Nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến:

Ngọn lửa đam mê gìn giữ di sản bài chòi

PHƯƠNG DINH

VHO - Để khơi dậy lại được sức sống động của nghệ thuật bài chòi trong đời sống hiện đại, nâng niu di sản này lâu dài cho các thế hệ tiếp theo kế thừa, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của NNƯT Nguyễn Đáng ( nghệ danh Lương Đáng) đã nhiệt tâm, sáng tạo, giữ hồn cho chòi cổ Hội An.

Ngọn lửa đam mê gìn giữ di sản bài chòi - ảnh 1
NNƯT Nguyễn Đáng (bên phải)

Bài chòi là loại hình nghệ thuật đa chiều, kết tinh hài hòa giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, tạo nên một di sản văn hóa độc đáo và giàu bản sắc.

Năm 2017, nghệ thuật hát bài chòi Trung bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là điều kiện, để các địa phương miền Trung, đặc biệt là TP Hội An (Quảng Nam), đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trong quá trình phát triển du lịch địa phương. 

NNƯT Nguyễn Đáng đã có hơn 24 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa bài chòi. Theo đuổi nghề từ năm 18 tuổi, ông tham gia thanh niên xung phong rồi về làm tại Hợp tác xã phường Thanh Hà, cũng từ lúc đó, ông bắt đầu tham gia văn hóa tại địa phương và tìm các lớp hướng dẫn cách viết bài chòi, luyện âm giọng. 

Đến năm 1998, khi phố cổ Hội An được khôi phục, với tài năng của mình ông Đáng là một trong những người đầu tiên hát chòi tại đêm phố cổ trong chương trình “Trò chơi dân gian bài chơi” lần đầu tiên tổ chức. 

Trong thời gian này, bên cạnh tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật, ông bắt đầu truyền dạy, đào tạo học trò kế thừa của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An, tiêu biểu như: diễn viên Thu Hương, Lệ Nga, Kim Anh, Thu Sang… 

Từ năm 1999, khu Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, du lịch Hội An ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Với năng lực của mình ông đã trở thành người hát chính trong Hội bài chòi, chương trình “Đêm phố cổ” từ lần đầu tiên được tổ chức cho tới nay.

Ngọn lửa đam mê gìn giữ di sản bài chòi - ảnh 2
NNƯT Nguyễn Đáng biểu diễn bài chòi trên sân khấu Hội An

Từ đây, ông cũng bắt đầu nghiên cứu sưu tầm, ứng tác, sáng tạo các phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả thúc đẩy ngành kinh tế du lịch tại thành phố Hội An. 

Ông sáng tác thêm những câu hô thai mới, tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ, đào tạo một số hạt nhân mới từ cơ sở để có đủ nhân lực phục vụ cho du lịch phố cổ. 

Không chỉ nỗ lực đào tạo lớp nghệ nhân trẻ, ông còn tham gia truyền dạy tại các lớp học hát dân ca, hô hát bài chòi được mở trong khu phố cổ cho các em thiếu nhi và khách du lịch. Đồng thời, không ngừng tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ kế cận, gieo mầm tình yêu nghệ thuật từ những bước đầu.

Có thể thấy, với tâm huyết của ông dành cho di sản bài chòi, đã góp phần bảo tồn, quảng bá di sản trên trình diễn dân gian hô hát bài chòi xứ Quảng. Đồng thời, cùng với tài năng của mình đã tạo nên một hoạt động nghệ thuật sôi nổi thuộc chương trình “Đêm phố cổ” Hội An, thu hút hàng chục ngàn lượt khách là người Hội An và du khách tham dự. 

Bởi lẽ, loại hình nghệ thuật này thuộc thể loại diễn xướng, yêu cầu các nghệ sĩ không chỉ năng động mà còn phải biết cách diễn xuất và hát. Bên cạnh niềm đam mê và yêu thích, người nghệ nhân cần sở hữu năng khiếu thiên bẩm để có thể linh hoạt ứng biến trong không gian trình diễn.

Không chỉ bảo tồn, phát huy loại hình trình diễn dân gian hô hát Bài chòi ở địa phương, NNƯT Nguyễn Đáng còn tích cực phổ biến, quảng bá những giai điệu, lời ca Bài chòi Quảng Nam đến nhiều vùng, miền trên cả nước trong các đợt liên hoan nghệ thuật quần chúng. 

Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, giữ gìn bản sắc dân tộc, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân Ưu tú” vào năm 2019. Đến năm 2023, ông tiếp tục được Bộ VHTTDL vinh danh là một trong 78 tấm gương tiên tiến điển hình toàn ngành văn hóa. Những thành tựu này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của nghệ nhân.

Bên cạnh đó, NNƯT Nguyễn Đáng còn đạt được một số thành tích như: HCB Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 5 tại TP. Đà Nẵng, năm 1995; HCV Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quảng Nam năm 1998; HCV Hội diễn Nghệ thuật quần chúng nông dân toàn quốc tại Hà Nội năm 2000, tiết mục tấu hài “Chuyện vợ chồng anh Ba Quạch”.  Năm 2003, đạt giải xuất sắc hô hát Bài chòi trong chương trình hội diễn tiếng hát dân ca vùng miền tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

NNƯT Nguyễn Đáng trở thành tấm gương sáng, lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về bài chòi đến mọi người. Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng, ông đã truyền cảm hứng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giữ cho bài chòi luôn sống động trong lòng công chúng và thế hệ trẻ.

(Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)