Người miền Tây vẽ chân dung Bác Hồ từ chất liệu dân dã
VHO - Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tại ĐBSCL đã thể hiện lòng kính yêu Bác qua những bức tranh chân dung độc đáo, sử dụng chất liệu mộc mạc, gần gũi như lá thốt nốt, mo cau, lá chuối, vỏ tràm, lá sen, hạt gạo…

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh ĐBSCL, tọa lạc tại trung tâm TP Cần Thơ, công chúng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sáng tạo từ chính sản vật của miền Tây Nam Bộ.
Những chất liệu tưởng chừng bình dị ấy, qua bàn tay tài hoa và trái tim yêu kính Bác của các nghệ nhân, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu là tác phẩm “Bác Hồ với các em thiếu nhi” của họa sĩ Diệp Minh Châu (quê Bến Tre), vẽ ngày 2.9.1947 bằng chính dòng máu từ cánh tay mình trên nền lụa.
Đây là món quà đặc biệt gửi đến Bác Hồ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thể hiện tấm lòng son sắt của người con Nam Bộ nói chung và của văn nghệ sĩ Nam Bộ nói riêng.
Nghệ nhân Đặng Mộng Tường (bí danh Nhạn Trắng) là người đầu tiên nghiên cứu và thực hiện tranh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau – với chủ đề xuyên suốt là “Sen và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau hơn 20 năm theo đuổi, ông đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm, được công chúng đánh giá cao.
Tại An Giang, nghệ nhân Võ Văn Tạng ở huyện Thoại Sơn sử dụng lá thốt nốt – loài cây đặc trưng của vùng đất này, để khắc họa chân dung Bác Hồ bằng bút lửa.
Tính đến nay, ông đã sáng tác hơn 20.000 tác phẩm, phần lớn về Bác Hồ và Bác Tôn. Ông được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam với bức “Di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam” và kỷ lục “Người làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam (năm 2010)”.
Ở Đồng Tháp, nghệ nhân Hồ Văn Tai – người được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh gói vải (tranh hình nổi trên lụa), đã tạo nên hàng ngàn tác phẩm chân dung danh nhân. Trong đó, nhiều bức về Bác Hồ thể hiện tình cảm sâu sắc và tâm huyết với nghệ thuật dân gian Nam bộ.
Từ vùng đất Tiền Giang, nghệ nhân Ngô Văn Nhớ tận dụng những nông sản quen thuộc như gạo, đậu, mè để tạo nên tranh chân dung Bác. Mỗi hạt gạo được đặt lên tranh đều chứa đựng lòng kính yêu của người dân quê Chợ Gạo dành cho Người.
Nghệ nhân Bảy Nghĩa, với chất liệu lá sen, vỏ tràm đặc trưng của Đồng Tháp, đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật không dùng sơn mà tận dụng màu sắc tự nhiên như nâu, vàng, ngà... Những bức tranh ấy luôn bừng sáng hình ảnh vị Cha già dân tộc, phản ánh tình cảm chân thành và sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ miền Tây.
Mỗi tác phẩm không chỉ là sáng tạo nghệ thuật mà còn là lời tri ân sâu sắc của người dân ĐBSCL gửi đến Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ vĩ đại luôn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam.
Một số tác phẩm về Bác Hồ đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh ĐBSCL:








