Truyện tranh Việt:

Hội nhập bằng bản sắc

TRUNG NGHĨA

VHO - Du nhập vào nước ta từ những năm 1990, truyện tranh đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của giới trẻ suốt mấy thập kỷ qua. Theo thời gian, các tác phẩm này đã khơi nguồn cảm hứng, thúc đẩy đội ngũ tác giả Việt Nam sáng tạo nhiều bộ truyện tranh độc đáo, hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân tộc.

 Hội nhập bằng bản sắc - ảnh 1
Truyện tranh Việt Nam dần phát triển và khẳng định bản sắc

 Hơn 3 thập kỷ phát triển, thu hút độc giả

Mới đây, tại Tọa đàm “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ”, bà Lê Phương Liên, người biên tập bộ Đôrêmon phiên bản đời đầu của NXB Kim Đồng chia sẻ: “Năm 1990, Giám đốc NXB Nguyễn Thắng Vu biết đến bộ truyện tranh Doraemon của Nhật Bản rất thành công tại các nước châu Á. Vượt qua những lo ngại ban đầu với thể loại mới với độc giả nhỏ tuổi Việt Nam, Ban biên tập NXB đã quyết định dịch và ấn hành tác phẩm này”.

Ngày 11.12.1992, tập 1 của bộ truyện có tên Chiếc khăn biến hóa được phát hành và ra tập mới đều đặn hằng tuần, ngay lập tức đã tạo tiếng vang trên khắp cả nước. Số lượng in lên đến hàng chục vạn bản mỗi tập, từ người lớn đến trẻ con đều mong ngóng đến ngày các điểm phát hành của NXB Kim Đồng bày bán tập tiếp theo.

Ấn bản Đôrêmon năm 1992 không có bản quyền, NXB Kim Đồng đã quyết định Việt hóa tên bộ truyện, nội dung cũng được biên tập cho phù hợp với nhận thức của xã hội nước ta đương thời. Sau đó, ấn bản Đôrêmon tái bản năm 1998, trên cơ sở ký kết bản quyền với tác giả Fujiko F. Fujio và NXB Shogakukan của Nhật Bản, trở thành bộ truyện tranh ngoại nhập đầu tiên có bản quyền ở Việt Nam. Lần in này sử dụng tranh bìa theo bản gốc tiếng Nhật, giữ tên nhân vật theo bản in năm 1992.

Sang đến phiên bản từ năm 2010, thời điểm này Doraemon đã xuất hiện ở Việt Nam 12 năm. Sau một thời gian đủ dài, nhận thức và yêu cầu của độc giả cũng thay đổi, đã đến lúc bộ truyện phải được tiệm cận với nguyên tác cùng hình thức đọc từ phải sang trái. Đây là hành động cần thiết để đồng nhất trải nghiệm của độc giả Việt với cộng đồng đọc Doraemon trên toàn thế giới.

Nhà nghiên cứu truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn (ChuKim) cho rằng: “Bộ truyện tranh Nhật Bản Doraemon chính là một đại diện tiêu biểu cho quá trình phát triển và hội nhập của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam nói riêng, toàn cảnh văn hóa đại chúng Việt Nam nói chung”.

Trong bối cảnh thị trường sách khá ảm đạm vào đầu thập niên 1990, sự thành công của Doraemon đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà xuất bản. Họ bắt đầu đầu tư vào việc tìm kiếm và cho ra mắt những bộ truyện tranh hay, đáp ứng thị hiếu của độc giả. Tuy nhiên, truyện tranh ở thời điểm này hầu hết đều trong tình trạng không có bản quyền.

Đến năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, từ giai đoạn này, trước những yêu cầu của độc giả và pháp lý, hoạt động biên tập và xuất bản truyện tranh ngoại nhập ở Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, đầy đủ và lớp lang về quy trình, xử lý mỹ thuật có thẩm mỹ, dịch thuật tôn trọng nội dung nguyên tác theo yêu cầu của đơn vị nắm bản quyền…

Khẳng định vị thế và bản sắc truyện tranh Việt

Đã hơn ba thập niên trôi qua kể từ khi những bộ truyện tranh ngoại nhập được chuyển ngữ, giới thiệu tới độc giả Việt Nam, góp phần hình thành một thị trường truyện tranh sôi động. Điều này không chỉ đáp ứng niềm đam mê đọc truyện tranh ở mọi lứa tuổi, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo của các tác giả Việt Nam. Từ đó, nhiều tác phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc lần lượt được ra mắt bạn đọc và gây được tiếng vang như: Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân), Thần đồng đất Việt (Lê Linh), Tý Quậy (Đào Hải), Cuộc phiêu lưu của Dế Út (Linh Rab), Long thần tướng (nhóm tác giả Phong Dương comic)…

Gần đây, truyện tranh Việt đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, khẳng định vị thế và bản sắc riêng của mình. Không chỉ dừng lại ở các thể loại truyền thống như thiếu nhi, lịch sử… ngày càng xuất hiện nhiều thể loại truyện tranh mới lạ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Đặc biệt, các tác phẩm truyện tranh nội địa ngày càng chú trọng đến việc xây dựng nội dung sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc sống, văn hóa và con người Việt Nam. Nhiều tác phẩm đã thành công trong việc khai thác các đề tài xã hội, lịch sử, văn hóa dân tộc, tạo nên sự đồng cảm và gắn kết với độc giả. Các họa sĩ của chúng ta cũng không ngừng sáng tạo và phát triển phong cách vẽ riêng biệt, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Điều này giúp cho truyện tranh Việt Nam có một diện mạo độc đáo và dễ nhận biết.

Có thể kể đến bộ truyện Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm! (đoạt giải Đồng Japan International Manga Award 2022), họa sĩ Hoàng Tường Vy đã đưa người đọc trở về một làng quê Việt Nam đậm chất cổ kính. Mỗi trang truyện như một bức tranh sinh động với mái đình, lũy tre; từng ngôn ngữ, cử chỉ của nhân vật được thể hiện vô cùng chi tiết. Họa sĩ cho biết đã tham khảo nhiều tư liệu, tranh ảnh, tham quan những kiến trúc cổ... từ đó kết hợp và dung hòa các yếu tố thực tế và hư cấu thành một thể thống nhất, nhằm xây dựng cốt truyện sát nhất với bối cảnh mang hơi thở dân gian, truyền thống Việt Nam.

Có thể nói, cộng đồng sáng tạo truyện tranh trong nước ngày càng năng động, ưa thích tìm về văn hóa dân gian để phát triển câu chuyện. Họa sĩ Lê Vũ Kiến Duy cho rằng: “Điểm tựa của sáng tạo nghệ thuật chính là văn hóa dân tộc. Việc đưa những yếu tố truyền thống vào các tác phẩm truyện tranh sẽ trở thành dấu ấn nhận diện của tác giả Việt”. Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng, việc làm này đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo để làm sao chất liệu dân gian lồng vào tác phẩm một cách hấp dẫn, tự nhiên, hòa nhập với cốt truyện hiện đại, có nhiều yếu tố kỳ ảo, hư cấu, mới lạ, từ đó mang đến những câu chuyện hay, hấp dẫn, chuyển tải thành công giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.