Để văn học đạt hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam (Bài 1):

Dịch văn học

HOÀI NAM

VHO - Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống trong tất cả sự toàn vẹn, đa dạng của nó - đây là chân lý ngàn đời bất biến, cho dẫu, ở những khoảng thời gian nào đó, trong những không gian văn hóa xã hội hoặc những trào lưu lý thuyết nào đó, người ta có thể giảm nhẹ hoặc làm mờ đi chức năng “phản ánh hiện thực cuộc sống” của văn học…

Dịch văn học - ảnh 1
Cuốn “Truyện Kiều” được dịch sang tiếng Ả Rập có bìa mềm, gồm 471 trang (khổ 17x12cm), với tiêu đề “Cô gái Kiều - Thơ sử thi Việt Nam”, do dịch giả, nhà văn Abdel-Moein El-Mallouhi chuyển ngữ và xuất bản năm 1987 tại Damascus (thủ đô Syria), bởi Nhà xuất bản Dar Tlass

 Dù để nhấn mạnh hoặc khẳng định tính chủ động, sự tự do thể hiện thế giới tinh thần của chủ thể sáng tạo văn chương, tức nhà văn - thì vẫn không sao bác bỏ được một thực tế là, bằng cách này hay cách khác, ở phương diện này hoặc phương diện kia, cuộc sống vẫn cứ đi vào các tác phẩm văn chương và nói với người đọc những điều gì đó về hiện thực mà chúng ta đã và đang góp phần hình thành nên nó, đã và đang trở thành một phần của nó. Hiện thực nào? Hiện thực của đất nước và hiện thực của tâm hồn con người. Ở đây, trong khuôn khổ vấn đề nghị sự, chúng ta nhấn mạnh vào hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Chức năng “nhịp cầu thông hiểu” của văn học

Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong các tác phẩm văn học Việt Nam tất nhiên là thân thuộc với người đọc Việt Nam. Thân thuộc, nhưng không gây nhàm chán, đặc biệt nếu tác phẩm văn học là sản phẩm nghệ thuật ngôn từ của những nhà văn giàu tri thức văn hóa, vốn sống, năng lực sáng tạo và tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống, yêu con người. Khi đó, cái hiện thực “thô” của đất nước và con người Việt Nam - trong chiến tranh, trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt thường nhật - sẽ được lọc qua nhận thức, tình cảm và ý hướng kiến tạo của các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, để xuất hiện trong tác phẩm với những đường nét mới, hình ảnh mới, thậm chí nhiều khi có thể gây bất ngờ thú vị bởi sự mới mẻ của chúng. Người đọc nhận ra những điều quen thuộc, và nhận ra cả những điều rất khác về đất nước, về cuộc sống xung quanh mình và rộng hơn, về thời mà mình đang sống, với ánh sáng và bóng tối, với hạnh phúc và đau khổ, với những cái tốt và với cả những cái xấu, những điều còn dở dang, chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong mục tiêu chiến lược là “quảng bá” - phải nhấn mạnh từ này - “hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”, thì đối tượng mà nền văn học của chúng ta cần hướng đến, một cách mạnh mẽ nhất, không phải độc giả quốc nội, mà là độc giả thuộc các nền văn học dân tộc khác, các ngôn ngữ/ chữ viết khác nằm ngoài biên giới quốc gia hình chữ S này.

Từ xưa đến nay, nhiều triết gia, nhà văn hóa và nhà văn nức tiếng Đông Tây đã khẳng định chức năng “nhịp cầu thông hiểu” của văn học, theo nghĩa: Với văn học và bằng văn học, những khoảng cách trong sự hiểu biết về nhau giữa các vùng địa lý, các quốc gia dân tộc khác nhau trên toàn thế giới sẽ ngày càng được thu hẹp lại, thậm chí có thể bị san lấp. Không nên đặt vấn đề ở đây về một “nền văn học thế giới” hay một “tiến trình văn học thế giới” như cách mà Goethe, nhà thơ vĩ đại người Đức đã hình dung, mà là thông qua các tác phẩm văn học - với chức năng “phản ánh hiện thực cuộc sống” như đã nêu trên - người đọc ở đất nước này cũng có thể có những hình dung và sự thấu hiểu nhất định về các giai đoạn lịch sử và cuộc sống trong hiện tại của con người ở những đất nước khác, có khi cách xa nhau hàng ngàn vạn dặm. Hiểu, thì dễ thông cảm, dễ hợp tác và dễ đẩy được sự hợp tác đến những kết quả như mong đợi.

Xét cho cùng thì đó chính là điều tối quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa, hướng đến hợp tác quốc tế để phát triển bền vững như hiện nay. Lẽ dĩ nhiên, người ta cũng có thể đặt vấn đề mang tính phản biện rằng: Để có sự hiểu biết về một đất nước khác và con người ở đó, thì văn học không phải con đường duy nhất. Người ta có thể đọc các công trình nghiên cứu và các báo cáo, theo dõi báo chí và các kênh truyền hình hoặc mạng xã hội... là đủ để biết những gì cần biết. Quả đúng là như vậy, nhưng với đặc thù của phản ánh văn học, như đã nói, sự thông hiểu không chỉ nằm ở thông tin bề mặt, mà nó còn nằm và nằm chủ yếu ở tình cảm, cảm xúc, nhịp đập của trái tim người sáng tạo trước những số phận con người và những biến chuyển lớn nhỏ của đất nước. Đó mới thực là điều quan trọng mà người đọc văn học ở những đất nước khác muốn biết và cần biết về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Dịch văn học - ảnh 2
Bản dịch “Truyện Kiều” hiện được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Iraq, Thư viện Đại học Yarmouk, Trung tâm Văn hóa và Di sản Juma Al Majid, Thư viện trung tâm Al-Babtain cho thơ ca Ả Rập ở Kuwait

Bước đầu của “dịch ngược” trong văn học Việt Nam

Để đạt được sự thông hiểu ấy, buộc phải nói đến hoạt động dịch văn học và sản phẩm của nó: Các tác phẩm văn học dịch. Không phải là dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, mà là “dịch ngược”, tức dịch các tác phẩm văn chương Việt Nam từ tiếng Việt sang các thứ tiếng, các ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài.

Xét ở phương diện lịch sử vấn đề, hoạt động “dịch ngược” này ở văn học Việt Nam là khá muộn so với nhiều nền văn học trên thế giới, và có lẽ nó được bắt đầu bằng việc dịch một danh tác của văn học Việt Nam trung đại: Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Điều đáng chú ý là, nói riêng trường hợp Truyện Kiều, đây là một quá trình liên tục, xuyên suốt kể từ trước năm 1945 cho đến tận bây giờ. Trước năm 1945 chúng ta đã có các bản dịch Kiều sang tiếng Pháp của các dịch giả như Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh...; sau năm 1945 chúng ta có bản Kiều được dịch sang tiếng Pháp (được đánh giá là tốt nhất) của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (xuất bản năm 1965, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du), rồi nhà nghiên cứu văn học, PGS. TS Trương Đăng Dung dịch Kiều sang tiếng Hungary vào những năm 1980, và vài năm gần đây là các bản dịch Kiều sang Anh ngữ của các dịch giả Nguyễn Bình và Dương Tường.

Đó là nói việc người Việt Nam dịch Truyện Kiều sang các ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài, một cách chủ động - câu chuyện này còn dài - còn về tổng quan của việc dịch Kiều, có thể căn cứ vào Hội thảo Nguyễn Du và những vấn đề lý luận văn học nghệ thuật trung đại Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Quốc học tổ chức ngày 24 tháng 10 năm 2015. Ở Hội thảo này, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng cho biết: Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng, từ những thứ tiếng phổ biến như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... đến những thứ tiếng mà chúng ta không bao giờ ngờ đến: Hy Lạp, Mông Cổ, Arab..., và số lượng bản dịch lên đến 48 bản. Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu văn học, PGS.TS Đoàn Lê Giang thì Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau. Ông còn cho biết thêm có cả thảy năm bản dịch Kiều tiếng Nhật đã được phát hành, sớm nhất là bản của dịch giả Komatsu Kiyoshi (năm 1942), mới nhất là bản của dịch giả Kuroda Yoshiko (năm 2005).

Lấy ra một ví dụ như vậy là để thấy vài khía cạnh trong sự quan tâm của các dịch giả nước ngoài đối với văn học Việt Nam. Họ quan tâm vì những giá trị nghệ thuật to lớn, những giá trị nhân văn tốt đẹp nằm ở bản thân tác phẩm Truyện Kiều. Họ yêu mến những giá trị ấy và mong muốn chúng được lan tỏa trong đời sống tinh thần của nhân dân nước mình thông qua việc chuyển ngữ từ tiếng Việt. Nhưng vẫn còn một lý do nữa: Ấy là nỗ lực tìm hiểu tại sao nhân dân Việt Nam lại yêu thích Truyện Kiều đến như vậy, bất chấp quãng cách thời gian giữa câu chuyện được kể lại với bối cảnh văn hóa xã hội hiện tại của người đọc/ tiếp nhận tác phẩm? Trả lời được câu hỏi này, có thể nói, các dịch giả nước ngoài và những người đọc nước ngoài đã giải mã được một bí mật trong thế giới tình cảm và đời sống tâm hồn của người Việt Nam. (Còn tiếp)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc