Họa sĩ Lê Thiết Cương:
Một đường cọ trắng vô cùng trời xanh
VHO - Họa sĩ Lê Thiết Cương, sinh năm 1962 tại Hà Nội, vừa trút hơi thở cuối cùng vào hồi 18h55’ tại nhà riêng sau mấy năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến sinh nhật tròn 63 tuổi của anh.

Trong khoảng hơn 30 năm qua, Lê Thiết Cương là một trong những tên tuổi nổi bật của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Anh có nhiều triển lãm riêng và chung ở trong nước cũng như quốc tế.
Tác phẩm hội họa của Lê Thiết Cương có mặt trong bộ sưu tập của những bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM), Bảo tàng Royal de Mariemont (Vương quốc Bỉ) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lê Thiết Cương cũng giành 2 giải thưởng Good Design Award (Nhật Bản) trong các năm 2003-2004, 2005-2006. Tự nhận mình là một người học trò của nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Thiết Cương đã phát triển xuất sắc tư tưởng của thày để tạo ra phong cách hội họa tối giản.
Mỗi bức tranh của anh chỉ cần một vài đường nét chủ đạo, kết hợp hài hòa giữa hình và nền, vẫn đủ để tạo được chất hư ảo, vô lý, phi lý, siêu hình như anh vẫn từng tâm niệm trong sáng tạo nghệ thuật.
Lê Thiết Cương thành công rực rỡ từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tiền bán tranh đủ cho anh mua mấy căn hộ xung quanh và sau đó thiết kế thành Gallery 39 khang trang rộng rãi như hiện nay.
Anh cũng là vị chủ soái đã lập nên nhóm G39, chắp cánh cho tranh của nhiều họa sĩ đàn em được biết đến rộng rãi như Hoàng Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Phương, Chinh Lê, Bình Nhi…
Biết tiếng họa sĩ Lê Thiết Cương từ lâu nhưng phải đến những năm 2009-2010 tôi mới có dịp gặp anh lần đầu qua sự giới thiệu, kết nối của PGS.TS Bích Hạnh, một chuyên gia về ca từ Trịnh Công Sơn.
Khi đó chị Hạnh mới là thạc sĩ, vừa hoàn thành chuyên luận đầu tiên về Trịnh Công Sơn và muốn nhờ anh Lê Thiết Cương vẽ bìa. Sau khi anh Cương vẽ bìa xong cho chuyên luận của Bích Hạnh thì chị Hạnh dẫn tôi đến 39 Lý Quốc Sư để nhờ anh Cương thiết kế bìa cho cuốn sách đầu tiên của tôi.
Bản thảo của tôi khi ấy có tên là Bút Tre dân gian và Những khúc tửu ca. Anh Cương hào sảng nhận lời và đã chọn cho tôi một bức tranh thật đẹp anh có sẵn, vẽ hình một người say đang nghiêng nghiêng, cúi xuống trên cái nền vàng đậm.
Tôi rất thích bức tranh đó nhưng bản thảo khi ấy lại gặp một số khó khăn nên không được cấp phép. Phải chờ đến 12 năm sau, tôi mới xin phép anh Cương được dùng bức tranh ấy cho tập thơ đầu tiên của mình, tập Ly một (NXB Hội Nhà văn, 2022).

Ly một cũng chính là cái tên anh Cương nghĩ ra tặng cho tôi sau rất nhiều cái tên tôi dự kiến mà chưa ưng ý. Hai chữ này rút từ chính một bài thơ ngắn của tôi, bài Hai một có mặt trong tập thơ: Em vẫn chờ anh về rót một ly phố cổ/ Đường rượu cong như một cây cầu/ Hai đứa mình uống chung ly một/ Nghe gió mặt hồ thổi suốt mai sau/ Đôi sẻ bên nhà nhìn ta uống rượu/ Mắt sẻ in vào dưới đáy ly nâu.
Phải nói thêm rằng, Lê Thiết Cương là họa sĩ đặc biệt mê thơ. Anh đã đọc thơ của ai là đọc kỹ và bao giờ cũng chỉ ra được những câu thơ hay nhất, xuất thần nhất. Nhắc đến thơ về Hải Phòng, anh đọc luôn hai câu của Đào Trọng Khánh: Thành phố ăn nằm với biển/ Đẻ ra một lũ cần lao.
Nhắc đến thơ Nguyễn Thụy Kha, anh đọc ngay câu: Vào một trưa ngày cuối cùng tháng tư/ Những người lính bỗng mang chung một tuổi. Nhắc đến Hàm Anh, anh đọc ngay câu: Hãy tắt cả bóng tối. Nhắc đến Hoàng Trung Thông, anh đọc ngay câu: Bạn uống rượu lòng ta không thể chán.
Từ tháng 9.2019, tôi chuyển công tác từ Viện Ngôn ngữ học về Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam nên có nhiều dịp được gặp anh, được ngồi uống rượu với anh cùng những người anh quý mến như nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Trần Thắng, nhà văn Thái Chí Thanh, nhà báo Trần Nhật Minh…
Mấy anh em thường ngồi ở quán Laca 24 Lý Quốc Sư gần nhà anh Cương, cũng có khi ngồi ở 77 Đường Thành hay phòng tranh của họa sĩ Trần Thắng. Tôi có dịp tặng anh hầu hết những cuốn sách mà tôi đã xuất bản từ 2022 đến nay, anh Lê Thiết Cương luôn đón nhận với tất cả sự trân trọng.
Thỉnh thoảng, anh gửi tôi chút tiền bảo về mua kẹo cho trẻ con em nhé. Tháng 10.2023, anh Lê Thiết Cương nhận lời làm khách mời trong chương trình Đôi bạn văn chương, đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam tại 39 Bà Triệu để trò chuyện về chân dung nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Khi đó, anh vừa mổ xong lần thứ nhất bên Singapore chưa lâu, tôi qua nhà đón anh bằng xe máy, sau đó thu xong chương trình lại chở anh về. Cuộc trò chuyện ấy đã được rất nhiều bè bạn văn nghệ cũng như đông đảo thính giả tán thưởng.
Cho đến lúc này, Lê Thiết Cương là họa sĩ duy nhất đã tham gia trò chuyện trong chương trình Đôi bạn văn chương của Đài Tiếng nói Việt Nam.


So với nhiều họa sĩ khác trong giới mỹ thuật, có thể nhận thấy ngay điểm đặc biệt của Lê Thiết Cương là anh đặc biệt quan tâm đến văn hóa và biến sự quan tâm, am hiểu của mình thành các tác phẩm cụ thể, các bài viết được đăng tải trên những ấn phẩm uy tín.
Gần đây, các bài viết của anh đã được tập hợp lại trong hai cuốn sách: Cuốn Nhà và Người (NXB Hội Nhà văn, 2024) và Trò chuyện với hội họa (NXB Hội Nhà văn 2025).
Cuốn Nhà và Người tập hợp gần 60 bài viết trong khoảng thời gian 2000-2023 cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Cuốn Trò chuyện với hội họa tập hợp gần 70 bài viết, in rải rác trên các báo Tuổi trẻ, Lao động cuối tuần, Thể thao văn hóa, Nhân Dân, Tạp chí Tia sáng.
Tôi đã có một bài viết riêng về cuốn sách này, khẳng định đây là ấn phẩm mang đến một bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bắt đầu từ khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương (1925) đến nay, bao quát lịch sử mỹ thuật Việt Nam trong vòng 100 năm.
Anh còn dự kiến sẽ in 2 cuốn sách nữa, trong đó cuốn thứ ba mang tên Trong hạt thóc có hạt gạo, tập hợp các tiểu luận của anh về văn hóa và một cuốn về nhiếp ảnh.
Nhớ lại cách đây chừng 20 năm, trên ấn phẩm Nghệ thuật mới do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ biên, ra được 14 số thì dừng lại, số nào tôi cũng được đọc một bài viết về mỹ thuật rất hấp dẫn của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Anh có lối viết ngắn và sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo, không cần dẫn nhập rào đón lằng nhằng, vì thế từng câu trong bài viết đều đầy ắp trữ lượng thông tin, luôn mang cái mới gửi tới người đọc.
Lê Thiết Cương tham gia làm nhiều bìa sách cho anh em bè bạn, tập hợp bản thảo, tuyển chọn và góp phần cho nhiều tác phẩm quan trọng của các văn nghệ sĩ ra đời như bộ Đất và người của Đào Trọng Khánh, các tuyển thơ Hoàng Cầm, thơ Nguyễn Quang Thiều, các tuyển tập của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, tuyển thơ Phan Đan…
Gần đây, anh vừa đứng ra làm 2 cuốn sách Thơ trong sổ tay và Trong lòng bạn nhân dịp 49 ngày mất nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Trong đời thường, Lê Thiết Cương là người kỹ tính, thậm chí cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ. Chả thế mà anh được mời thiết kế, chỉ đạo cho nhiều sân khấu, làm giám tuyển các triển lãm hội họa cho VCCA, Davines Art Series, Amour Resort Ba Vì…
Anh cũng vẽ minh họa cho nhiều báo, tạp chí, trong đó phải kể đến những minh họa cho tản văn của Nhân Dân hằng tháng cực kỳ ấn tượng mà anh đã gắn bó trong nhiều năm.
Ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư của anh từ lâu trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi đón tiếp văn nghệ sĩ của cả ba miền đất nước. Đến đây, bè bạn không chỉ được ngắm tranh mà còn được thưởng lãm nhiều cổ vật quý hiếm mà Lê Thiết Cương đã dày công sưu tập.
Lê Thiết Cương giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ đàn em bằng một tinh thần vô tư, chưa bao giờ tôi thấy anh lấy một đồng tiền công cho việc thiết kế bìa, vẽ bìa cho mọi người. Mấy năm gần đây, do sức khỏe thay đổi nên anh Cương đã thôi không uống rượu mạnh mà chuyển sang uống vang, rồi dần dần vang anh cũng không uống được nữa mà chuyển sang uống nước suối.
Thế nhưng anh vẫn dành thời gian ngồi cùng anh em bè bạn, chia sẻ các câu chuyện với mọi người. Mỗi lần được ngồi với anh, tôi lại học thêm được biết bao điều.
Còn biết bao dự định mà anh Lê Thiết Cương chưa kịp thực hiện. Những cuốn sách của mình, những cuốn sách của bè bạn còn chưa kịp in ra. Vắng anh, mỹ thuật Việt Nam mang một khoảng trống lớn về hội họa tối giản mà không ai có thể bù đắp.
Xin được tưởng nhớ anh bằng bài thơ mà tôi đã viết tặng anh đầu năm ngoái, như một nén tâm nhang kính tiễn anh về cao xanh: Uống rượu với Lê Thiết Cương/ Uống cho thành một chiến trường whisky/ Uống hội ngộ uống chia ly/ Uống say uống tỉnh kinh kỳ lang thang/ Uống còn mất uống trái ngang/ Uống cho những mối tình càng xót xa/ Uống tịch lặng uống ngân nga/ Chiều nghiêng theo tiếng chuông nhà thờ rung/ Vút lên thăm thẳm không trung/ Một đường cọ trắng vô cùng trời xanh…