Những trang viết mang tiếng vọng non sông

HOÀNG ANH

VHO - Trong gian khó, ngọn lửa dân tộc càng rực cháy, và văn chương, chính là ngọn đèn bất tận soi rọi tinh thần ấy qua từng trang viết. Từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt đến thời bình hôm nay, đề tài cách mạng và hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn là dòng chảy cảm hứng mạnh mẽ trong văn học Việt Nam.

 Không chỉ tái hiện khí thế hào hùng một thời, các tác phẩm còn khắc họa sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn người lính - biểu tượng cho phẩm chất kiên cường, nhân ái và tinh thần bất khuất của cả dân tộc.

Những trang viết mang tiếng vọng non sông - ảnh 1
Sau 50 năm kể từ mốc son 1975, văn học cách mạng vẫn khẳng định vai trò là trụ cột tinh thần, bồi đắp nền tảng văn hóa dân tộc

 Dòng chảy bất tận của ký ức và khát vọng

Ngay trong khói lửa chiến tranh, văn học Việt Nam đã định hình một dòng chảy chủ đạo, dòng chảy của lý tưởng cách mạng và hình tượng người lính - “Bộ đội Cụ Hồ”, như một biểu tượng sáng ngời của thời đại.

Tại buổi tọa đàm về các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và người lính diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều diễn giả khẳng định: Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, văn học Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn. Rất nhiều văn nghệ sĩ gác lại khuynh hướng lãng mạn để dấn thân vào hiện thực chiến đấu. Không chỉ đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, mà còn có đông đảo người lính trực tiếp cầm bút, ghi nhật ký, viết sổ tay, làm thơ - đã cùng nhau tạo nên một “mặt trận văn chương” đầy khí chất và chân thực.

Từ đó, hình tượng người lính trở thành linh hồn của văn học cách mạng. Các nhà văn đã tiếp cận chiến tranh như một lát cắt lịch sử và như một hành trình thẳm sâu khám phá con người - với nỗi đau, giằng xé và tình đồng chí thiêng liêng.

Chính điều đó đã khiến cho các tác phẩm chiến tranh luôn giữ được chiều sâu nhân văn và sức lay động mạnh mẽ - không chỉ là câu chuyện quá khứ mà còn là hồi chuông của những giá trị sống còn hôm nay.

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ đã điểm danh nhiều tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Mẫn và tôi (Phan Tứ), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh)… - những áng văn chương đã chạm vào phần sâu thẳm nhất của tâm hồn độc giả qua các thế hệ.

Một điểm nhấn tại tọa đàm là tiểu thuyết Trong cơn gió lốc của nhà văn Khuất Quang Thụy - tác phẩm lấy bối cảnh chiến dịch “Cú đấm thép” giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Không chỉ khắc họa những trận đánh ác liệt, tác phẩm còn đào sâu tâm lý và số phận người lính, tạo nên một không gian nghệ thuật vừa khốc liệt, vừa thấm đẫm tình người.

Chiến tranh lùi xa, nhưng những ám ảnh và ký ức vẫn ở lại, thôi thúc các cây bút từng là chiến sĩ tiếp tục sáng tác. Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai là một minh chứng sống động.

Viết sau 40 năm đất nước thống nhất, tiểu thuyết đã gợi lại 81 ngày đêm bi tráng tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đồng thời vẽ nên chân dung những con người quả cảm, lặng lẽ hy sinh vì độc lập dân tộc.

Sau nhiều tác phẩm ấn tượng như Ăn mày dĩ vãng, Khúc bi tráng cuối cùng…, Mưa đỏ thực sự là đỉnh cao trong hành trình sáng tác của nhà văn - một tiếng nói đậm chất sử thi về chiến tranh và con người.

Tri ân thế hệ cầm súng và cầm bút

Văn học Việt Nam, trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã không chỉ là ngọn lửa soi sáng tinh thần dân tộc mà còn trở thành một trong những trụ cột vững chắc của nền văn hóa quốc gia.

Nhà văn Phùng Văn Khai nhận định, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn giữ vị thế trung tâm trong nền văn học nước nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của một thế hệ nhà văn tài năng - mỗi tác phẩm của họ đều là một bản hùng ca bất diệt.

Ở thời kỳ chống Pháp, những cái tên như Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống), Chính Hữu (Đồng chí), Quang Dũng (Tây Tiến)... đã in dấu sâu đậm trong lòng người đọc.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, ngọn lửa văn chương lại bùng cháy trong sáng tác của Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Nguyễn Duy và nhiều cây bút khác...

Theo tổng kết văn học 50 năm sau 1975, một kho tàng phong phú về đề tài chiến tranh đã được vun đắp bởi đội ngũ nhà văn trong và ngoài quân đội.

“Những tác phẩm ấy đã làm sáng rõ chân lý: Chính nghĩa tất thắng. Dù đối phương có ưu thế về vũ khí, quân số và khí tài, nhưng chúng ta có sức mạnh của lẽ phải, của ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất dân tộc”, nhà văn Phùng Văn Khai nhấn mạnh.

Không giấu niềm tự hào, ông khẳng định: Văn học luôn song hành cùng lịch sử, không chỉ ghi lại, mà còn làm sáng tỏ những trang vàng chói lọi của dân tộc.

Qua từng trang sách, thế hệ hôm nay hiểu rằng, cha ông đã giành lại non sông bằng máu, trí tuệ, niềm tin và lý tưởng cao đẹp. Sau 50 năm kể từ mốc son 1975, văn học cách mạng vẫn khẳng định vai trò là trụ cột tinh thần, bồi đắp nền tảng văn hóa dân tộc.

Dù cuộc sống hiện đại không ngừng thay đổi, những tác phẩm như Mưa đỏ, Trong cơn gió lốc… vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành nhịp cầu nối thế hệ, giúp những người trẻ hôm nay cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của cha anh.

Nhà văn Phùng Văn Khai cũng thẳng thắn bác bỏ quan điểm cho rằng văn học Việt Nam không có tác phẩm đỉnh cao về chiến tranh. Ông nhấn mạnh: “Các nhà văn thế hệ kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, nhiều người trong số họ như Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi... đã ngã xuống trên chiến trường trong tư thế của những chiến sĩ - nhà văn quả cảm”.

Trong điều kiện sáng tác vô cùng khắc nghiệt, giữa bom đạn khốc liệt và thiếu thốn trăm bề, các nhà văn vẫn miệt mài viết nên những trang sách thấm đẫm tài năng và tinh hoa.

Đó không chỉ là những trải nghiệm chân thực máu thịt, mà còn là những bức tranh giàu sức sống, được khắc họa bằng trí tưởng tượng bay bổng và ngòi bút sắc sảo.

Nhà thơ Phạm Vân Anh xúc động chia sẻ: “Được đọc những tác phẩm về chiến tranh cách mạng của thế hệ nhà văn đi trước không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là cơ hội quý báu để thế hệ hôm nay được sống lại những hành trình lịch sử hào hùng, hun đúc niềm tự hào và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước”.