"Làm giàu" sưu tập của Bảo tàng:
Những “bảo chứng” đáng giá trên thị trường mỹ thuật
VHO - Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật giá trị đã được các cá nhân, nhà sưu tập và các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua. Gần đây, Bảo tàng đã tiếp nhận 25 bức tranh - con số lớn nhất từ trước đến nay do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng, phần lớn là tranh của các danh họa nổi tiếng, nhiều bức có giá trị “khủng” trên thị trường.

Đây là những “bảo chứng” tại thị trường mỹ thuật, vốn tồn tại nhiều mảng sáng tối, và vấn nạn tranh giả vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.
Lấp “khoảng trống” kinh phí eo hẹp
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Dù các tác phẩm được trao tặng đã góp phần nâng cao giá trị bộ sưu tập của Bảo tàng, nhưng không phải tác phẩm nào cũng được tiếp nhận nếu không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Hội đồng khoa học và thẩm định đưa ra.
Trong đợt tiếp nhận 25 tác phẩm mỹ thuật đương đại do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng, theo Giám đốc Nguyễn Anh Minh, đây là lần tiếp nhận số lượng tác phẩm lớn nhất từ trước đến nay.
Trong đó có nhiều tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi, có tầm vóc và đóng góp lớn cho nền mỹ thuật nước nhà, như: Chiều vàng của họa sĩ Trịnh Tuân, Nhớ nhà của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm, Ngựa của Hứa Thanh Bình, Chắn đăng của Lê Vân Hải, Một tình yêu của Đoàn Văn Nguyên, Thôn nữ của Hồ Hữu Thủ, Trường Sa của Ca Lê Thắng, Phá Tam Giang của Trương Bé...
Ông Minh cho rằng, niềm vui của Bảo tàng trong những lần tiếp nhận các tác phẩm giá trị từ các nghệ sĩ, nhà sưu tập hay các tổ chức ngày càng được nhân lên, bởi trong đó có rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng - những tác phẩm mà Bảo tàng mong muốn sưu tầm từ lâu nhưng tưởng chừng như vô vọng, chẳng hạn như bức tranh Nhớ nhà của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm, một trong 25 bức tranh được Hội Mỹ thuật trao tặng vừa qua.
Trước đó, Bảo tàng may mắn tiếp nhận tác phẩm Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung do gia đình họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy trao tặng. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, bởi họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là Giám đốc đầu tiên và là người có công rất lớn trong việc xây dựng nền móng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
“Bức tượng chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung do nhà điêu khắc Trần Tuy thực hiện với đường nét, thần thái sống động. Bảo tàng từ lâu đã mong muốn có được tác phẩm này trong sưu tập của mình”, ông Minh cho biết.
Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật giá trị đã được các cá nhân, nhà sưu tập và các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua.
“Điều kiện kinh phí dành cho công tác sưu tầm tác phẩm hàng năm của Bảo tàng rất khiêm tốn, trong khi thị trường mỹ thuật nói chung và giá tranh lại liên tục biến động, thay đổi theo chiều hướng tăng. Vì vậy, những tác phẩm, bộ sưu tập được trao tặng có ý nghĩa rất lớn trong việc lấp đầy “khoảng trống” trong công tác sưu tầm hiện vật. Chẳng hạn, việc đón nhận 25 tác phẩm giá trị của Hội Mỹ thuật Việt Nam tương đương với hơn 2 năm miệt mài sưu tầm của Bảo tàng...”, ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

“Bảo chứng” đáng giá
Chia sẻ về việc chuyển giao các tác phẩm giá trị tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Lương Xuân Đoàn cho biết, 25 tác phẩm lần này đã được sưu tầm và lưu giữ sau các cuộc triển lãm, sự kiện mỹ thuật của từng khu vực và qua các trại sáng tác...
Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép, hơn 1.000 tác phẩm mỹ thuật có giá trị chỉ được lưu giữ trong kho tranh của Hội Mỹ thuật Việt Nam mà không có cơ hội công bố hay giới thiệu tới công chúng. “Với mong muốn tạo sức lan tỏa và kết nối tới người yêu tranh, Hội quyết định chuyển giao các tác phẩm giá trị này để Bảo tàng lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị...”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật cũng bày tỏ, trong bối cảnh vấn nạn tranh giả vẫn chưa có hồi kết, đặc biệt là tên tuổi của các họa sĩ nổi tiếng trong nền mỹ thuật Việt Nam thường xuyên bị mạo danh và xâm phạm, rất cần những cây cầu kết nối và các hoạt động có sức lan tỏa để đưa tranh của các danh họa đến với công chúng.
Ông nhắc lại câu chuyện triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu nhiều năm trước, sự xuất hiện của nhiều bức tranh giả mạo các tác giả nổi tiếng đã làm sụt giảm niềm tin của công chúng và các nhà sưu tập tranh trong nước, quốc tế.
“Vì vậy, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định chọn lựa và chuyển giao các tác phẩm giá trị tới địa chỉ uy tín là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi tác phẩm được trưng bày, triển lãm tại đây đều phải là một bảo chứng đáng giá cho nền mỹ thuật, thị trường mỹ thuật Việt Nam…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
“Là một thiết chế Bảo tàng hàng đầu về mỹ thuật trong cả nước, chúng tôi cam kết sẽ lưu giữ và phát huy tốt nhất giá trị các tác phẩm trong thời gian tới. Ngay khi điều kiện cho phép, Bảo tàng sẽ tổ chức triển lãm các tác phẩm được trao tặng, qua đó lan tỏa và phát huy rộng rãi giá trị các tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật…”, ông Minh khẳng định.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng những sự kiện như việc chuyển giao và trao tặng các tác phẩm vô giá từ các cá nhân, tổ chức trong thời gian qua sẽ tạo động lực thúc đẩy các tác giả, nhà sưu tập tiếp tục trao tặng tác phẩm cho Bảo tàng trong tương lai.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi, có danh tiếng trên thị trường nghệ thuật, với các tác phẩm bán giá cao, cũng đã tìm đến Bảo tàng với mong muốn trao tặng tác phẩm. Chẳng hạn, họa sĩ Nguyễn Quân gần đây đã trao tặng Bảo tàng hai tác phẩm giá trị của ông: Lá cờ - Đất Điện Biên và Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, với mong muốn những đứa con tinh thần của mình sẽ được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị.
Ông Nguyễn Anh Minh thông tin thêm, với ưu thế là một thiết chế Bảo tàng hàng đầu về mỹ thuật trong cả nước, rất nhiều nghệ sĩ, nhà sưu tập và doanh nghiệp mong muốn tác phẩm của họ được Bảo tàng tiếp nhận, trưng bày và triển lãm.
Tuy nhiên, các tác phẩm phải đáp ứng được tiêu chí của Hội đồng Khoa học cũng như Hội đồng tư vấn với các chuyên gia do Bảo tàng thành lập. “Các tiêu chí bao gồm chất lượng nghệ thuật, là tác phẩm nguyên gốc, được thẩm định và kiểm chứng bởi Hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia uy tín.
Trong bối cảnh “tranh tối - tranh sáng” trên thị trường mỹ thuật hiện nay, điều cần thiết không chỉ là sự “giàu có” cho bộ sưu tập của Bảo tàng mà còn là độ tin cậy và chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, góp phần tăng sức thu hút đối với công chúng”, theo ông Minh.