấu truyền thống.

Chắc chắn, chặng đường “đánh thức” nghệ thuật Hát bội còn rất dài, bởi bộ môn này đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, tình trạng mất dần người mộ điệu làm cho sân khấu Hát bội trở nên đìu hiu, thưa vắng. Và để tạo được sức hút riêng biệt, nghệ sĩ Hát bội buộc phải luôn làm mới trong từng điệu bộ và cả cách hát để làm sao giữ được tinh hoa, hồn cốt mà vẫn hút được khán giả đương thời. Chính vì thế, việc ươm mầm thưởng thức nghệ thuật cho con trẻ là điều cần thiết. Nếu các em không biết đến nghệ thuật dân tộc thì chắc chắn việc mai một chỉ là sớm muộn.

Đã đến lúc người trong cuộc cũng như thế hệ trẻ phải nêu cao trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ bộ môn Hát bội nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung. Bởi “một cây làm chẳng nên non”, phải có sự chung tay của nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị mới có thể “làm nên chuyện” lâu dài. Những dự án, chương trình của các bạn trẻ thời gian qua và trong tương lai được kỳ vọng sẽ là cầu nối để đưa Hát bội đến gần hơn với công chúng, lan tỏa rộng hơn, sâu hơn để vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc trường tồn với thời gian.