"Chấm điểm" địa phương có sức thu hút các đoàn làm phim:
Lợi ích kép về kinh tế và quảng bá hình ảnh
VHO - Trong khuôn khổ Diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường sản xuất phim tại Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) vừa công bố danh sách 10 tỉnh có Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim cao nhất tại Việt Nam (PAI) trong một năm qua, dẫn đầu là Phú Yên.
Cái nhìn xa về lợi thế tạo sức hút từ điện ảnh đã khiến địa danh nổi tiếng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngày xưa có một chuyện tình… không ngần ngại ban hành loạt chính sách “trải thảm” cho các đoàn phim. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của Bộ chỉ số PAI.
“Trải thảm đỏ” với các đoàn phim
Dẫu chưa thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) nhưng Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) được đánh dấu là phim đầu tiên được triển khai sau khi Bộ chỉ số PAI ra đời.
Ra mắt vào tháng 11 năm 2023, PAI được thiết kế nhằm đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền trên dải đất hình chữ S đối với hoạt động sản xuất phim. Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA, thông qua PAI, VFDA mong muốn khai thác tiềm năng của ngành điện ảnh Việt Nam, giới thiệu với thế giới vẻ đẹp và những câu chuyện sâu sắc nằm ẩn mình trong mỗi góc đất nước.
“PAI không chỉ là một chỉ số, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng cho bộ môn nghệ thuật thứ 7. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Thông qua việc đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền sẽ gửi lời mời các đoàn sản xuất phim lựa chọn Việt Nam làm bối cảnh quay…”, TS Ngô Phương Lan cho biết.
Sau một năm, top 10 địa phương có chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim cao nhất tại Việt Nam đã được công bố, trong đó Phú Yên vinh dự đứng ở vị trí dẫn đầu. TS Ngô Phương Lan nhận định: “Phú Yên đứng đầu bảng xếp hạng nhờ những chính sách vượt trội, hỗ trợ điều kiện và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim. Nổi tiếng với tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Phú Yên cũng là bối cảnh chính của bộ phim mới ra mắt Ngày xưa có một chuyện tình. Đoàn phim đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất”…
Người trong cuộc, nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (HK Film) chia sẻ: “Với Ngày xưa có một chuyện tình, việc đoàn phim nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình là minh chứng rõ nét về ảnh hưởng của Bộ chỉ số PAI. Sau nhiều tác phẩm điện ảnh mà HK Film đã thực hiện tại các địa phương với bối cảnh đẹp như Mỹ nhân kế quay tại Cam Ranh, Tháng năm rực rỡ tại Đà Lạt, Đất rừng Phương Nam tại An Giang… đến Ngày xưa có một chuyện tình, HK Film đã quyết định chọn Phú Yên làm bối cảnh. Điều kiện lý tưởng mà địa phương tạo ra cho đoàn phim đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình thực hiện tác phẩm.
Cũng theo nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, thành công của một bộ phim có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của bối cảnh. Mỗi địa phương đều sở hữu những câu chuyện riêng, sẵn sàng đón chào các đoàn phim trong nước và quốc tế. “Sau khi công chiếu Ngày xưa có một chuyện tình, tôi đã nhiệt tình giới thiệu Phú Yên với các đoàn phim khác. Kính vạn hoa cũng đã chọn đây làm bối cảnh quay…”, ông Trinh Hoan chia sẻ.
Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bày tỏ: Khi đoàn phim Ngày xưa có một chuyện tình quay tại Phú Yên, lãnh đạo tỉnh đã tạo những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho đoàn. Quá trình thực hiện tác phẩm đã mang đến nhiều cảm xúc, vì vậy, khi tác phẩm được công chiếu, người dân địa phương đã hào hứng đến xem kín rạp. Trong thời gian tới, Phú Yên cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện năng lực để thực hiện Bộ chỉ số PAI đầy đủ và phù hợp với yêu cầu của các nhà làm phim.
Lợi ích kép
PAI không chỉ đơn thuần là danh sách các điểm đến, mà còn là công cụ toàn diện với cách tiếp cận có cấu trúc, nhằm đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch. Dựa trên năm thành phần chính: Tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng, chỉ số này cung cấp khung phân tích rõ ràng, từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, đến tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng.
Giống như một ngôi sao dẫn đường, PAI giúp các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim và du lịch. Trong năm đầu tiên triển khai, số lượng địa phương áp dụng chỉ số này đã tăng lên 37 với nhiều kết quả ấn tượng. Trong top 10, ngoài Phú Yên, còn có những địa phương hấp dẫn khác như: TP.HCM, Đà Nẵng, Ninh Bình…
TS Ngô Phương Lan cho rằng, cánh cửa thu hút các đoàn làm phim thông qua Bộ chỉ số PAI đang ngày càng rộng mở. Tính khả thi, cụ thể và thiết thực đã giúp các địa phương ngày càng hoàn thiện hơn về cơ chế và chính sách, từ đó thu hút các nhà làm phim trong nước và quốc tế.
Cũng là địa phương sớm nhận thấy ưu thế từ sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông Đoàn Minh Huấn cho biết: Ninh Bình sở hữu kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo, là bối cảnh đặc sắc cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, việc quảng bá di sản và văn hóa của Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số điểm khuyết. Để khai thác hiệu quả hơn nữa trong tương lai, Ninh Bình sẽ triển khai những định hướng cụ thể và các chính sách hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng hệ sinh thái điện ảnh với các chỉ tiêu cụ thể, dựa trên tiềm năng dồi dào của tỉnh.
“Những năm qua, Ninh Bình đã được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim bom tấn, như: Người Mỹ trầm lặng, Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, 578 - Phát đạn của kẻ điên… Ninh Bình cam kết thực hiện các chỉ số thu hút đoàn làm phim, đồng thời bảo đảm hỗ trợ tối đa nhằm tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng, góp phần thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh.
Diễn đàn đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia quốc tế. Theo ông Jared Doughety, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách chính sách công và đối ngoại của Hãng phim Sony Pictures: “Bộ chỉ số PAI rất lý tưởng trong việc giúp các nhà làm phim từ nhiều quốc gia biết đến sự sẵn sàng chào đón của các địa phương ở Việt Nam. Đặc biệt, câu chuyện về tỉnh Phú Yên và Ninh Bình khiến tôi cảm thấy rất thú vị. Bối cảnh tại Ninh Bình, mà tôi hôm nay được tận mắt chiêm ngưỡng, khiến tôi mong muốn phát triển dự án làm phim ở đây…”, ông Jared Doughety bày tỏ, đồng thời cho rằng, các địa phương cần cân nhắc cả lợi ích trực tiếp và gián tiếp, như nhà hàng, khách sạn, du lịch... để thu hút và hỗ trợ nhà làm phim quốc tế. Việt Nam nên tiếp cận theo hướng hỗ trợ nhà sản xuất như một dạng đầu tư.
Ông Frank Priot, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bridging the Dragon chia sẻ kinh nghiệm từ việc Chính phủ Pháp triển khai các chính sách hỗ trợ nhà làm phim nước ngoài: “Chúng tôi đã chứng minh rằng nếu quyết định tặng một đồng cho các đoàn phim, thì quá trình thực hiện bộ phim, số tiền họ chi tiêu sẽ lên đến 5 lần, theo bài toán kinh tế, điều đó là có lãi. Chưa kể, những bối cảnh, hình ảnh và văn hóa quốc gia sẽ được quảng bá rộng rãi qua các thước phim. Vì thế, Pháp có nhiều cơ chế hỗ trợ cho các đoàn phim nước ngoài. Chẳng hạn, nếu họ chi tiêu 100 đồng, chúng tôi sẽ hoàn trả lại họ 20-40 đồng. Điều này đã thu hút rất nhiều đoàn phim đến với nước Pháp”.