“Hành trình từ Đất đến Gốm“
VHO - Hành trình của gốm là câu chuyện về hành trình nghệ thuật từ đất đến tác phẩm – một hành trình vẫn đang tiếp diễn, từ truyền thống đến hiện tại, từ bàn tay nghệ nhân đến tâm hồn người nghệ sĩ.

Sáng 25.4, tại Công viên và Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc trại sáng tác gốm “Hành trình của Đất” với sự tham gia của 13 nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các nghệ nhân làng nghề gốm Thanh Hà, Hội An.

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), đồng thời cũng kỷ niệm 10 năm thành lập Công viên và Bảo tàng Đất nung Thanh Hà (gọi tắt công viên).

Với chủ đề “Hành trình của Đất”, các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc trực tiếp trải nghiệm và sáng tạo tại không gian giàu cảm hứng của công viên.

Từ những khối đất thô sơ, các nghệ sĩ sẽ tạo nên các tác phẩm gốm đương đại, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, cũng chính là câu chuyện hành trình nghệ thuật từ đất đến tác phẩm gốm.

Trong khuôn khổ sự kiện, các nghệ sĩ tham gia trại sáng tác cũng sẽ có những hoạt động giao lưu kết nối với cộng đồng như: Giao lưu, chia sẻ cùng người dân, các anh/chị thợ làng gốm Thanh Hà; đêm Gala nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp của gốm, những người đã gắn bó với Công viên Đất nung Thanh Hà.
Giao lưu với làng Củi Lũ, TP Hội An– Không gian sáng tạo, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật được tái sinh từ những thanh củi trôi theo dòng nước lũ, qua đó cùng góp phần mở rộng mạng lưới sáng tạo và bảo tồn giá trị truyền thống trong bối cảnh Hội An đã là thành viên, gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

Trại sáng tác gốm “Hành trình của Đất” diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Công viên Đất nung Thanh Hà cũng là một sự kiện đặc biệt, là cột mốc, lát cắt giàu cảm xúc đánh dấu hành trình 10 năm bền bỉ, sáng tạo của công viên để gìn giữ, kể chuyện về nghề gốm đất nung truyền thống Thanh Hà.

Đây cũng là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu một khởi đầu hành trình sáng tạo mới, một cuộc chuyển mình, không chỉ là sáng tạo với đất nung, gốm không men mà còn là những thử nghiệm mới mẻ với men và màu, vừa giữ truyền thống, vừa mạnh dạn thử nghiệm.

Trại sáng tác năm nay vì thế không chỉ là một hoạt động nghệ thuật, mà còn là một cuộc tìm kiếm những cảm xúc mới qua từng vệt đất, từng vết tay…Tìm những hình khối mới, những câu chuyện mới, trong sự giao thoa của đất, men và ký ức.

Ra đời vào năm 2015, tại làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi nổi danh, Công viên đất nung Thanh Hà là một “bảo tàng gốm” của tư nhân đầu tiên ở Hội An.
Được thiết kế, xây dựng và thành lập bởi KTS Nguyễn Văn Nguyên và cộng sự Nhavietcorp, những người con được sinh ra và lớn lên từ Thanh Hà, chịu ảnh hưởng bởi truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử của làng nghề, tổng thể công viên như dòng sông bao bọc ngôi làng, và ngôi làng bao bọc bảo tàng đất nung.

Hai tòa nhà lớn không chỉ lấy nguồn gốc từ văn hóa Chăm hay Sa Huỳnh, mà còn lấy cảm hứng từ hai loại lò nung của làng Thanh Hà là lò úp và lò ngửa – hai khái niệm Âm Dương của văn hóa phương Đông.

Tại Công viên có các khu bảo tàng, giới thiệu, trưng bày sản phẩm các làng nghề gốm truyền thống Việt Nam; làng gốm Thanh Hà;...


Làng gốm Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam.


Năm 2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng nghề vẫn cơ bản vẫn trung thành với dòng gốm không tráng men. Bên cạnh đó dòng gốm hiện đại với các sản phẩm gốm mỹ nghệ cũng đang phát triển, được nhiều khách hàng chọn lựa trang trí nội - ngoại thất.