Giới trẻ và sứ mệnh gìn giữ âm nhạc dân tộc

TRUNG NGHĨA

VHO - Âm nhạc Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ được phản ánh qua sự phong phú của các thể loại mới, mà còn qua sự quan tâm sâu sắc đối với những giá trị truyền thống.

 Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy công tác đào tạo vừa giúp thế hệ trẻ thấu hiểu và trân trọng di sản âm nhạc, vừa khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, từ đó đưa âm nhạc dân tộc hòa nhịp với hơi thở đương đại.

 Giới trẻ và sứ mệnh gìn giữ âm nhạc dân tộc - ảnh 1

 Làn gió mới cho âm nhạc dân gian

Âm nhạc truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị di sản quý báu, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những thể loại nghệ thuật dân gian đặc sắc như Xẩm, Ca trù, Chầu văn hay những làn điệu hò, vè, lý… không chỉ mang giá trị giải trí mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử lâu dài, ngôn ngữ đặc trưng và phong tục tập quán độc đáo. Dù xã hội ngày càng phát triển và hiện đại, âm nhạc truyền thống vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong các lễ hội, nghi thức và hoạt động cộng đồng.

Trước nguy cơ mai một của âm nhạc truyền thống, nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang nỗ lực không ngừng để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa này bằng nhiều phương pháp khác nhau. Họ không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm và lưu giữ di sản mà còn sáng tạo ra những tác phẩm mới, kết hợp nghệ thuật xưa với các thể loại âm nhạc hiện đại như nhạc giao hưởng, pop, hip hop, rap... nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn và dễ tiếp cận với giới trẻ.

Mới đây, ca sĩ Ngọc Khuê đã chính thức công bố dự án âm nhạc mang tên Dạo chơi với 8 tác phẩm quen thuộc như Chuồn chuồn ớt, Bên bờ ao nhà mình, Gió mùa về, Giọt sương bay lên, Bà tôi, và 3 bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh: Xe chỉ luồn kim, Qua cầu gió bay, Cò lả. Với dự án đĩa than đặc biệt này, nữ ca sĩ kỳ vọng sẽ mang lại một “làn gió mới” trong việc gìn giữ, phát triển và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, giá trị âm nhạc dân tộc ra thế giới.

Cuối năm 2024, nghệ sĩ trẻ Vũ Thùy Linh ra mắt album Tơ đồng thánh thót, gồm 4 bài dân ca, dân gian nổi tiếng của Việt Nam: Lúng liếng (Quan họ), Công cha ngãi mẹ sinh thành (Xẩm), Luyện năm cung (Chèo), Chầu Năm suối Lân (Chầu văn), cùng một ca khúc nhạc trẻ Giai điệu Việt Nam mình.

Điểm đặc biệt của album là sự kết hợp giữa giọng hát trẻ trung của Vũ Thùy Linh và cách phối khí vừa cổ điển vừa hiện đại của nhạc sĩ Lưu Quang Minh, khiến những bài dân ca quen thuộc trở nên mới mẻ, trẻ trung và hấp dẫn.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ như Hà Myo, Phương Mỹ Chi, Double 2T… cũng đã góp phần làm mới âm nhạc truyền thống trong các sản phẩm của mình. Gần đây, công chúng đặc biệt yêu thích các tiết mục âm nhạc lấy cảm hứng từ dân gian trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.

Trong các show diễn, hàng chục nghìn người đã cùng hòa giọng hát những làn điệu cải lương, chèo, hò... điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của khán giả, mà còn là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của âm nhạc truyền thống trong lòng công chúng.

 Giới trẻ và sứ mệnh gìn giữ âm nhạc dân tộc - ảnh 2
Nghệ sĩ trẻ đưa làn gió mới đến âm nhạc truyền thống Ảnh: ITN

Trao truyền di sản, khuyến khích sáng tạo

Những nỗ lực đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống đương đại không chỉ giúp di sản này sống lại trong một diện mạo mới mà còn đóng góp quan trọng vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Âm nhạc truyền thống được giới thiệu và trình diễn trên các sân khấu quốc tế đã nâng cao hình ảnh văn hóa của một quốc gia, tạo cơ hội để phát triển và hòa nhập với xu hướng toàn cầu, từ đó tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo, đa dạng. Tuy nhiên, để đảm bảo lĩnh vực này phát triển bền vững, việc đào tạo thế hệ trẻ hiểu biết và trân trọng âm nhạc truyền thống là vô cùng quan trọng.

Tại Hội thảo Định hướng ngành Âm nhạc học đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới vừa qua, ThS Đào Thị Hồng Lê, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ: “Giáo dục âm nhạc truyền thống được coi là công cụ đặc biệt, giúp truyền đạt những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần dân tộc.

Nó không chỉ giúp học sinh hiểu và trân trọng nguồn cội mà còn khuyến khích sự sáng tạo và phát triển nhân cách. Đào tạo âm nhạc truyền thống đang trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Xu hướng hiện tại trong đào tạo âm nhạc, trong bối cảnh hiện nay, đang đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của xã hội.

Việc khuyến khích sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, tạo không gian học tập thân thiện đang mở ra những cơ hội mới để bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống, nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng cộng đồng yêu thích, tìm hiểu, tham gia và đóng góp cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

Cũng theo ThS Đào Thị Hồng Lê, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của âm nhạc dân tộc, việc đào tạo từ trường học đến thực tế công việc cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Viện Âm nhạc (trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là nơi khai thác, sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ các tài liệu âm thanh, hình ảnh về âm nhạc truyền thống các dân tộc. Viện luôn sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng các nhà trường để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo cơ hội cho sinh viên và giáo viên học tập, trải nghiệm thực tế.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn và truyền đạt di sản, công tác đào tạo âm nhạc truyền thống còn cần chú trọng vào việc khơi gợi sự sáng tạo và đổi mới. Các nghệ sĩ trẻ nên được khuyến khích thử nghiệm, kết hợp âm nhạc truyền thống với các thể loại đương đại, để tạo ra những sản phẩm độc đáo và cuốn hút. Điều này không chỉ giúp âm nhạc dân tộc tiếp cận dễ dàng hơn với khán giả trẻ, mà còn đóng góp vào việc hình thành những xu hướng mới trong nền âm nhạc nước nhà.

Âm nhạc Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, trong đó các giá trị truyền thống được tôn vinh. Việc quan tâm đến đào tạo lớp trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ đối với các nhà giáo dục mà còn với những cá nhân, tập thể và tổ chức đang gìn giữ di sản âm nhạc truyền thống, để vừa bảo tồn di sản văn hóa, vừa đóng góp vào việc xây dựng bản sắc dân tộc, khẳng định vị thế của âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế.