Phim kinh dị Việt:
Màn “lột xác” ngoạn mục
VHO - Dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều, nhưng bộ phim kinh dị Ma da vẫn vượt mốc doanh thu 100 tỉ sau 10 ngày ra rạp, giúp tác phẩm trở thành phim Việt chiếu rạp có doanh thu cao thứ 4 trong năm nay, cũng như liên tiếp lập kỷ lục phòng vé. Điều này đã góp phần vực dậy vị thế cho dòng phim kinh dị nội địa, khi mà những năm qua, đề tài này hầu như không có sức cạnh tranh ở các rạp trong nước.
Lấy lại niềm tin của khán giả
Nếu như những năm trước, các tác phẩm kinh dị Việt luôn bị khán giả chê bai về nội dung, kỹ xảo hay là màn hóa thân của các diễn viên, thì thời gian gần đây, phim kinh dị đã có sự chuyển dịch đáng kể khi được “phủ” lên lớp áo đậm màu văn hóa, dân gian Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua doanh thu của Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn, Chuyện ma gần nhà… Thậm chí, đến cuối năm 2023, Quỷ cẩu của đạo diễn Lưu Thành Luân đã thu về con số ấn tượng với hơn 100,7 tỉ đồng, giúp tác phẩm trở thành bộ phim kinh dị trong nước có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Sau một mùa hè ảm đạm, phim Việt lại bất ngờ có một tác phẩm nhanh chóng đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng và tạo ra “cú hích” đầy hứng khởi cho phòng vé. Đó chính là Ma da, hiện đã gia nhập “câu lạc bộ trăm tỉ” chỉ sau 10 ngày trình làng và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không những thế, Ma da còn đạt được nhiều thành tích như: Phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất trong 1 ngày (15,3 tỉ đồng); phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất tuần đầu tiên (80 tỉ đồng); phim kinh dị bán được 1 triệu vé trong 1 tuần… Ngoài ra, tác phẩm cũng gây ấn tượng khi khởi chiếu cùng lúc tại 3 quốc gia: Australia, Hàn Quốc và New Zealand. Tại xứ sở Kim chi, Ma da vượt mốc 10.000 lượt khán giả chỉ trong 2 ngày khởi chiếu và lọt vào top 7 phim nước ngoài có doanh thu cao nhất trong 2 ngày khởi chiếu tại Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.
Ma da dán nhãn 16+, do Nguyễn Hữu Hoàng đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thành Lộc, Diệu Đức, Trung Dân, Việt Hương, Cẩm Ly, bé Dạ Chúc, Duy Anh… Phim lấy cảm hứng từ chuyện kể dân gian về tích “ma kéo chân”, “ma kéo người thế mạng”… được truyền miệng từ lâu đời, cũng là lời cảnh báo để người dân phòng tránh tai nạn vùng sông nước. Theo đó, trong phim Việt Hương vào vai bà Lệ - một phụ nữ lam lũ làm nghề vớt xác, đưa người mất trên sông về với gia đình. Thế nhưng, sau lần vớt xác một thanh niên bí ẩn, bà Lệ gặp nhiều hiện tượng lạ. Người thầy trong xóm (nghệ sĩ Trung Dân thủ vai) đã cảnh báo gia đình bà Lệ phải cẩn thận với các dấu hiệu tai ương. Và không nằm ngoài dự đoán, biến cố xảy khi con gái bà Lệ đột ngột mất tích. Từ đó, những bí mật kinh hoàng dần gợi mở…
Có thể thấy, phim “hút” khán giả nhờ điểm cộng từ bối cảnh âm u, rùng rợn của rừng ngập mặn vào buổi đêm cộng với nhiều góc máy từ xa đến gần, từ trên cao xuống nước, thêm gam màu lạnh xuyên suốt bộ phim đã tạo ra một không gian nặng nề, ám ảnh đúng chất kinh dị. Với vai bà Lệ, diễn viên Việt Hương thật sự lột xác khỏi hình tượng hài hước quen thuộc lâu nay trên màn ảnh. Thay vào đó, chị đã mang đến sự khác lạ với mái tóc tém, làn da rám nắng, dáng vẻ phong trần đã khiến người xem thật sự tin vào nhân vật. Cùng với đó, ca sĩ Cẩm Ly hay diễn viên nhí Dạ Chúc cũng là điểm sáng của phim. Nhiều ý kiến còn cho rằng, Ma da thành công vì chọn đúng thời điểm phát hành, không bị cạnh tranh quá nhiều.
“Khoác áo” dân gian
Có thể thấy, sau những con số “khủng” của phim kinh dị Việt gần đây, các nhà làm phim đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình. Từ nay đến cuối năm, sẽ có ít nhất 3 phim mang màu sắc kinh dị, tâm linh tiếp tục ra mắt, đó là: Làm giàu với ma (đạo diễn Nguyễn Nhật Trung, dự kiến khởi chiếu vào 30.8); Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn, dự kiến khởi chiếu vào 27.9); Linh Miêu (đạo diễn Lưu Thành Luân, dự kiến khởi chiếu vào 22.11). Cả ba tác phẩm đều được sản xuất bởi các nhà làm phim đều có tên tuổi, gặt hái nhiều thành công trước đó. Dù mới chỉ hé lộ về dàn diễn viên, một số cảnh quay, trang phục… thế nhưng, những cái tên này đã gây được sự chú ý bởi những điều “tuy quen mà lạ”.
Qua đây để thấy, dòng phim kinh dị Việt Nam đang có sự khởi sắc cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ đổi mới nội dung để phù hợp với nhu cầu công chúng mà các nhà sản xuất còn mạnh tay đầu tư cho kỹ xảo, trang phục, bối cảnh… Đặc biệt, việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa, tín ngưỡng tâm linh, những câu chuyện kể dân gian… đã và đang trở thành một hướng đi mới. Bởi lẽ, chính những câu chuyện từ vùng nông thôn thấm đẫm ý nghĩa văn hóa, không chỉ gợi lên nỗi nhớ, chạm đến trái tim mà còn khơi dậy sự tò mò của người xem. Bên cạnh đó, công chúng, nhất là người trẻ, còn có cơ hội khám phá và tìm hiểu về những phong tục tập quán vốn được nghe kể từ thời tấm bé và nét văn hóa đa dạng của nhiều địa phương Việt Nam. Không chỉ hút khán giả trong nước, yếu tố văn hóa bản địa còn tạo nên tiềm năng thu hút khán giả ở thị trường nước ngoài.
Rõ ràng, việc nhiều nhà làm phim cùng khai thác thể loại kinh dị mang dấu ấn văn hóa Việt sẽ giúp tạo ra những chuẩn mực mới cao hơn, thị trường được duy trì bởi những tác phẩm có giá trị. Thế nhưng, chất liệu dân gian vốn “ghi điểm” ở tiêu chí quen thuộc, nhưng để tạo nên một bộ phim chất lượng thì cần thêm rất nhiều yếu tố. Nếu các tác phẩm không có sự đầu tư và khác biệt, khán giả sẽ lại nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và quay lưng, gây lãng phí cho một mảnh đất màu mỡ vừa khai phá được. Điều mà điện ảnh Việt đã từng mắc lỗi không ít lần.
Dù thị trường điện ảnh Việt những tháng giữa năm có phần ảm đạm, nhưng với sự thành công của Ma da, phòng vé hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường cuối năm 2024 sẽ có sự bứt phá khi xuất hiện loạt phim kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian.