Nhạc sĩ Doãn Nho và kỷ niệm xúc động với Chiến dịch Điện Biên

THANH NGỌC (thực hiện)

VHO - Phục vụ trong Chiến dịch Điện Biên từ những năm ở tuổi 20, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn xúc động khi nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử của 70 năm trước, với kỷ niệm khó quên đã in dấu trong ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”.

Nhạc sĩ Doãn Nho và kỷ niệm xúc động với Chiến dịch Điện Biên - ảnh 1

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho và cảm xúc ở chiến trường Điện Biên Phủ khi viết “Tiến bước dưới quân kỳ”

- Xin nhạc sĩ cho biết những cảm xúc của ông khi nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ?

Tôi cảm thấy rất sung sướng bởi chiến thắng Điện Biên Phủ đâu chỉ của nhân dân Việt Nam, mà của toàn thế giới. Vì chiến thắng này đưa tới một trang mới, không phải chỉ riêng cho Việt Nam, mà chấm dứt hẳn một giai đoạn của đế quốc Pháp đã làm mưa làm gió tại các thuộc địa trên thế giới.

- Được biết, năm 1954, nhạc sĩ mới 21 tuổi, nhưng đã được tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ?

Tôi là thành viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và được tham gia vào phục vụ cho chiến dịch Điện Biên. Khi đó, tôi ở tuyến 2, tức là ATK, nơi Bác Hồ và Trung ương của chúng ta chỉ huy, theo dõi trận đánh Điện Biên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ở ATK và sau đó chuyển lên khu rừng Mường Phăng, nhìn xuống cánh đồng Điện Biên để chỉ huy kéo pháo vào, kéo pháo ra. Và cuối cùng, chúng ta chiến thắng được Chiến dịch Điện Biên rất lớn lao đó.

Chúng tôi ở tuyến 2 đã phục vụ quân ta đi qua ATK đến Điện Biên chiến đấu, cho đến khi kết thúc chiến dịch, từ ATK chúng tôi cũng đón đoàn quân chiến thắng trở về…

- Nhạc sĩ đã có những kỷ niệm gì với Điện Biên Phủ trong thời gian sau này?

Tôi đến Điện Biên sau chiến thắng 2 năm. Chiến trường Điện Biên đã trở thành Nông trường Điện Biên, khi đó, chúng ta cho ra quân 8 vạn cán bộ chiến sĩ vừa chiến đấu ở chiến trường Điện Biên trở về hậu phương tham gia sản xuất và cho tân binh nhập ngũ bù vào số ta cho giải ngũ.

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933, quê ở làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Ông là nhạc sĩ, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam được biết tới với những ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Ông thuộc lớp người cuối cùng từng trải qua các sự kiện lớn của lịch sử dân tộc như Ngày Quốc khánh 2.9.1945; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954 và Giải phóng miền Nam 30.4.1975.

Tôi được Tổng cục Chính trị giao cho nhiệm vụ tiền trạm cho Đoàn ca múa lên phục vụ Nông trường Điện Biên. Cùng với nhiệm vụ đi tiền trạm là phải viết ngay một bài hát, để khi Đoàn ca múa lên có bài để biểu diễn luôn. Chúng tôi rất vui được trở lại Chiến trường – Nông trường Điện Biên.

Khi đến chân đồi A1, tôi đã khóc khi nghĩ về các đồng đội đã hy sinh nằm lại trên đỉnh đồi, chúng ta hy sinh rất lớn mới có chiến thắng như vậy, và viết ra những nét nhạc nhật ký: “Bước từng bậc/ Nhớ từng người/ Lòng đau đớn/ Uất ức/ Căm hờn/ Thù này phải trả/ Đồng chí ta ơi”. Khi lên đỉnh đồi ngồi giữa xe tăng gục nòng của giặc Pháp và bên cạnh là hai mộ liệt sĩ vô danh, tôi đã viết: Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim…”.

Khi đã có nét nhạc đó, tôi đã tiếp tục hoàn chỉnh, vì nét nhạc này mang bóng dáng hình ảnh gương mặt của các cựu chiến binh già dặn, từng trải chiến đấu. Bài hát viết sau chiến thắng Điện Biên 2 năm, lúc đó tân binh tham gia vào quân đội, cho nên phải có bóng dáng khuôn mặt của tân binh. Bởi vậy, tôi viết tiếp lên đoạn đầu:

Vừng đông đã hửng sáng,

Núi non xanh ngàn trùng xa,

Tổ quốc bao la hiền hòa,

Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao,

Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa,

Lấp lánh sao bay trên quân kỳ”…

“Giữ vững hòa bình, dựng xây tương lai/ Chân trời mới sáng ngời quân ta đi…” - cứ như thế, hai hình ảnh cựu binh, tân binh sát cánh bên nhau, hết thế hệ này đến thế hệ khác tiến bước dưới quân kỳ.

Nhạc sĩ Doãn Nho và kỷ niệm xúc động với Chiến dịch Điện Biên - ảnh 2

Nhạc sĩ Doãn Nho cất tiếng hát bài "Tiến bước dưới quân kỳ"

- Theo ông, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp như thế nào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ?

Tôi nhớ khi mở màn Chiến dịch là trận đánh Him Lam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cùng với Đội xung kích của Đoàn Ca múa được Tổng cục Chính trị cử lên thẳng Him Lam. Đứng cùng một chiến hào với các chiến sĩ mở màn chiến dịch Điện Biên bằng trận đánh Him Lam, khi tiếng súng nổ ra, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cảm hứng và viết ngay tại chỗ bài “Trên đồi Him Lam”: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào…”.

Khi Him Lam chiến thắng, thì bài hát “Trên đồi Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã hoàn thành và Đội xung kích hát cho cán bộ và chiến sĩ vừa mới đánh trận xong nghe. Tôi cho rằng, cách có mặt và phục vụ của các văn nghệ sĩ quân đội, trong đó có Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, chứng tỏ đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta luôn bám sát vấn đề thời sự, để cùng với toàn quân và toàn dân góp phần vào chiến thắng lịch sử.

- Những mong muốn của ông sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ?

Tôi nghĩ rằng cần làm sao cho các thế hệ của chúng ta sau này không bao giờ có thể quên và sẵn sàng theo gót cha ông giữ vững đất nước Việt Nam trong hòa bình và trong chiến tranh. Chúng ta cũng cần phải truyền đạt ý nghĩa của chiến thắng này đối với các thế hệ, không chỉ của Việt Nam, mà các thế hệ trẻ mai sau của toàn thế giới.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc