Để văn học đạt hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam (Bài 1):

Kết nối Việt Nam với thế giới bằng văn học

HOÀI NAM

VHO - Kể từ năm 1954, khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (1945) và đã giành chiến thắng vang dội trước quân đội Pháp trong cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ (1945-1954), thì việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang các thứ tiếng, các ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện. Song trong những giai đoạn khác nhau lại kèm theo những đặc điểm cũng rất khác nhau…

Kết nối Việt Nam với thế giới bằng văn học - ảnh 1
Tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”của Bảo Ninh, bản dịch tiếng Anh. Ảnh: Bảo tàng Văn học

 Dịch giả nước ngoài quan tâm đến điều gì ở văn học Việt Nam?

Có thể nhận thấy khá rõ hai giai đoạn: Từ 1954 đến trước Đổi mới (1986) và từ Đổi mới đến nay. Ở giai đoạn thứ nhất, trong bối cảnh chiến tranh (cuộc kháng chiến chống Mỹ và đi đến thống nhất đất nước), bối cảnh rộng hơn là chiến tranh lạnh trên phạm vi toàn thế giới, thì việc dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài chủ yếu do các dịch giả thuộc những nước trong khối Xã hội chủ nghĩa thực hiện: Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgary, Hungary, Triều Tiên, Cuba v.v... Đối tượng dịch của họ chủ yếu là các tác giả, tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng văn học cách mạng, chiến tranh và yêu nước trong văn học Việt Nam hiện đại: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa...

Tính mục đích ý thức hệ và sự tương trợ quốc tế ở đây khá rõ ràng: Họ - các dịch giả văn học nước ngoài - hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, và do đó, qua các bản dịch văn học, họ mong muốn người đọc nước mình cũng như người đọc toàn thế giới hiểu biết thêm về nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng anh hùng và tràn đầy tinh thần cách mạng; một đất nước Việt Nam kiên cường trên tuyến đầu chống lại chủ nghĩa đế quốc để giành lấy độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh, một phần, đã được quảng bá như thế, qua những nỗ lực dịch thuật của các dịch giả văn học người nước ngoài.

Ở giai đoạn thứ hai, từ Đổi mới đến nay, bên cạnh việc tiếp tục dịch và giới thiệu các tác phẩm thuộc dòng văn học cách mạng, chiến tranh và yêu nước của văn học Việt Nam, các dịch giả nước ngoài đã có sự tập trung lớn vào nền văn học đương đại, tức là nền văn học của một đất nước Việt Nam hậu chiến, chuyển từ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập mạnh mẽ với thế giới bên ngoài.

Đối tượng dịch của họ đương nhiên là các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, những nhân tố cơ bản nhất làm hình thành diện mạo của văn học Việt Nam thời đổi mới và hậu đổi mới. Người ta có thể thấy trong danh sách tác phẩm văn học được chuyển ngữ từ tiếng Việt sang các thứ tiếng nước ngoài ở giai đoạn này là những tác phẩm cuối đời của Nguyễn Minh Châu; là các tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; là các truyện ngắn và thơ của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Y Ban, Nguyễn Quang Lập, Sương Nguyệt Minh... Và trẻ nhất trong số các tác giả được dịch này, tính cho đến nay, là những nhà văn sinh ra vào khoảng giữa thập niên 1970, như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp...

Các dịch giả văn học nước ngoài quan tâm đến điều gì ở những tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam đương đại? Không khó để có câu trả lời: Họ muốn biết về đất nước Việt Nam thời hậu chiến và đổi mới, về cuộc sống của con người Việt Nam khi chuyển dịch từ trạng thái chiến tranh sang trạng thái đời thường không tiếng súng; về những vui buồn, được mất, hạnh phúc và đau khổ của con người trong bối cảnh một xã hội đang vận hành theo các quy luật kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, trong khi những vấn đề di chứng chiến tranh và hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn chưa thực sự chấm dứt, và các vấn đề về toàn cầu hóa, yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa, sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại thì ngày càng được đặt ra và nổi lên một cách rất bức thiết…

Kết nối Việt Nam với thế giới bằng văn học - ảnh 2
Bìa tập thơ “Nhật ký trong tù” bản tiếng Nga, NXB Ngoại văn, Hà Nội, tái bản năm 1975. Nguồn Internet

Thực tế của việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bằng văn học

Cho đến lúc này, như đã trình bày ở trên, về việc “quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” thông qua hoạt động dịch các tác phẩm văn học Việt Nam từ tiếng Việt sang các thứ tiếng, các ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài, chủ yếu là do các dịch giả văn học người nước ngoài thực hiện.

Họ có thể làm công việc này một cách độc lập, hoặc làm dưới sự bảo trợ của các chính phủ, các trường đại học, các trung tâm văn hóa quốc tế (ví dụ Trung tâm William Joiner mà cựu chiến binh, giáo sư, nhà thơ người Mỹ Kevin Bowen từng làm Giám đốc, chuyên nghiên cứu hậu quả của chiến tranh thông qua văn học). Họ làm vì tình cảm yêu mến đất nước và con người Việt Nam, làm với sự nỗ lực bắc những nhịp cầu thông hiểu giữa nhân dân toàn thế giới với nhân dân Việt Nam.

Dẫu sao đi chăng nữa, đó chỉ là những nỗ lực từ một phía. Còn ở phía kia, phía Việt Nam, không khó để quan sát thấy rằng những nỗ lực như vậy là khá yếu. Chúng ta gần như thụ động trong việc dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học của Việt Nam với độc giả thế giới. Hãn hữu lắm mới có trường hợp tác giả văn học Việt Nam tự dịch tác phẩm của mình hoặc của các đồng nghiệp trong nước ra các thứ tiếng nước ngoài.(Nói thêm, nền văn học của chúng ta có không ít dịch giả, nhưng đa phần là “dịch xuôi”, những người có khả năng “dịch ngược” không nhiều).

Cũng tương tự như vậy, hãn hữu lắm mới có trường hợp tác giả văn học Việt Nam, bằng những quan hệ hoàn toàn mang tính chất cá nhân với giới hoạt động văn học ở nước ngoài, có thể “môi giới” để các dịch giả văn học nước ngoài dịch các tác phẩm của văn học trong nước. Nếu coi đây là “xuất khẩu văn chương”, thì gọi nó là xuất khẩu văn chương theo con đường “tiểu ngạch” hẳn cũng không xa sự thực là mấy!

Nói gọn lại, việc “quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam” thông qua văn học, nói chính xác - thông qua hoạt động dịch văn học - cần một con đường chính ngạch. Nghĩa là nó phải nằm trong, và trở thành một phần cơ bản trong chiến lược phát triển văn hóa của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phải xây dựng và phát triển được một tổ chức “dịch ngược” văn học Việt Nam tương đương như “Viện dịch thuật văn học thế giới” của Hàn Quốc, họ chuyên chú vào việc dịch các tác phẩm xuất sắc, đáng chú ý của văn học Hàn Quốc ra các thứ tiếng nước ngoài, nhất là các ngôn ngữ/ chữ viết vào loại “mạnh”. Nếu chúng ta xây dựng và phát triển được một cơ quan/ tổ chức “dịch ngược” như vậy - dịch giả có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài - thì việc dịch và giới thiệu các giá trị của văn học Việt Nam - từ trung đại đến hiện đại và đương đại - sẽ thực sự là hoạt động mang tính chủ động cao. Và càng chủ động bao nhiêu, càng đạt hiệu quả cao bấy nhiêu trong việc “quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” bằng văn học. 

 Chúng ta gần như thụ động trong việc dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học của Việt Nam với độc giả thế giới. Hãn hữu lắm mới có trường hợp tác giả văn học Việt Nam tự dịch tác phẩm của mình hoặc của các đồng nghiệp trong nước ra các thứ tiếng nước ngoài…

Cũng tương tự như vậy, hãn hữu lắm mới có trường hợp tác giả văn học Việt Nam, bằng những quan hệ hoàn toàn mang tính chất cá nhân với giới hoạt động văn học ở nước ngoài, có thể “môi giới” để các dịch giả văn học nước ngoài dịch các tác phẩm của văn học trong nước. Nếu coi đây là “xuất khẩu văn chương”, thì gọi nó là xuất khẩu văn chương theo con đường “tiểu ngạch” hẳn cũng không xa sự thực là mấy!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc