Khánh thành tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”: Ngợi ca vẻ đẹp cao quý người chiến sĩ Công an nhân dân
VHO- Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam (20.7.1962 – 20.7.2022), sáng 17.7 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ. Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Công trình do Bộ Công an phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND thành phố Hà Nội xây dựng. Tại Hà Nội, tượng đài được đặt trên phố Trần Nhân Tông (sát công viên Thống Nhất) vừa đảm bảo trang trọng, trang nghiêm, vừa gần gũi với người dân thành phố. Đây cũng là địa điểm có không gian phù hợp, thuận lợi trong tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá của cán bộ, chiến sĩ Công an. Đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước, cũng như khách quốc tế khi đến với Thủ đô. Tuyến phố còn nằm trong lộ trình mở rộng không gian công cộng của Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng thêm tuyến phố đi bộ khu vực Hồ Thiền Quang – công viên Thống Nhất. Tượng đài được xây dựng trong khu phố đi bộ kết hợp với các hoạt động văn hoá – nghệ thuật được tổ chức sẽ tạo nên không gian văn hoá nhiều màu sắc.
Lễ khánh thành diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 17.7
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: “Tượng đài được xây dựng với mục đích tôn vinh sự hy sinh vất vả, cống hiến của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì bình yên cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng tượng đài không chỉ tôn vinh và tri ân công lao vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân mà còn là công trình văn hoá mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, giáo dục truyền thống; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước; tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa lực lượng Công an và Nhân dân. Việc thể hiện hình tượng của hai lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm nâng cao ý thức cho người dân Thủ đô luôn chấp hành tốt an toàn giao thông và phòng ngừa cảnh giác; nêu cao tinh thần phòng cháy, chữa cháy”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài
Trong các lực lượng Công an nhân dân, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng Cảnh sát giao thông là hai trong số các lực lượng gần dân nhất, ngày đêm tiếp túc trực tiếp, giúp đỡ dân. Công trình tượng đài mang tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm; thể hiện hình tượng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài là biểu tượng cho sự dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến chống “giặc lửa”, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ quan, tổ chức, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô cũng như cả nước
Theo đại diện Bộ Công an, sau khi được duyệt mẫu chính thức, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) đã phối hợp với Hội đồng Nghệ thuật yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương thi công mẫu 1/1. Với chiều cao khoảng 7,2m, tượng đài gồm 7 nhân vật (bao gồm nhân vật trẻ em). Chất liệu ép đồng công nghệ mới. Sau khi hoàn thành, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị đã lấy ý kiến của Hội đồng Nghệ thuật, các đơn vị chức năng, nhất là Cục Cảnh sát Giao thông và Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để hoàn thiện. Ngày 16.7, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Không chỉ Hà Nội, tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ cũng được xây dựng tại TP.HCM. Tượng đài đặt tại công viên Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình), nơi có khuôn viên đẹp, phù hợp với cảnh quan kiến trúc và mang đậm ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội. Công trình xây dựng với nhóm nhân vật và bục tượng được tính toán kỹ, có độ cao vừa phải, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc khi người dân tản bộ trong công viên. Dự kiến với tượng đài tại TP.HCM, Bộ Công an sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ có 6 điều dạy Công an nhân dân (11.3.1948 – 11.3.2023).
Bài, ảnh: ĐÌNH TOÁN