Phim kinh dị thuần Việt hút khách

VHO - Sau thành tích ấn tượng của Kẻ ăn hồn và Quỷ cẩu, dòng phim kinh dị chiếu rạp tiếp tục chào đón những dự án được lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt Nam. Qua đó để thấy, không chỉ thành công về mặt doanh thu, phim kinh dị đã bước ra khỏi lối mòn cũ, bắt đầu trở nên “nặng đô” hơn và dần lấy lại niềm tin của công chúng vào dòng phim “made in Vietnam”.

Phim kinh dị thuần Việt hút khách - Anh 1

 “Kẻ ăn hồn” được lồng ghép văn hóa truyền thống Việt, từ phục trang, bối cảnh đến nội dung phim

 Đã bớt ngoại lai

Nếu như trước đây, phim kinh dị Việt thiếu sáng tạo khi dựa dẫm quá nhiều vào những yếu tố ma quỷ, bùa ngải... thì giờ đây các nhà làm phim đã bắt đầu khai thác các giá trị trong văn hóa dân gian để xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh sao cho phù hợp với khẩu vị của công chúng. Bởi lẽ, văn hóa dân gian Việt Nam là “mảnh đất” màu mỡ, với kho tàng khổng lồ các câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ bí, mở ra rất nhiều tiềm năng. Gần nhất phải kể đến loạt phim kinh dị chiếu rạp gây được sự chú ý của công chúng như Kẻ ăn hồn của Trần Hữu Tấn, Quỷ cẩu của Lưu Thành Luân…

Theo đó, Quỷ cẩu gây bất ngờ khi đại thắng phòng vé với doanh thu hơn 108 tỉ đồng. Bộ phim lấy cảm hứng từ truyền thuyết “chó đội nón mê” và xoay quanh gia đình làm nghề giết mổ chó bán thịt. Với những câu chuyện đậm màu sắc Việt theo cách gần gũi, chân thật, vào thẳng vấn đề một cách táo bạo, bộ phim đã mang đến thông điệp về luật nhân quả, nghiệp báo. Tiếp nối thành công đó là Kẻ ăn hồn, thu về gần 67 tỉ đồng sau 4 tuần khuấy đảo phòng vé. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, với những nét văn hóa đậm chất Việt được lồng ghép từ phục trang, bối cảnh đến nội dung. Điểm chung của cả hai phim kinh dị này là đều mang đến câu chuyện có chất liệu văn hóa, truyền thuyết dân gian, tạo sự gần gũi, cuốn hút cho tác phẩm.

So với dòng phim kinh dị chọn khai thác các hình tượng phổ biến như ma cà rồng, quái vật, zombie, ám ảnh tâm lý... ra rạp trong năm 2023 như Bến phà xác sống, Người mặt trời doanh thu chỉ đạt 4-5 tỉ đồng, thì Kẻ ăn hồn và Quỷ cẩu có doanh thu vượt trội. Có thể thấy, việc sử dụng các câu chuyện văn hóa thuần Việt làm nguồn cảm hứng đã giúp dòng phim này nối kết mạnh mẽ với khán giả. Những câu chuyện huyền bí từ làng quê đã khơi gợi các ký ức quen thuộc cũng như kích thích sự tò mò của nhiều thế hệ người xem. Không những thế, việc lồng ghép các yếu tố này cũng giúp khán giả có cơ hội khám phá và biết thêm về nhiều phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa của nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S. Và cũng chính từ đó, dòng phim kinh dị Việt bắt đầu thoát khỏi “cái bóng” của phim nước ngoài, nỗ lực để có dấu ấn và bản sắc riêng biệt.

Tạo đà để bứt phá

Nối tiếp thành công ấy, việc các nhà làm phim “thừa thắng xông lên”, tiếp tục sản xuất phim kinh dị lấy cảm hứng từ truyền thuyết linh dị, văn hóa dân gian đã không nằm ngoài dự đoán. Đây cũng chính là nhu cầu của công chúng, bởi lẽ, trước thời đại bùng nổ nội dung giải trí như hiện nay, khán giả vẫn có xu thế ưu ái hơn cho những bộ phim thuần Việt. Những dự án thành công vừa qua, dù kịch bản vẫn còn những thiếu sót, kỹ xảo vẫn chưa hoàn hảo… thế nhưng vẫn “hút” khách vì mang đậm chất Việt.

Mới đây nhất, đạo diễn Lưu Thành Luân đã tiếp tục bắt tay cùng giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa với dự án Linh miêu. Theo đạo diễn Lưu Thành Luân, kịch bản phim chỉ mượn hình tượng linh miêu cùng quan niệm liên quan đến quỷ nhập tràng, còn câu chuyện sẽ phát triển theo hướng bi kịch của một gia đình sống tại Huế vào những năm 1960, lồng ghép với nghề thủ công khảm sành xứ Huế, một nét văn hóa đặc sắc của thời nhà Nguyễn. Với những nét đẹp truyền thống ẩn hiện trong không khí cổ kính và huyền bí, Linh miêu được dự đoán sẽ tạo ra nhiều nút thắt thú vị. “Tôi tin rằng chất liệu dân gian với nguồn cảm hứng đến từ văn hóa truyền thống, cụ thể là văn hóa Huế những năm 1960, sẽ là những nét chấm phá thú vị trong dự án này”, đạo diễn Lưu Thành Luân chia sẻ.

Ngoài Linh miêu, dự án Con Cám của đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng là một bộ phim được khán giả chờ đợi trong năm nay. Theo đó, câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam là Tấm Cám sẽ được kể lại với góc nhìn mới mẻ, khác biệt. Được bấm máy vào ngày 11.3 vừa qua, đạo diễn Trần Hữu Tấn kỳ vọng sẽ hoàn thành kịp dự án để ra rạp trong năm 2024. Nam đạo diễn vẫn theo đuổi dòng phim kinh dị và thực hiện các tác phẩm theo hướng dựa trên chất liệu dân gian, văn hóa dân tộc để tạo nét đặc trưng, gần gũi với khán giả, có thể kể đến một số phim của anh gây được sự chú ý thời gian qua như: Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn, Chuyện ma gần nhà…

Rõ ràng, nếu các nhà làm phim biết khai thác chất liệu dân gian thì dòng phim kinh dị sẽ là địa hạt màu mỡ để phát triển ở thị trường rạp chiếu Việt. Hơn thế, với màu sắc văn hóa bản địa riêng nhưng được làm mới phù hợp với xu hướng và khẩu vị của khán giả quốc tế, phim kinh dị Việt chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá phim, mà chính những tác phẩm được đánh giá cao ở thị trường quốc tế có thể sẽ trở thành “đại sứ văn hóa”, giúp bạn bè năm châu hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc