Lấp đầy “khoảng trống” âm nhạc dân tộc

NGỌC HÀ

VHO - Trước thực trạng thiếu trầm trọng nhạc công nhạc cụ dân tộc, Trung tâm Văn hóa điện ảnh (VHĐA) TP Đà Nẵng đã tổ chức khóa học Truyền dạy nhạc cụ dân tộc đệm hát Bài chòi, với mong muốn bổ sung lực lượng cho nghệ thuật truyền thống, đồng thời đưa loại hình này lan tỏa sâu rộng trong lớp trẻ…

 Lấp đầy “khoảng trống” âm nhạc dân tộc - ảnh 1
Nghệ nhân Nguyễn Tình hướng dẫn học viên làm quen với nhạc cụ dân tộc

 Tìm “nguồn cung” cho nhạc công Bài chòi

Giám đốc Trung tâm VHĐA TP Đà Nẵng Ngô Văn Bảy cho biết, khóa học nhằm tìm kiếm “nguồn cung” cho các CLB Bài chòi, dựa trên thực tế địa phương lâu nay thiếu nhạc công nhạc cụ dân tộc. “Chúng tôi ấp ủ dự định lâu, nhưng bây giờ mới có điều kiện thực hiện. Khi đi tìm nhạc công mới thấy, chỉ những người chơi nhạc cụ dân tộc mới biết cách đệm cho Bài chòi, vì loại hình này chơi rất khác và khó so với nhạc hiện đại.

Tại khóa học, chúng tôi tập trung đào tạo nhạc công Bài chòi với mong muốn bổ sung hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở. Vừa bảo tồn nghệ thuật truyền thống, vừa hỗ trợ thầy cô giáo dạy âm nhạc trong trường học và các bạn trẻ có đam mê nhạc cụ truyền thống…, để qua đó, họ có cơ hội tiếp cận, hiểu rõ về cách diễn tấu các nhạc cụ khi đệm hát Bài chòi một cách cơ bản”, ông Ngô Văn Bảy chia sẻ.

Đối tượng được tập huấn là cán bộ tại các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm VHTT các quận huyện, phường, xã, những người đam mê và biết sử dụng cơ bản nhạc cụ dân tộc.

Khóa học được chia làm 3 lớp: Lớp đàn bầu và đàn nhị do nghệ nhân Nguyễn Tình, nhạc công Đoàn Ca kịch Quảng Nam giảng dạy; Lớp guitar phím lõm do nghệ nhân Nguyễn Văn Hộ giảng dạy. Năm nay, khóa học diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12.2024; những khóa tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm 2025.

Tham gia lớp guitar phím lõm, thầy Nguyễn Đức Kha, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, từ ngày còn trẻ thầy đã thích chơi nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là đàn. “Khóa học phù hợp với điều kiện, thời gian của đội ngũ giáo viên chúng tôi, khi nghe nghệ nhân hướng dẫn, tôi đã vỡ ra nhiều điều. Tôi mong muốn sẽ hiểu biết thêm kiến thức và sử dụng đàn thành thạo để hỗ trợ công tác trong trường học cũng như thỏa mãn niềm đam mê của mình. Âm nhạc dân tộc, đặc biệt là Bài chòi cần được tăng cường truyền bá sâu rộng để bảo tồn, lưu giữ hiệu quả qua những lớp học như thế này”.

Lớp học lần đầu tổ chức, tập trung nhiều đối tượng với nhiều trình độ khác nhau, do vậy các nghệ nhân phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình truyền dạy. Mục đích làm sao để đến cuối khóa học, học viên đệm được những làn điệu dân ca Bài chòi cơ bản như Lý Thiên thai, Hò Ba lý...

Những ai đã có kiến thức âm nhạc thì giảng viên sẽ vận dụng theo nhạc lý, người chưa biết thì vận dụng đơn giản hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Tình là nhạc công dày dặn kinh nghiệm của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, đã có trên 30 năm gắn bó với loại hình ca kịch Bài chòi. Ông phân tích: “Khóa học này giống như đang gieo những hạt giống đầu tiên, bài giảng phải lựa theo khả năng của từng học viên chứ không cào bằng, cố định. Cũng giống như bước chân của con người, phải học cách đi chậm rồi mới đi nhanh, cuối cùng là chạy. Chúng tôi sẽ tùy theo trình độ của mỗi người mà hướng dẫn sử dụng nhạc cụ, vì thời gian học không nhiều nên học viên phải có bài tập về nhà để rèn luyện thêm”.

Khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ

Dưới con mắt của những nghệ nhân lão làng, lớp trẻ hiện nay đã xa rời âm nhạc truyền thống, do bị thu hút bởi nhạc phương Tây, nhạc đương đại. Đó là lý do lâu nay nhạc công dân tộc bị thiếu trầm trọng.

Nói về “cái khó” của giới trẻ, nghệ nhân Nguyễn Tình so sánh: Nếu học nhạc điện tử thì học rất nhanh, vì nhạc điện tử đã được “sinh” ra sẵn, người chơi chỉ cần “nuôi” thôi. Còn nhạc cụ dân tộc thì người chơi phải vừa sinh vừa nuôi, người chưa biết đàn thì phải tập khá lâu. Lớp trẻ học nhạc dân tộc càng phải kiên trì và đam mê nhiều hơn, vì các bạn luôn bị tác động bởi nhiều yếu tố, như hoàn cảnh, sở thích, trào lưu, sự tác động từ bên ngoài… khiến các bạn dễ nản lòng.

Vượt qua “rào cản” để theo đuổi âm nhạc dân tộc, bạn Nguyễn Kim Hoàng Đạt, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết, trong 4 năm qua, bạn và đội nhóm thường đến các CLB Bài chòi để học hỏi và tổ chức đi hát cùng nhau. Nhóm thường biểu diễn ở khu vực Cầu Rồng, nơi có đông khách du lịch. Đạt cho rằng đó là sự quảng bá mạnh mẽ giá trị âm nhạc dân tộc, không chỉ đối với du khách nước ngoài mà còn lan tỏa đến người dân Việt Nam.

“Khi nhóm của em hát Bài chòi, em nhận thấy khách nước ngoài rất thích và họ đến làm quen, tìm hiểu tại sao chúng em lại chơi loại hình âm nhạc này. Ba mẹ em cũng từng can ngăn, khuyên em đi học đàn hiện đại cho có tương lai, nhưng em thấy mình có cơ duyên với âm nhạc dân tộc. Biết Trung tâm VHĐA tổ chức khóa học, em đã đăng ký luôn và được nhà trường tạo điều kiện cho đi học. Mục tiêu của em sau khóa học là biết đệm hát, xử lý thành thạo những làn điệu dân ca mà em yêu thích”, Nguyễn Kim Hoàng Đạt bộc bạch.

Còn với Lê Thị Phương Thảo, giáo viên âm nhạc Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Liên Chiểu, tham gia khóa học vừa là công việc cần thiết, vừa là đam mê. Phương Thảo chọn học lớp guitar phím lõm và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Mục tiêu của Thảo là sử dụng được nhạc cụ hỗ trợ cho dân ca Bài chòi, học hỏi thêm loại hình âm nhạc mới để phục vụ công tác giảng dạy cũng như đam mê trong cuộc sống.

Trên thực tế, các nghệ sĩ, nhạc công đệm cho Bài chòi ngày càng lớn tuổi và dần bị mai một trong đời sống hiện đại. Người yêu thích nghệ thuật truyền thống cũng ngày một ít đi.

Việc tiếp truyền giá trị âm nhạc dân tộc trở nên cấp bách, đòi hỏi sự chung tay từ ngành Văn hóa các địa phương, sự tâm huyết và nỗ lực của các nghệ nhân - những người “gieo hạt”. Lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc TP Đà Nẵng lần này được kỳ vọng sẽ từng bước tạo nên lớp nhạc công trẻ tài năng cũng như khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai.