Bài chòi và tình yêu nghệ thuật dân tộc:

Hành trình của người “giữ lửa”

PHAN HIẾU

VHO - Hơn hai thập kỷ đam mê và cống hiến cho việc gìn giữ và thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi, nghệ nhân Thanh Đa (tên thật là Nguyễn Đình Đa) đã trở thành bậc thầy trong việc trình diễn nghệ thuật dân ca và Bài chòi.

Hành trình của người “giữ lửa” - ảnh 1
Nghệ nhân Thanh Đa trong vai Phạm Công trích đoạn vở Bài chòi cổ “Phạm Công - Cúc Hoa”

 Ông đã mang đến những làn điệu trữ tình, sâu lắng qua tiếng hát ru ngọt ngào, mùi mẫn, làm say đắm lòng người và truyền tải trọn vẹn những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc.

 Với khả năng trình diễn các làn điệu hát ru (ru đưa, ru sốc, ru mùi), dân ca Liên khu V, dân ca Bình Định và các hoạt động nghệ thuật Bài chòi như anh hiệu, hô thai hội Bài chòi dân gian, nghệ nhân Thanh Đa đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể qua nhiều năm.

Hiện ông sinh sống tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian Bài chòi.

Hành trình nghệ thuật của nghệ nhân Thanh Đa không thể thiếu sự ươm mầm và truyền dạy của những người thầy đáng kính. Người thầy đầu tiên đưa ông đến với nghệ thuật dân ca, Bài chòi chính là vợ của ông, Nghệ nhân ưu tú Phạm Phương Nga.

Bên cạnh đó, ông còn nhận được sự truyền dạy từ Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Đức (nghệ danh Minh Đức).

Chia sẻ về hành trình nghệ thuật của mình, nghệ nhân Thanh Đa cho biết: “Tôi bén duyên với nghệ thuật hát ru và Bài chòi từ năm 2000, khi được NNND Minh Đức truyền dạy. Tuy nhiên, người quan trọng nhất vẫn là vợ tôi, người thầy đặc biệt của tôi trong suốt cuộc đời. Chúng tôi kết hôn và tôi bắt đầu học hát ru, hát Bài chòi cổ, rồi tập hát Bài chòi mới. Cùng vợ, tôi tham gia các chương trình biểu diễn hát ru, hát Bài chòi do thị xã An Nhơn tổ chức và biểu diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định”.

Nghệ nhân Thanh Đa không chỉ là người biểu diễn điêu luyện các làn điệu hát ru, Bài chòi, mà còn là người truyền dạy và gìn giữ di sản văn hóa dân gian cho thế hệ kế cận.

Ông không ngừng nỗ lực trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với lớp trẻ, trang bị cho họ những giá trị văn hóa quý báu mà cha ông để lại.

“Tôi đã tham mưu chính quyền phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Bài chòi, nơi tôi đảm nhận vai trò Chủ nhiệm và là thành viên của Câu lạc bộ Bài chòi dân gian thị xã An Nhơn. Đó là cách chúng tôi tiếp cận và truyền ngọn lửa nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ”, nghệ nhân Thanh Đa chia sẻ.

Từ năm 2003 đến nay, nghệ nhân Thanh Đa đã là thành viên chủ chốt trong các hoạt động nghệ thuật truyền thống do Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã An Nhơn tổ chức, góp phần không nhỏ vào các lễ hội và sự kiện trọng đại trên địa bàn.

Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật dân gian, nghệ nhân Thanh Đa đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, đồng thời giành được nhiều giải thưởng danh giá.

Năm 2008, cùng với vợ mình - NNƯT Phạm Phương Nga, ông tham gia Liên hoan hát ru và dân ca tỉnh Bình Định và được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao tặng giải B.

Năm 2013, ông và vợ tiếp tục tham gia Liên hoan dân ca Bài chòi do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức, giành giải Ba. Cũng trong năm này, nghệ nhân Thanh Đa tham gia Liên hoan các đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định và nhận giải B từ Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Định.

Nghệ nhân Phạm Phương Nga, vợ của Thanh Đa tâm sự: “Rủ nhau đi đánh Bài chòi / Để con nó khóc cho lòi rốn ra - là câu hát mà tôi và chồng rất tâm đắc.

Năm 2017, UNESCO đã công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian.

Vì vậy, vai trò của chúng tôi - những nghệ nhân dân gian, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc gìn giữ di sản quý báu này. Bao năm miệt mài biểu diễn hát ru, hát Bài chòi trên khắp các sân khấu càng khiến chúng tôi thêm yêu nghệ thuật dân tộc và có thêm động lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa nước nhà”.

Hành trình của nghệ nhân Thanh Đa không chỉ là việc truyền dạy và biểu diễn mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là tình yêu mãnh liệt với di sản văn hóa dân gian, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi, di sản văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc.