Latoa Indochine - Đánh thức hồn Việt từ từng tấm vóc sơn mài

ĐINH AN

VHO - Giữa thế giới ngày một phẳng, nơi nhịp sống công nghiệp cuốn trôi mọi khoảng lặng, có những người vẫn lặng lẽ đi ngược dòng, tìm về bản nguyên của cái đẹp truyền thống.

Latoa Indochine - Đánh thức hồn Việt từ từng tấm vóc sơn mài - ảnh 1
Lợn đàn âm dương. Tranh: LATOA INDOCHINE

Họ không lên tiếng bằng những tuyên ngôn lớn lao, mà bằng từng đường cọ, từng lớp sơn ta chồng lên nhau, từng vệt ánh kim được đánh bóng tỉ mỉ như đánh thức ký ức.

Ở đó, Latoa Indochine hiện lên như một điểm chạm thầm thì nhưng mạnh mẽ, nơi nghệ thuật sơn mài được làm sống lại với một tinh thần mới, một vóc dáng hiện đại mà vẫn nguyên vẹn linh hồn Việt.

Từ một câu hỏi chân thành…

Không bắt đầu bằng tham vọng, Latoa khởi sinh từ một trăn trở giản dị: “Sơn mài - từng là đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX hôm nay còn chỗ đứng chăng?”.

Câu hỏi tưởng như nhỏ nhoi ấy, lại đủ sức thắp lên một hành trình dài. Những người sáng lập Latoa không muốn nhìn di sản ấy phủ bụi trong viện bảo tàng hay nằm im trên những tường nhà cổ.

Họ mong muốn đưa sơn mài trở lại đời sống, bằng sự trung thành tuyệt đối với kỹ thuật truyền thống nhưng trong một tinh thần thị giác đương đại, tinh tế, sang trọng.

Ở Latoa, không có thứ gọi là “sản xuất tranh”. Mỗi tác phẩm là một quá trình nuôi dưỡng. Sơn ta - thứ nhựa quý tiết ra từ cây sơn sau nhiều năm chăm sóc được chắt lọc, phết từng lớp, chờ khô, rồi lại mài, lại phủ, rồi khắc, dát vàng, dát bạc, mài lộ…

Một bức tranh có thể cần tới hàng tháng, đôi khi cả năm, để hình thành. Không chỉ cần kỹ thuật, mà còn đòi hỏi sự nhẫn nại và lòng tôn kính với thời gian.

Bởi vậy, mỗi tác phẩm Latoa không chỉ là một hình ảnh thị giác mà là lớp trầm tích của ký ức, ánh sáng và tâm hồn.

Latoa Indochine - Đánh thức hồn Việt từ từng tấm vóc sơn mài - ảnh 2
Chăn trâu thả diều

Truyền thống là một mạch ngầm vĩnh cửu

Ngôn ngữ hội hoạ của Latoa là sự giao thoa giữa tinh thần dân gian và mỹ cảm hiện đại. Dưới bàn tay nghệ nhân, những hình tượng quen thuộc của tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng được “dịch” sang chất liệu sơn mài: Từ đám cưới chuột rộn ràng, đàn lợn âm dương mũm mĩm đến thần kê, ngũ hổ uy nghiêm…

Tất cả được tạo hình bằng bố cục chắc khỏe, trên nền sơn son, dát kim loại quý, khiến người xem vừa thấy gần gũi, vừa bừng lên cảm giác mới lạ, như bắt gặp một điều xưa cũ trong dáng hình hôm nay.

Song không dừng ở đó, Latoa còn đưa sơn mài đi vào những không gian rất đời thường: Một góc phố cổ Hà Nội tĩnh mịch trong sương sớm, mái ngói rêu phong dưới tán cây bàng đỏ, chiếc xe đạp cũ nghiêng mình nơi hiên nhà…

Vô vàn thứ, tất cả được nâng niu bằng lớp sơn ta, lớp vàng mỏng như sương mai. Những chi tiết tưởng chừng vụn vặt của đời sống nay trở thành biểu tượng văn hóa trong tranh, đánh thức thị giác, ký ức và niềm tự hào về bản sắc.

Latoa Indochine - Đánh thức hồn Việt từ từng tấm vóc sơn mài - ảnh 3
Cá chép trông trăng

Từ hội hoạ đến không gian sống và từ Việt Nam đến thế giới

Cái đẹp khi chân thành thì tự khắc lan tỏa. Những tác phẩm của Latoa Indochine đã hiện diện trong nhiều triển lãm uy tín trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tại Nhật Bản - nơi có truyền thống mỹ học sâu sắc, tranh của Latoa đã được đón nhận không chỉ vì kỹ thuật điêu luyện, mà bởi chiều sâu văn hoá lan tỏa từ từng lớp sơn, từng đường nét.

Không chỉ dừng ở phòng tranh, Latoa chủ động mở rộng biên độ biểu đạt: Từ hộp trà, khay đựng, bình hoa, lọ gốm…, tất cả đều được sơn mài thủ công như một cách đưa nghệ thuật vào đời sống.

Những vật phẩm ấy, tuy nhỏ, lại chứa đựng tinh thần tỉ mỉ và cái đẹp đích thực, thứ vẻ đẹp không phô trương mà đủ sức làm giàu cho cảm xúc và tâm hồn người sử dụng.

“Họa sắc miền Cố đô” - Triển lãm dành cho ký ức và tương lai

Từ cuối tháng 5.2025, Latoa sẽ mang hành trình nghệ thuật của mình về với vùng đất linh thiêng Hoa Lư - nơi từng là kinh đô đầu tiên của nước Việt.

Trong khuôn khổ Ngày hội Thế giới Tuổi thơ lần thứ XXVI, triển lãm “Họa sắc miền Cố đô” sẽ diễn ra tại sân khấu Thủy Đình - Phố cổ Hoa Lư.

Lần này, những tác phẩm của Latoa không chỉ kể về phố cổ hay hình tượng dân gian, mà còn hoá thân thành những khúc trầm ngân về Tràng An, Hang Múa, vòm cổng đá Hoa Lư phủ rêu…

Những hình tượng này sẽ hiện lên qua lớp sơn ta, sắc son trầm mặc, thếp vàng rực rỡ mà không phô trương.

Với ngôn ngữ tạo hình đương đại, trừu tượng hoá vừa đủ, loạt tranh trong triển lãm như một bản hoà tấu giữa quá khứ và hiện tại.

Trong không gian mang linh khí đất Cố đô, nơi tiếng trống hội vang, tiếng trẻ thơ rộn ràng, những tấm vóc sơn mài Latoa sẽ ngân lên một giai điệu vừa hoài niệm, vừa đầy sức sống.

Tranh không chỉ dành cho người lớn chiêm nghiệm, mà còn mở ra cho trẻ thơ một cánh cửa bước vào thế giới di sản bằng sự rung động đầu tiên.

Latoa Indochine - Đánh thức hồn Việt từ từng tấm vóc sơn mài - ảnh 4
Tam Cốc - Ninh Bình

Nghệ thuật không phải là điều xa xỉ

Latoa Indochine đang chứng minh rằng nghệ thuật không nhất thiết phải được trưng bày sau lồng kính.

Nó có thể hiện diện trong một món quà nhỏ, một góc nhà, hay một khoảnh khắc ngắm nhìn. Và sơn mài - thứ tưởng đã xa vắng nay đang trở lại, không chỉ là di sản, mà còn là tương lai của một nền mỹ học Việt Nam đậm đà bản sắc, có khả năng đối thoại với thế giới.

Nếu một ngày bạn bắt gặp một bức tranh ánh lên sắc son như gạch non, hay ánh vàng hắt ra từ một cánh chuồn kim, hãy dừng lại. Biết đâu đó chính là một tác phẩm Latoa.

Và nếu đủ tĩnh lặng để lắng nghe, bạn sẽ nghe thấy một âm thanh rất khẽ, tiếng thì thầm của hồn Việt, qua từng lớp vóc, từng ánh sáng, từng chi tiết nhỏ bé mà trường tồn.

Trong khuôn khổ Ngày hội Thế giới Tuổi thơ lần thứ XXVI, diễn ra từ 29.5 đến 2.6, tại sân khấu Thủy Đình - Khu Phố cổ (1 Trần Hưng Đạo, TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), Latoa Indochine sẽ mang đến một triển lãm đặc biệt mang tên “Họa sắc miền Cố đô”.