Bản hùng ca “Điện Biên Phủ- Mốc vàng lịch sử”
VHO - Đêm 6.5 tại Quảng trường 7.5 (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) thực sự là một đêm ngập tràn cảm xúc trên mảnh đất chiến trường xưa. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ- Mốc vàng lịch sử” do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Điện Biên chủ trì đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.
Dự Chương trình nghệ thuật có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Tham dự chương trình có Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023- 2025 Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dự chương trình còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVTND, anh hùng lao động, các tướng lĩnh trong LLVTND và các vị khách quốc tế.
Dự Chương trình nghệ thuật, về phía Bộ VHTTDL có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Tạ Quang Đông. Về phía tỉnh Điện Biên có lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ…
Mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc
Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), địa danh anh hùng, giàu bản sắc văn hoá, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Điện Biên và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”.
Trong phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngược dòng thời gian 70 mùa hoa ban về trước, ngày 7.5.1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi - đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng về văn hoá kháng chiến, văn hoá giữ nước để phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc của cả một dân tộc anh hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hoá nghệ thuật có sứ mệnh bồi đắp quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bằng ngôn ngữ, hình tượng, cùng nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” hướng đến sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; khắc hoạ một thời kỳ toàn dân theo tiếng gọi của Đảng lên đường ra trận.
Những ca khúc, giai điệu tiêu biểu trong chương trình như: Ra đi từ “Làng tôi” để trở thành “Chiến sĩ Điện Biên”; “Qua miền Tây Bắc”, “Núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh cha già, về đây giải phóng quê nhà” để làm nên khúc tráng ca của thế kỷ XX, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”- một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc.
“70 năm sau ngày chiến thắng, Điện Biên nói riêng, Việt Nam nói chung đang vươn mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành biểu tượng của những giá trị nhân văn cao đẹp, lương tri và hòa bình thế giới”, Bộ trưởng khẳng định.
Tri ân những khoảnh khắc lịch sử, những anh hùng liệt sĩ đã đi vào lịch sử dân tộc, làm nên chiến thắng vĩ đại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại những dòng thơ xúc động nhà thơ Tố Hữu đã từng viết để ngợi ca chiến thắng: “Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như Huân chương trên ngực/ Dân tộc ta dân tộc anh hùng”.
Những giai điệu tri ân
Mảnh đất lịch sử oai hùng từng oằn mình trong mưa bom bão đạn, hôm nay ngập tràn trong những giai điệu tự hào. Những giai điệu, thanh âm được cất lên tràn đầy cảm xúc bởi giọng ca của những nghệ sĩ tên tuổi: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSND Dương Minh Đức, NSƯT Thanh Vinh, cùng các ca sĩ trẻ được công chúng yêu mến: Tùng Dương, Tạ Quang Thắng, Vũ Thắng Lợi, Hoàng Quyên, Đào Tố Loan, Dương Hoàng Yến…
Trong sự hồi tưởng đầy xúc động và tự hào, dòng chảy âm nhạc đưa tới người nghe nhiều cung bậc cảm xúc vừa hào hùng, vừa sâu lắng. Đêm nghệ thuật tôn vinh mốc vàng lịch sử có kết cấu ba phần: Toàn dân ra trận; Khúc tráng ca thế kỷ XX; Điểm hẹn hòa bình.
Giai điệu âm nhạc cất lên, kể câu chuyện xúc động và tự hào về mảnh đất huyền thoại Điện Biên Phủ qua các nhạc phẩm nổi tiếng, rất nhiều trong số đó là những khúc ca đã nằm lòng trong mỗi người dân Việt Nam như Áo mùa đông, Giải phóng Điện Biên, Chiến sĩ Việt Nam, Lá cờ Đảng, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Qua miền Tây Bắc, Hò kéo pháo, Em là chiến sĩ Điện Biên; Tổ khúc hợp xướng Điện Biên...
Cùng với những thanh âm lúc hào hùng, khi sâu lắng, da diết và nhớ thương, ấn tượng trong đêm nghệ thuật là một sân khấu rực sáng được dàn dựng công phu; sử dụng công nghệ hiện đại góp phần tái hiện một cách chân thực, sống động nhất bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. 70 năm sau ngày chiến thắng, không gian linh thiêng ấy được tái hiện ngay tại chiến trường ác liệt năm xưa, với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên không khí vừa trang trọng, vừa bi tráng.
Những cung bậc cảm xúc đến với người xem không chỉ qua giọng ca hào sảng, mượt mà mà còn ở cách phác thảo bằng các loại hình nghệ thuật để cất tiếng tri ân những anh hùng, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Nghệ thuật quân sự tài tình, nỗi niềm của người chiến sĩ trong “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” được khắc họa trong từng lát cắt chân thực.
Mở màn với Điện Biên Phủ- Rạng rỡ những mùa hoa, tiết mục khắc họa khối đại đoàn kết các dân tộc tại Điện Biên, vẽ nên bức tranh đa sắc màu của văn hóa trên vùng đất lịch sử, địa danh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Xen kẽ các tiết mục nghệ thuật là những phóng sự, clip: Phóng sự “Điện Biên Phủ - Nơi được chọn” trả lời câu hỏi tại sao cả Pháp và Việt Nam đều chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến để phân thắng bại; Phóng sự “Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc - “Tiếng kèn địch vận””; “Sự ủng hộ của những lực lượng yêu hòa bình quốc tế”; clip “Điện Biên Phủ, cuộc chiến giữa hổ và voi”.
Các đoạn tư liệu được sắp xếp như những cuộc đối thoại giữa các vị tướng, người lính hai đầu chiến tuyến, những bức thư, nhật ký… thể hiện niềm tin, sự lạc quan của những chiến sĩ khao khát hòa bình.
Cảm xúc của người xem về chiến dịch cam go, gian khổ trên chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm trước được dẫn dắt qua từng khúc ca, giai điệu mang niềm tự hào bất diệt.
Tổ khúc hợp xướng Điện Biên với phần dàn dựng tái hiện hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; khẳng định vai trò đóng góp thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Hình ảnh đồng bào các dân tộc tham gia chiến dịch, mang đồ tiếp tế đến chiến trường được tái hiện cùng giai điệu Pỉ noọng ơi. Hò kéo pháo- Đường lên phía trước được biểu diễn hào sảng bởi giọng hát của NSND Trần Hiếu, cùng phần dàn dựng hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ.
Lá cờ Đảng với phần biểu diễn của NSND Quang Thọ- NSND Dương Minh Đức- NSƯT Thanh Vinh cũng mang tới nhiều cảm xúc, kết hợp với sử dụng bức tranh bảo vật quốc gia Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng…
Trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, kết hợp những giai điệu là phần đọc thơ truyền cảm trên nền bối cảnh sân khấu là chiến trường ác liệt, các vũ công tái hiện sự hi sinh anh dũng của những anh hùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện…
Giải phóng Điện Biên, bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay sau chiến thắng một lần nữa được cất lên hào hùng, với giọng ca NSND Quang Thọ- NSND Dương Minh Đức- NSƯT Quang Huy hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam…
“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” kể câu chuyện về chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc với các tiết mục nghệ thuật đa dạng như âm nhạc, hát, múa, hoạt cảnh, thơ… Đêm nghệ thuật khép lại trong dòng chảy bất tận của hào khí Điện Biên, trong ánh sáng rực rỡ của những màn pháo hoa trên bầu trời Điện Biên Phủ ngày mới.