Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam:
Khoảng trời nghệ thuật luôn hấp dẫn công chúng
VHO - Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND (22.12.1944 - 22.12.2024) hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, 80 năm đồng hành sáng tạo”.
Những tham luận đã góp phần làm sáng rõ hơn những dấu ấn sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân trong 80 năm qua, đồng thời khơi dậy sự quan tâm, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ trong tinh thần sáng tạo về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian
PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định: Trong hàng ngàn tác phẩm VHNT có giá trị trong suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn, đó chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật... viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về bộ đội Cụ Hồ.
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, trong cuốn biên niên sử bằng âm thanh ngót gần thế kỷ, đề tài người lính vô cùng phong phú về số lượng, thể loại và hình thức âm nhạc. Tượng đài chiến sĩ cách mạng được ghi dấu ấn từ: Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Đoàn vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu, Lên đàng của Lưu Hữu Phước... Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử trọng đại đã mở ra một thời đại mới cho thi ca Việt Nam, tập hợp đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ cả nước hăng hái lên đường đồng hành cùng dân tộc. Những bài thơ, trường ca đầy sinh khí được sáng tác từ những vùng chiến sự ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như: Tình sông núi và Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đèo cả của Hữu Loan, Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Trường ca Sông Lô của Văn Cao, Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí, Non nước ngàn dặm của Tố Hữu, Những bài thơ đánh giặc của Chế Lan Viên, Ngọn đèn đứng gác của Chính Hữu…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có những văn nghệ sĩ cùng bộ đội xuất trận và hy sinh vì cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc như Trần Đăng, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân,… Văn nghệ sĩ như những chiến sĩ thực thụ trên tiền tuyến, luôn bám sát tình hình và kịp thời phản ảnh, tường thuật các chiến công trên khắp các mặt trận. Nhờ đó đã có rất nhiều tác phẩm VHNT trên các lĩnh vực như: Văn học, phim truyện, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật… Từ hội thảo này có thể thấy một góc nhìn toàn diện sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang trên mọi lĩnh vực VHNT nước nhà với những dấu ấn lịch sử quan trọng.
Nâng cao trách nhiệm văn nghệ sĩ trong sáng tạo
Trên cơ sở đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thực tiễn sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, lý luận phê bình về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, với thế trận quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, từ năm 1944, qua các giai đoạn cách mạng và sự phát triển của VHNT hiện nay, các tham luận đã tiếp tục khẳng định những thành tựu đã đạt được; nhận rõ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trau dồi tích lũy vốn sống, đi sâu vào đề tài này để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng về nghệ thuật cao hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về định hướng sáng tác và tổ chức sáng tác cũng như quảng bá, xây dựng tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang, đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục chính trị) cho rằng, cần xác định và quan tâm các vấn đề: Chế độ, chính sách cụ thể để đào tạo đội ngũ sáng tác không chỉ ở trong nước mà còn phải được mở rộng đào tạo ở nước ngoài; Bản thân ngành quân đội cũng có sự bồi dưỡng những chiến sĩ có năng lực sáng tác tham gia cầm bút để có những tác phẩm sát với thực tiễn; Cần có sự nhận diện hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay để có cảm xúc chân thực hơn… Có rất nhiều những giải pháp và ý kiến đề xuất được nêu ra tại hội thảo để nêu cao hào khí chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân như: Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động VHNT; Tăng cường phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động văn học nghệ thuật; Triển khai có hiệu quả cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và công cuộc bảo vệ Tổ quốc; Tiếp tục phát huy giá trị của các tác phẩm VHNT được sáng tác trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; Phát huy tối đa công năng của các thiết chế văn hóa trong việc thụ hưởng và sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật; Cần có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được nhà nước đầu tư để không bị lãng phí…
Dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm VHNT ra mắt công chúng trong những năm qua, chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng văn học, nghệ thuật cho thấy đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng. Dòng VHNT về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà. Dòng văn nghệ đó luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu lý luận phê bình và đông đảo công chúng trên cả nước. Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ hôm nay phải cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống VHNT nước nhà. Đồng thời, cần phát huy hiệu quả của VHNT trong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, người chiến sĩ công an nhân dân. Bằng hoạt động VHNT, cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tháo gỡ những điểm nghẽn, vượt qua trở ngại, đồng lòng và tâm huyết, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, trình độ tổ chức và quản lý sự nghiệp VHNT với những giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài (tầm nhìn đến năm 2030-2045) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng và xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ trên tinh thần phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, tiếp tục nêu cao hào khí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ cội nguồn văn hiến, truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn của dân tộc Việt Nam qua trường kỳ lịch sử.
Đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm VHNT ra mắt công chúng trong những năm qua, chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng VHNT cho thấy đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.
Dòng VHNT về đề tài lực lượng vũ trang nhân và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà...