Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha:

Ngàn sau rót xuống cho mềm hư vô

ĐỖ ANH VŨ

VHO - Sau hơn nửa năm trời chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 13 tháng 3 năm 2025, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, để lại bao niềm thương tiếc cho đông đảo công chúng và bạn bè văn nghệ.

Ngàn sau rót xuống cho mềm hư vô - ảnh 1
Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Sống và viết tự do…

Tôi biết tiếng ông đã lâu, nghe nhạc và đọc thơ của ông không ít, nhưng hiếm có dịp gặp. Chỉ từ khi chuyển công tác từ Viện Ngôn ngữ học về Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 9.2019, tôi mới có nhiều dịp gặp gỡ và trở nên thân thiết với Nguyễn Thụy Kha.

Lúc thì tôi tìm gặp ông để phỏng vấn trong sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong; lúc thì đến chúc mừng ông ra hai tập thơ mới Mây và Cưng tại NXB Hội Nhà văn tháng 11.2020.

Bắt đầu từ tháng 10.2021, ông trở thành khách mời trong chương trình Đôi bạn văn chương do tôi chủ biên. Liên tục từ tháng 10.2021 đến tháng 7.2024, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã cùng tôi thực hiện 13 chương trình trò chuyện văn học, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là: Thanh Tùng - Hoa vẫn vẫy hồn người trở lại; Đỗ Nam Cao - Mười năm lại nhớ tới người; Lúng liếng Hoàng Cầm; Những bài thơ Quảng Trị; Chu Hoạch - Thi sĩ gió đầu ô; Vũ Hữu Định và vòng nguyệt quế cho Pleiku; Nguyễn Bắc Sơn - Một thuở trái ngang, một đời lãng tử; Lâm Thị Mỹ Dạ - Lá dịu dàng thăm thẳm của tôi ơi; Văn Cao - Giữa hai bờ thơ nhạc; Nguyễn Đức Sơn - Còn mãi với ngàn thông; Nguyễn Trọng Tạo - Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau; Tô Thùy Yên - Giọt rượu hồng trong cuộc bể dâu; Hoàng Cát - Cây táo vẫn nở hoa.

Kể từ sau khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - khách mời giữ mục Đôi bạn văn chương qua đời, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là người tham gia trò chuyện nhiều nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 1/5 trong tổng số các chương trình đã thực hiện.

Nhiều người đã nói đến trí nhớ kỳ lạ của Nguyễn Thụy Kha, ông như một cuốn từ điển sống về thơ và nhạc, am tường kỹ càng từng gốc gác của mỗi tác phẩm, xuất thân và hành trình sáng tác của mỗi tác giả. Nhưng khi làm chương trình với ông, tôi còn nhận thấy một điểm đặc biệt nữa là ông không bao giờ cần xem trước kịch bản.

Chỉ cần tôi báo trước về chân dung sẽ trò chuyện và hẹn thời gian tại phòng thu, ông sẽ đến đúng giờ và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi gì. Hầu hết các chân dung ông nhận lời trò chuyện cùng tôi đều là những người bạn của ông, và Nguyễn Thụy Kha đều có các ca khúc phổ thơ từng tác giả.

Ông đã phổ thơ Thanh Tùng, Hoàng Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Cao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Cát… Đặc biệt, có hai ca khúc ông phổ thơ ngay trước ngày đến phòng thu làm chương trình.

Đó là bài Biển xa phổ thơ Nguyễn Đức Sơn và bài Ta về phổ thơ Tô Thùy Yên. Một điều thú vị nữa là Nguyễn Thụy Kha thuộc lòng hầu hết tất cả những sáng tác của mình, từ thơ cho đến nhạc, từ bài thơ mới viết tuần trước cũng như bài thơ viết cách đó nửa thế kỷ.

Về tuổi tác, ông thuộc hàng cha chú nhưng tính tình, phong cách lại rất trẻ trung nên ông cho phép và khuyến khích tôi gọi bằng anh. Cứ sau khi thu xong mỗi chương trình Đôi bạn văn chương, chúng tôi lại cùng nhau ra quán rượu để nói tiếp những câu chuyện thi ca, câu chuyện cuộc đời.

Có mấy địa điểm quen thuộc mà ông thường lui tới: Quán Laca 24 Lý Quốc Sư, quán 77 Đường Thành, nhà hàng Hoa Long số 10 Nguyễn Quyền… Cũng nhiều khi những cuộc vui được tổ chức tại nhà họa sĩ Lê Thiết Cương ở 39A Lý Quốc Sư hoặc tại phòng tranh của họa sĩ Trần Thắng.

Nguyễn Thụy Kha ăn theo một công thức riêng, đó là ăn trước 9h sáng và sau 5h chiều. Thế nên trong toàn bộ các cuộc nhậu buổi trưa, anh chỉ ngồi uống rượu mà không ăn. Sẽ có thêm một ly nước suối bên cạnh và không bao giờ thiếu xì gà. Nguyễn Thụy Kha coi whisky và xì gà là bản song tấu độc nhất vô nhị, không thể có thứ này mà thiếu thứ kia.

Nhìn bên ngoài, nếu mới tiếp xúc, Nguyễn Thụy Kha có vẻ lạnh lùng, kiêu bạc khiến không ít người phải ngại ngần. Thế nhưng chơi lâu mới biết anh là người cực kỳ tình cảm, dễ mủi lòng, không tiếc những thằng em bất cứ thứ gì.

Nguyễn Thụy Kha không có lương hưu, suốt mấy chục năm sống và viết tự do nên không phải lúc nào cũng sẵn tiền. Nhưng khi có tiền thì cực kỳ hào sảng và rộng rãi, giúp đỡ người khác không đắn đo.

Một thời gian dài, tôi phụ trách việc nhận nhuận bút ở Báo Văn nghệ giúp anh. Và nhuận bút ấy, như đúng lời anh bảo, lại dành để mua những chai ngon.

Một cây cầu kết nối các thế hệ văn nghệ sĩ

Nguyễn Thụy Kha là người khát sống và sống mãnh liệt, điều này đã in dấu vào các tác phẩm của anh. Sau một tuần lênh đênh trên biển ở điểm cực Nam tổ quốc, ca khúc Chiều đất Mũi đã ra đời. Tác phẩm được viết với khúc thức giản dị mà sâu lắng, cùng phần phát triển cao trào tạo được những điểm nhấn mãnh liệt.

Theo tôi, đây xứng đáng được xem là một trong những ca khúc để đời của Nguyễn Thụy Kha, mang nặng tình yêu quê hương đất nước cùng lòng tự hào về tinh thần bất khuất quật cường của cha ông: Cà Mau chiều xuống rưng rưng đất Mũi/ Nắng chuyển dần biển Đông sang biển Tây/ Hoàng hôn trào sóng, xanh xanh rừng mắm/ Lầm lì lấn biển gọi đước theo cùng/ Tôi đến đây ngỡ chìm vào cơn mơ/ Ôm trọn vẹn đất nước vào mình/ Nghe cột cây số cuối hát dải sông núi/ Nghe cột cờ Thăng Long phần phật gió khơi/ Nghe cha ông còn gọi mãi giữa trời…

Nguyễn Thụy Kha có hành trình thơ hơn nửa thế kỷ với nhiều đóng góp quan trọng. Bài tứ tuyệt Không đề mà anh viết từ 1977 đã nằm trong sổ tay của bao người yêu thơ: Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa. Năm 1982, bài thơ Những giọt mưa đồng hành in ở Báo Văn nghệ và giành giải Nhì một năm sau đó. Sau 40 năm, thi phẩm vẫn còn nguyên vẹn sự hấp dẫn: Người lính trú vội mái hiên/ Rồi lại đi mảnh ni lông khoác chéo/ Anh lẫn vào mưa lúc nào chẳng hiểu/ Ngỡ mưa dệt nên anh/ Có một đứa trẻ con từ trong anh chạy nhanh/ Nhập vào đám trẻ con trần truồng/ đang hò reo giữa phố/ Có một người nông dân từ trong anh hớn hở/ Xòe tay đồng hạn đón mưa/ Có một người lính Trường Sơn từ trong anh năm xưa/ Vội vã vắt áo quần ướt mưa hơ lửa…/ Người lính đi/ Đi qua thành phố/ Bao chân trời thử thách đợi anh/ Trong cuộc hành trình chưa nghỉ/ Mưa và anh là bạn đồng hành.

Sau khi nhận giải thơ của Báo Văn nghệ, Nguyễn Thụy Kha đã có một loạt tập thơ in riêng được ra mắt bạn đọc như Mắt thời gian (1989), Lúc ấy - biển (1989), Không mùa (1994).

Nhưng dấu ấn thực sự tiếp theo cần được kể đến là tập Thời máu xanh (NXB Hội Nhà văn, 1999) gồm 48 bài. Với tập thơ này, Nguyễn Thụy Kha đã cất lên tiếng nói của một thế hệ nhà thơ khoác áo lính, bày tỏ những nghĩ suy sâu sắc về số phận con người và dân tộc khi đi qua cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Ông cũng chia sẻ nhiều tâm sự, nỗi niềm của thời hậu chiến, khi người lính phải đối mặt với một cuộc sống đời thường ngổn ngang cơm áo: Đây là lần thứ hai sau lần làm người lính/ Anh cầm trong tay một thứ dễ chết người/ Ngoe nguẩy năm con rắn/ Giữa vỉa hè phe phẩy như sôi/…Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn/ Trong tay anh cầm/ Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn/ Sau bao nhiêu giằng xé mất còn (Người bán rắn ở Văn Miếu).

Thủ pháp đồng hiện được khởi lên từ Những giọt mưa đồng hành tiếp tục in dấu trong nhiều bài thơ, khẳng định một giọng điệu thơ riêng biệt mang tên Nguyễn Thụy Kha: Thế là tôi đã cởi áo lính/ Một thanh xuân vô tư/ Tôi đã cởi năm 72 đẫm máu/ Vương một sợi diễm xưa/ Tôi cởi năm 75 đẫm máu/ Rượu whisky thơm nhức mùa mưa/ Tôi cởi năm 79 đẫm máu/ Bạc màu tiếng khóc trẻ thơ/ Tôi cởi những thập niên máu xanh/ Đến bao giờ máu tôi đỏ lại (Cởi).

Những năm cuối đời, Nguyễn Thụy Kha bỗng quay về với cách viết tối giản qua một chùm thơ công bố trên chuyên đề Viết và đọc mùa đông năm 2023 (NXB Hội Nhà văn).

Tôi là người đã đánh máy giúp anh 56 bài thơ tối giản với nhiều tác phẩm ấn tượng: Những chiếc lá bàng đỏ rụng rơi/ lại sống thêm một cuộc sống khác/ khi tay chị nhặt lên (Cuộc sống khác); Đốt tiếng Việt/ thành lửa/ tâm linh (Hát văn); Cứ tưởng em là đàn bà/ Hóa ra em là thước/ Vừa đo anh vừa đánh đòn anh (Thước); Trời thong thả xuân/Hoa thong thả nở/ Người thong thả tàn (Thong thả 2)…

Ngồi với Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi học được rất nhiều từ anh, một kho kiến thức khổng lồ về thơ - nhạc cho đến những kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống.

Có thể nói, Nguyễn Thụy Kha là một cây cầu kết nối các thế hệ văn nghệ sĩ. Anh đã có công lớn khi sưu tập, thu thập, biên soạn và công bố các tác phẩm của Văn Cao, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng…

Vì nhiều lý do lịch sử mà những tên tuổi lớn ấy một thời gian dài đã bị chìm khuất, tác phẩm không được công chúng biết đến. Với các thế hệ đàn em đi sau, anh luôn tận tình khuyên bảo, nhận xét và góp ý cho từng tác phẩm. Anh phổ nhạc những bài thơ của đàn em như thơ Trần Thắng, Đào Phi Cường, Phạm Nguyễn Toan, Trần Anh Thư…

Còn rất nhiều dự định mà anh chưa kịp làm. Nhưng có lẽ thế cũng đã là đủ cho một cuộc đời nghệ sĩ lãng tử.

Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ cuối trong bài thơ Ghét và yêu mà tôi viết tặng anh vào đầu năm ngoái: Mỗi lời thành một nguồn men/ Ngàn sau rót xuống cho mềm hư vô. Anh tiếp tục rót những ly thật ngon ở một cõi khác, và tôi tin rằng, tôi vẫn còn gặp lại anh trong những giấc mơ của mình. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc