Diện mạo mới của điêu khắc Việt
VHO- “225 tác phẩm, bộ tác phẩm của các tác giả trên toàn quốc trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc 2023 như một bức tranh tổng thể, phản ánh trung thực và sinh động đời sống điêu khắc Việt Nam đương đại; là dịp để công chúng thấy được diện mạo mới của thể loại nghệ thuật này với nhiều nét phá cách, tư duy mới lạ trong việc tạo hình và quan niệm sáng tác, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, cùng với đó là những tài năng đầy hứa hẹn của đội ngũ nghệ sĩ trẻ”.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng các đại biểu tham quan Triển lãm
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ trao giải Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc, được Bộ VHTTDL giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức định kỳ 5 năm một lần, thay vì 10 năm như trước đây.
Bức tranh tổng thể về điêu khắc Việt đương đại
Năm 2023, Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc được tổ chức nhằm tổng kết và đánh giá thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế những tác phẩm xuất sắc của các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, họa sĩ Việt Nam trong thời gian từ năm 2013-2023. Sau hơn 5 tháng phát động, BTC đã nhận được 536 tác phẩm của 285 tác giả gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật đã chọn ra được 225 tác phẩm của 164 tác giả để trưng bày tại Triển lãm. 16 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải thưởng, gồm: 3 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Các tác phẩm chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống đương đại, chuyển tải thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét; thể hiện những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm; sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách; sự đa dạng về chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới...
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, qua mỗi kỳ triển lãm, chúng ta cùng đánh giá, nhìn lại chặng đường phát triển của điêu khắc Việt Nam. Chính sự góp sức hùng hậu, sự chuyển tiếp liền mạch giữa các thế hệ đã tạo nên thành công và phát triển của điêu khắc Việt đương đại. Một thế hệ nghệ sĩ trẻ đã và đang trưởng thành với những tư duy sáng tạo mới, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi và triển lãm Điêu khắc 5 năm toàn quốc 2023, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Từ triển lãm điêu khắc 10 năm mới có một lần, đến thời điểm này, Bộ VHTTDL quyết định 5 năm một lần đã cho thấy xu thế phát triển mạnh mẽ của điêu khắc Việt Nam. Minh chứng là tại Triển lãm này, những người trẻ đang đưa ra và kể những câu chuyện với cách nghĩ, cách nhìn, ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ... Nằm trong dòng chảy chung của điêu khắc quốc tế, điêu khắc Việt đã tập trung cho các tác phẩm tượng trong nhà và ngoài trời, không còn là những tượng đài hoành tráng, chiếm lĩnh không gian. Bởi chúng ta cần sống hòa mình với thiên nhiên, với kiến trúc và cảnh quan xung quanh…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Có sự lan tỏa mạnh mẽ, sức hút lớn đối với giới nghề và công chúng yêu nghệ thuật trên khắp cả nước, sự kiện lần này được xem là một dấu mốc quan trọng của điêu khắc Việt Nam. Vượt qua khuôn khổ của một cuộc tranh tài, đây còn là sân chơi bổ ích để các nghệ sĩ cùng nhau giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác trong quá trình lao động nghệ thuật. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn tin tưởng: “Với những giá trị mới của điêu khắc đương đại đã được các tác giả mang đến triển lãm lần này, chúng ta tin rằng những đội ngũ trẻ là những người quyết định số phận của nền điêu khắc đương đại Việt Nam”.
Tác phẩm giải nhì “Tình ca phương Nam” của tác giả Châu Trâm Anh (Bình Dương)
Khẳng định với những tư duy mới
Cuộc thi năm nay không có giải nhất mà có 3 giải nhì được trao cho các tác giả: Châu Trâm Anh (Bình Dương) với tác phẩm Tình ca phương Nam; Nguyễn Trường Giang (Hà Nội) với Nghênh phong và Lê Văn Khuy (Hưng Yên) với Trời tròn đất vuông.
Lý giải vì sao không tìm thấy giải nhất, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Lương Xuân Đoàn cho rằng, không có tác phẩm nào vượt trội lên hoàn toàn thuyết phục được các thành viên Hội đồng. Trong khi đó, 3 tác phẩm giải nhì với các chất liệu kim loại, đá trắng và gốm xứng đáng là những gương mặt đại diện cho sự thay đổi, tìm tòi của giới điêu khắc Việt 5 năm qua. “Trong bối cảnh diễn ra đại dịch, tâm thế sáng tác của giới nghệ sĩ có nhiều va đập, không bình yên trước số phận nhỏ bé của con người. Thời gian thực hiện tác phẩm, ý tưởng quá eo hẹp, gấp gáp, vì thế chúng ta chấp nhận khung cảnh này và hy vọng trong thời gian tới sẽ có những sáng tác mới hấp dẫn hơn. Vẫn là ngôn ngữ truyền thống, tượng tròn, nhưng cách khai thác khác, chất liệu khác, không chỉ phản ánh đời sống nội tâm của nghệ sĩ mà còn phản ánh đời sống của người Việt đương đại. Nhìn kỹ vào từng tác phẩm sẽ thấy có sự kế thừa, đó là kế thừa từ truyền thống, người đi trước nhưng kể theo câu chuyện mới của ngày hôm nay”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bày tỏ, Triển lãm này rất quan trọng đối với giới điêu khắc Việt Nam, bởi đây là nơi để họ trưng bày và giới thiệu những quan điểm về nghệ thuật của riêng mình. Đặc biệt là có sự phát triển cả về nghệ thuật và lực lượng sáng tác, nhất là các nghệ sĩ trẻ. Ông tin tưởng rằng: “Nền điêu khắc tương lai của Việt Nam sẽ có những nhà điêu khắc giỏi hơn chúng tôi ngày hôm nay”.
Hồi đáp lại sự kỳ vọng của thế hệ đi trước, theo thời gian, điêu khắc Việt đã khoác lên mình một diện mạo mới phá cách, hội nhập và mang đậm dấu ấn thời đại. Điều này được minh chứng rõ nét qua sự tham gia đầy hào hứng của thế hệ 8X, 9X. Họ đưa ra cách cảm nhận nghệ thuật với ngôn ngữ trừu tượng đậm đặc, tiếng nói của nghệ thuật hiện thực đã thưa hơn.
Thuộc thế hệ 9x, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Thùy Dương cho rằng, giới trẻ được tiếp cận với nhiều ngôn ngữ khác nhau nên đã có sự hội nhập sâu rộng với thế giới, từ đó sẽ cập nhật, giao lưu, học hỏi được nhiều hơn, nhưng không quên tiếp nối tinh thần cha ông và phát triển nền nghệ thuật nước nhà theo cách của riêng mình.
Với sức trẻ và trải nghiệm của các tài năng điêu khắc Việt, Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc là một bức tranh với những gam màu tươi sáng cho thấy một diện mạo mới của điêu khắc Việt Nam ngày càng tinh hoa, khởi sắc nhưng vẫn đậm đà dấu ấn dân tộc.
MINH HÀ; ảnh: QUỲNH CHI