Điêu khắc TP.HCM:

Mang nặng hình thức, thiếu tác phẩm xứng tầm

THÙY TRANG

VHO - Tại Tọa đàm “Điêu khắc TP.HCM - Thực trạng và xu hướng phát triển”, do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định rằng, điêu khắc tại TP.HCM còn mang nặng hình thức, chưa để lại nhiều suy tưởng, thông điệp đến với cuộc sống.

Mang nặng hình thức, thiếu tác phẩm xứng tầm  - ảnh 1
Tọa đàm về điêu khắc tại TP.HCM

Trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay, ngành Điêu khắc không những đóng vai trò quan trọng việc phục vụ quần chúng nhân dân bằng những sáng tạo, làm đẹp cho cảnh quan đô thị, mà còn đem tác phẩm điêu khắc phục vụ xã hội… Tính đến nay, TP.HCM đã có khoảng 200 nhà điêu khắc, trong đó có 91 nhà điêu khắc là hội viên của Hội Mỹ thuật TP.

Chất lượng nghệ thuật điêu khắc đang có chiều hướng chững lại

Theo GS.TS.NĐK Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM. nhìn lại chặng đường gần 50 năm từ tháng 5.1975 đến nay, điêu khắc TP.HCM đã có những bước tiến vượt bậc về số lượng và chất lượng đội ngũ sáng tác cũng như tác phẩm nghệ thuật. Nhưng công tâm mà nói, vẫn chưa thấy được nhiều những tác phẩm gây ấn tượng mạnh và lâu bền với người xem hay hòa quyện với không gian cảnh quan đô thị...

“Các sáng tác theo xu hướng hiện đại, ảnh hưởng các trường phải ấn tượng, trừu tượng, tối giản… vẫn mang nặng yếu tố hình thức theo kiểu “trình diễn” về bố cục, chất liệu, ngôn ngữ nghệ thuật, tạo ấn tượng lạ mắt cho người xem, nhưng chưa để lại nhiều suy tưởng, thông điệp đến với cuộc sống. Các tác phẩm điêu khắc hoành tráng vẫn mang nặng yếu tố tả thực, cổ động, miêu tả sự kiện, lịch sử… mà chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố thẩm mỹ tạo hình chung và chưa tạo ra được điểm nhấn cần thiết trong không gian, tạo ra cảm xúc khó quên đối với người dân hay du khách”, GS Nguyễn Xuân Tiên tâm tư.

Mang nặng hình thức, thiếu tác phẩm xứng tầm  - ảnh 2
Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, là một trong số ít công trình điêu khắc có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa hiện nay tại TP.HCM. Ảnh: TRỌNG THỊNH

NĐK Phan Tấn Toàn cũng cho rằng, nền điêu khắc Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, cũng đã có nhiều điểm sáng, những bước chuyển biến và phát triển mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm điêu khắc có xu hướng trưng bày ở không gian ngoài trời, quy mô kích thước lớn, chất liệu bền vững, đa sắc đa diện, ngôn ngữ tạo hình đương đại… Thế nhưng, hạn chế thấy rõ nhất ở chuyên ngành điêu khắc tại TP.HCM hiện nay là đang thiếu các tác phẩm trang trí xứng tầm với cảnh quan đô thị.

Giới chuyên gia cho rằng, điêu khắc TP.HCM trong giai đoạn 1975 đến nay, đã phát triển không ngừng về số lượng, chất lượng đội ngũ cũng như tác phẩm nghệ thuật, đã thể hiện vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa nghệ thuật và có những đóng góp tích cực, phục vụ các nhu cầu của xã hội trong cả nước, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, chuyên ngành điêu khắc TP.HCM đang có chiều hướng chất lượng nghệ thuật chững lại so với mặt bằng điêu khắc chung trong cả nước.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đối với các tác phẩm tham gia các Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế và trong nước, phần lớn vẫn còn hời hợt, mang nặng yếu tố hình thức, thiếu yếu tố thẩm mỹ, cũng như sự điêu luyện về kỹ năng thể hiện hình khối, chất liệu.

“Nhìn lại trong những năm gần đây, chúng ta thấy rất ít các nhà điêu khắc ở TP.HCM nhận được các giải thưởng lớn trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Triển lãm Điêu khắc toàn quốc và Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam hằng năm... Âu cũng là những tiếng chuông cảnh báo cho chuyên ngành điêu khắc tại TP.HCM, để mỗi NĐK nhìn lại mình và cùng chung tay, góp sức để tạo nên sự hưng thịnh cho điêu khắc Thành phố”, NĐK Nguyễn Xuân Tiên buồn bã.

Mang nặng hình thức, thiếu tác phẩm xứng tầm  - ảnh 3
Tác phẩm tượng “Giao điểm”, do nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đầu tháng 7.2024 vừa qua

Cần một định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị

NĐK Phan Tấn Toàn phân tích, hầu hết các không gian công cộng tại TP.HCM không được quy hoạch ngay từ đầu trong tổng thể, nên việc bổ sung, chỉnh trang các không gian công cộng phải đối mặt với khó khăn khi tác phẩm điêu khắc là yếu tố được đặt sau cùng giữa các công trình cổ và hiện đại đan xen nhau.

Để phát triển điêu khắc TP.HCM, các NĐK cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; đưa tác phẩm điêu khắc tiếp cận với công chúng, gắn kết với không gian công cộng. Theo đó, với sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở, thời gian gần đây, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng trong công viên, đường phố; không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức biểu diễn tạo nên không gian văn hóa, như: lễ hội âm nhạc, festival của nhiều loại hình nghệ thuật đường phố...

Không gian nghệ thuật công cộng ở TP.HCM sẽ rất phong phú khi tận dụng, triển khai được các nhà máy cũ, bến xe buýt, công viên bờ sông, kênh, quảng trường các khu đô thị mới, các nhà ga đường sắt đô thị trên cao... để các tác phẩm điêu khắc không chỉ làm đẹp thêm không gian văn hóa công cộng mà còn tiếp cận gần hơn với công chúng và thổi vào đó sức sống mới.

Vì thế, chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật cũng cần phối hợp với Sở VHTT, Sở Du lịch Thành phố... thực hiện không gian văn hóa nghệ thuật công cộng từ cột cờ Thủ Ngữ chạy dọc bến Bạch Đằng đến khu vực Ba Son, nối liền với Bảo tàng Tôn Đức Thắng... tạo thành cảnh đẹp của đô thị và điểm đến của du khách. Hoặc có thể bài trí các tác phẩm điêu khắc dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, các công viên, quảng trường, bến xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị trên cao, tầng hầm... để đưa tác phẩm điêu khắc tiếp cận với công chúng, góp phần làm đẹp cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ và xây dựng phát triển văn hóa con người Thành phố.

Mang nặng hình thức, thiếu tác phẩm xứng tầm  - ảnh 4
Một triển lãm điêu khắc tại TP.HCM thu hút các bạn trẻ

“Cần một định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị, mà trong đó phải có những khoảng không gian văn hóa cộng đồng, trong đó không thể thiếu điêu khắc công cộng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa - nghệ thuật”, TS.NĐK Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đề xuất.

NĐK Lê Lang Biên mong muốn, TP.HCM nên quan tâm bồi dưỡng cho lực lượng họa sĩ, NĐK trẻ, đầu tư cho các tác giả có năng lực thực sự trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc, nhằm tạo ra các tác phẩm tốt, mang giá trị nghệ thuật cao. NĐK Phan Tấn Toàn cho rằng cần đưa giáo dục thẩm mỹ trong các nhà trường từ lứa tuổi nhỏ để nâng cao mặt bằng nhận thức về cảm thụ thẩm mỹ nghệ thuật đồng bộ cho người dân thuộc mọi lứa tuổi.

Theo GS Nguyễn Xuân Tiên, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp quản lý, của Hội, của từng cá nhân NĐK để có cái nhìn khách quan, tìm ra nguyên nhân, hướng đi mới, nhằm phát triển điêu khắc TP.HCM xứng đáng là trung tâm điêu khắc của Nam Bộ, trong cả nước và của khu vực.