Tháng Năm nhớ Bác:
Những bản hòa ca từ trái tim dân tộc
VHO - Để tỏ lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2025), nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức, tạo nên một không gian văn hóa lắng đọng, giàu cảm xúc và ý nghĩa. Mỗi chương trình là một đóa hoa đẹp thành kính dâng lên Người, là lời tri ân từ trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế...

Nghệ thuật cất lên tiếng nói tri ân
Chương trình Người là niềm tin tất thắng do Đài Truyền hình Hà Nội thực hiện đúng vào ngày 19.5, là món quà ý nghĩa mừng sinh nhật Bác. Đó là cuộc hành trình bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bắt đầu từ Làng Sen, theo bước chân Người “lênh đênh bốn biển” tìm đường cứu nước, đến những ngày “cháo bẹ rau măng” gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc, ngày Người trở về gắn bó với Thủ đô Hà Nội...
Trong chương trình, khán giả sẽ được sống lại những giai điệu đã trở thành một phần ký ức dân tộc, in sâu trong trái tim triệu triệu người Việt Nam, gắn liền với từng dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Người. Đó là các ca khúc: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó; Ca ngợi Hồ Chủ tịch; Bác Hồ một tình yêu bao la; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; Bài ca Hồ Chí Minh; Lời Bác dặn trước lúc đi xa; Người là niềm tin tất thắng; Những bông hoa trong vườn Bác; Như có Bác trong ngày vui đại thắng...
“Chương trình Người là niềm tin tất thắng được xây dựng như một câu chuyện bằng âm nhạc đầy cảm xúc kể về cuộc đời Bác, con người Bác. Âm nhạc cùng những ca từ chan chứa tình cảm sẽ nói lên tất cả mà không cần những điều hoa mĩ. Nhắc đến Bác Hồ, chúng ta sẽ luôn nhớ tới những điều chân thành, mộc mạc như chính đức tính của Người và chính sự giản dị đó lại toát lên một tầm vóc lớn lao, vĩ đại. Qua chương trình, khán giả có thể cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho nhân dân và tình cảm mà nhân dân dành cho Bác lớn lao đến thế nào. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện muốn gửi gắm”, đạo diễn Ngô Thanh, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ.
Cùng với đó, tối 18.5, sự kiện nghệ thuật đặc biệt Người là Hồ Chí Minh đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động, để lại dư âm sâu lắng trong lòng hàng triệu khán giả cả nước. Sự kiện do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được dàn dựng công phu bởi Tổng đạo diễn Nguyễn Trung Dũng và ê kíp giàu kinh nghiệm, chương trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư liệu lịch sử, hoạt cảnh sân khấu và các tiết mục âm nhạc, chia thành ba trường đoạn nghệ thuật đặc sắc: Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành; Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; Việt Nam! Kỷ nguyên vươn mình. Những ca khúc như Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi, Dấu chân phía trước, Mashup Lá cờ Đảng - Đảng là cuộc sống của tôi... qua phần thể hiện của NSƯT Hoàng Tùng, Hòa Minzy, Anh Tú, Hà Quỳnh Như... đã khắc họa chân dung Bác một cách sống động, chạm đến cảm xúc sâu thẳm của công chúng. Mỗi trường đoạn là một bài học lịch sử, tái hiện hành trình vĩ đại của vị lãnh tụ suốt đời vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc.

Trước đó, vào tối 17.5, chương trình nghệ thuật Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người do Bộ Công an và Cục Công tác chính trị chỉ đạo, Nhà hát Hồ Gươm tổ chức đã mang đến một góc nhìn đầy chất thơ và nhân văn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giai điệu quen thuộc như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Như có Bác trong ngày đại thắng, Trông cây lại nhớ đến Người, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó... được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Quang Thọ, NSND Bùi Công Duy, NSƯT Phạm Khánh Ngọc, Phạm Thu Hà… đã khơi gợi niềm kính yêu vô hạn dành cho Người.
Không dừng lại ở những tác phẩm trong nước, chương trình còn đưa khán giả đến với cảm nhận của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl vang lên như một minh chứng đầy thuyết phục về tầm ảnh hưởng vượt thời đại và không biên giới của Người - một biểu tượng nhân văn lớn của thế giới.
Đặc biệt, tối 14.5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật Quà tháng 5 dâng Người do Bộ VHTTDL chỉ đạo, Báo Văn Hóa, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Công ty CP Truyền thông & Chiến lược Social Impact phối hợp thực hiện đã mở màn chuỗi hoạt động nghệ thuật hướng về sinh nhật Bác với thật nhiều cảm xúc.
Chương trình sử dụng hình thức nghệ thuật tổng hợp ca, múa, nhạc, kịch, hoạt cảnh kết hợp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mapping, hologram, tạo nên không gian biểu cảm mạnh mẽ, giao thoa giữa truyền thống và đương đại. Những tiết mục sâu lắng như tiếng đàn bầu của NSƯT Lệ Giang, giọng ca thiết tha của NSND Thu Hiền, NSƯT Tố Nga… cùng sự xuất hiện của các nghệ sĩ trẻ như Trang Pháp, Anh Tú, nhóm Oplus và nghệ sĩ quốc tế Charlie Winston đã kết nối các thế hệ, các nền văn hóa, đồng thanh tôn vinh một vĩ nhân - Hồ Chí Minh, biểu tượng của khát vọng tự do cho nhân loại!

Cầu nối giữa ký ức hào hùng và khát vọng tương lai
Không khí “tháng Năm nhớ Bác” đang lan tỏa sâu rộng trong lòng người dân cả nước, như một lời hẹn thiêng liêng mỗi độ hè về. Không dừng lại ở những bản nhạc ngợi ca, chuỗi chương trình nghệ thuật năm nay còn để lại dấu ấn sâu sắc nhờ những phóng sự mang đậm giá trị tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha già kính yêu của dân tộc. Mỗi khuôn hình, mỗi thước phim đều chạm tới trái tim khán giả, gợi nhắc về một cuộc đời giản dị mà phi thường.
Tổng đạo diễn chương trình Người là Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc NetMedia chia sẻ: Trong suốt hành trình cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều tên gọi, bí danh khác nhau, mỗi cái tên gắn với một thời điểm lịch sử, một hoàn cảnh chiến đấu, một mục tiêu lớn lao. “Tên của Bác không chỉ là một dấu mốc cá nhân mà còn là một di sản, là tấm gương phản chiếu lịch sử dân tộc và khát vọng thời đại”, ông Dũng khẳng định. Qua chương trình, công chúng được tiếp cận một Hồ Chí Minh gần gũi, sống động, đồng thời được “tiếp lửa” tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và khát vọng cống hiến.
NSƯT Hoàng Tùng, người đã nhiều lần thể hiện các ca khúc về Bác Hồ bộc bạch, với anh, hát về Bác không bao giờ là một màn trình diễn đơn thuần. “Đó luôn là một sự hồi tưởng thiêng liêng. Mỗi lần cất tiếng ca, tôi như sống lại trong những trang sử hào hùng của dân tộc. Càng hát, trái tim tôi càng thấm thía lời Bác dặn, thôi thúc mình sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn. Đó là nguồn cảm hứng bất tận, không chỉ cho tôi mà cho cả những nghệ sĩ đồng hành trên sân khấu”, anh chia sẻ.
Điều làm nên sự đặc biệt của các chương trình nghệ thuật năm nay là quy mô tổ chức hoành tráng, chiều sâu cảm xúc và tư tưởng được truyền tải mạnh mẽ. Âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật truyền thống… đã trở thành ngôn ngữ kết nối giữa quá khứ vẻ vang, hiện tại tự hào và tương lai tươi sáng. Mỗi tiết mục như một lát cắt ký ức, một nhịp đập của lòng dân, một lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay gửi đến Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn đời được khắc ghi trong trái tim dân tộc Việt Nam!