Giao lưu, tìm hiểu về Đờn ca tài tử trong học sinh, sinh viên

VHO - Nhằm góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung cũng như tạo điều kiện để sinh viên hiểu rõ hơn về Đờn ca tài tử Nam Bộ, Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng một số đơn vị vừa tổ chức giao lưu nghệ thuật văn hóa học lần I năm 2023 với chủ đề “Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa Nam Bộ”, thu hút hàng trăm sinh viên tham dự.

Giao lưu, tìm hiểu về Đờn ca tài tử trong học sinh, sinh viên - Anh 1

Diễn giả Mai Mỹ Duyên và Phạm Thái Bình giao lưu với sinh viên

Chương trình có sự tham gia của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học, TS Mai Mỹ Duyên, TS Lê Hồng Phước, ThS Phạm Thái Bình, các nghệ nhân và thành viên ban Đờn ca tài tử Cội Xưa và nghệ nhân CLB Nhạc cụ dân tộc FTI - Trường ĐH FPT… Đặc biệt, chương trình còn giao lưu với đoàn giảng viên và sinh viên Thái Lan. 

Trước đó, nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm và biểu diễn về nghệ thuật sân khấu Cải lương cũng được tổ chức tại trường phổ thông và đại học, lan tỏa nghệ thuật truyền thống trong lực lượng khán giả trẻ. 

“Truyền lửa” yêu nghệ thuật dân tộc đến người trẻ

Tại chương trình, diễn giả Mai Mỹ Duyên và Phạm Thái Bình đã trò chuyện với sinh viên về sự ra đời và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ca ra bộ, sự ra đời và phát triển của “Dạ cổ hoài lang”, sự phát triển của bài Vọng cổ (từ nhịp đôi, đến nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32 ngày nay), sự kết hợp giữa tân nhạc và cổ nhạc (do soạn giả – NSND Viễn Châu sáng tạo thập niên 1960),… Trong từng nội dung chia sẻ, các nghệ nhân cũng đã thực hành biểu diễn để minh họa thật chi tiết từng thể loại, để giúp các bạn trẻ hiểu và phân biệt sự khác và giống nhau của các thể loại âm nhạc dân tộc nói trên. Với lối diễn giải đầy đủ, xúc tích, các diễn giả đã giới thiệu khái quát tiến trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương từ chiếc nôi Đờn ca tài tử, đến loại hình Ca ra bộ và tiếp biến văn hóa Đông - Tây để có nghệ thuật Cải lương ngày nay, hiện đại mà đậm đà bản sắc, đã tồn tại hơn thế kỷ qua, xứng đáng được mệnh danh là “Báu vật vùng đất phương Nam”.

Trả lời thắc mắc về bản Vọng cổ, TS Mai Mỹ Duyên cho biết, gọi Vọng cổ là “bản nhạc vua” vì bản nhạc này thể hiện được đầy đủ cung bậc cảm xúc của con người. Và vì có độ dài về số nhịp của mỗi câu nên rất thuận lợi cho người ca thể hiện cảm xúc, năng khiếu độc đáo về nhịp và cách sắp xếp ca từ. Bản nhạc này ra đời gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ, song phải kể đến vai trò quan trọng của người nhạc sĩ đã viết ra bản Vọng cổ đầu tiên: Bản Vọng cổ nhịp 2 có tên là Dạ cổ hoài lang. Bản này ra đời trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I. Là nước thuộc địa của Pháp, biết bao thanh niên Việt Nam đã phải tham gia vào đội quân viễn chinh của Pháp và tử trận. Họ để lại quê nhà mẹ, vợ, con thơ và những người thân yêu sống trong thân phận khốn cùng, ngày đêm luôn đau khổ, khắc khoải mong chờ ngày sum họp…

Bối cảnh đau thương đó đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư tình cảm của các nghệ nhân, nhạc sĩ, trong đó có các vị của Ban tài tử Bạc Liêu do cụ Lê Tài Khí phụ trách. Cụ Lê Tài Khí hay còn gọi Nhạc Khị đã phát động các thành viên trong ban nhạc sáng tác theo chủ đề “Chinh phu - chinh phụ”. Riêng với tác giả Cao Văn Lầu, là thành viên trong ban nhạc Bạc Liêu, ông đã sáng tác 1 bản nhạc theo chủ đề của Thầy Nhạc Khị khởi xướng. Bản nhạc hay vì còn gắn với hoàn cảnh bi thương của tác giả: vợ ông sau cưới 3 năm vẫn không có con nối dõi nên cha mẹ khuyên ông từ hôn để cưới người khác. Hai người đành phải chia tay dù rất yêu thương nhau. Trong niềm đau khổ, nhớ nhung đó ông đã mượn hình ảnh và niềm khát khao của người chinh phụ chờ chồng đi chinh chiến trở về để thay tiếng lòng của mình. Bản nhạc này sáng tác vào năm 1918 ban đầu có 22 câu, có tên là Hoài lang (Nhớ chồng), sau nhờ sự phân tích, góp ý của các thành viên trong nhóm Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chỉnh lại còn 20 câu và theo gợi ý của Sư Nguyệt Chiếu (1 thành viên trong ban tài tử Bạc Liêu) bản nhạc có tên là Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống điểm canh nhớ chồng). Bản Dạ cổ hoài lang còn được giới nhạc tài tử đặt tên là Vọng cổ (hướng về giá trị của tiền nhân để lại), và vì mỗi câu có 2 nhịp nên nó được gọi tên cụ thể hơn là Vọng cổ nhịp 2.

Giao lưu, tìm hiểu về Đờn ca tài tử trong học sinh, sinh viên - Anh 2

Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân và chuyên gia, giảng viên

Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí sôi động, các sinh viên chú tâm tìm hiểu, đưa ra nhiều câu hỏi, thắc mắc để hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh ở vùng đất phương Nam, mà rất ít khi sinh viên có dịp được tiếp cận. 

Có bạn trẻ yêu Cải lương nhưng không dám nói, sợ bạn bè chê… sến!

TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), người có quá trình gắn bó với nghệ thuật Cải lương và Đờn ca tài tử, thường xuyên được mời tham gia các buổi nói chuyện với sinh viên về nghệ thuật Cải lương và Đờn ca tài tử, bày tỏ: Trong các buổi nói chuyện với bạn trẻ, tôi tập trung hai nội dung chính. Thứ nhất, mình muốn giới thiệu đến học sinh, sinh viên biết được Đờn ca tài tử và Cải lương là di sản, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, cho nên mọi người dân Việt Nam đều phải gìn giữ; thứ hai là tại sao lại gìn giữ, nó có gì hay và mình giải thích cái hay đến cho các bạn. “Khi đến với chương trình, tôi mang một thông điệp, tôi nói rằng các bạn trẻ có quyền yêu thích cái gì tùy theo thú vui giải trí của mình. Có bạn nghe Cải lương thấy nó sướng trong người, có bạn nghe thì thấy “làm mệt” trong người, cũng có bạn yêu Cải lương nhưng không dám nói, sợ bạn bè chê mình sến… cho nên đối với những bạn yêu Cải lương mà sợ bạn bè chê sến thì mình giải thích cho rõ, để các bạn biết là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hiện tại không phải của một mình Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều phải làm. Và tổ chức UNESCO cũng từng ra văn bản kêu gọi các nước phải giữ gìn cho được sự đa dạng về văn hóa, việc bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa dân tộc là câu chuyện của người văn minh”, TS Phước nhấn mạnh.

Giao lưu, tìm hiểu về Đờn ca tài tử trong học sinh, sinh viên - Anh 3

TS Lê Hồng Phước giao lưu chuyên đề “Sân khấu với học đường” với học sinh Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM ngày 15.5 vừa qua

Ông cũng cho hay, trong các buổi nói chuyện, ông thường giải thích cho học sinh, sinh viên biết là đối với một đất nước, muốn phát triển bền vững thì phải bảo vệ được 2 trụ cột: truyền thống và hiện đại, hai trụ cột này phải song hành với nhau thì sự phát triển đó mới bền vững. Bằng chứng là chúng ta có thể nhìn qua Hàn Quốc, Nhật Bản, thấy họ rất hiện đại nhưng đồng thời họ giữ bản sắc văn hóa mình rất tốt. “Khi các bạn hiểu được, giữ gìn bản sắc văn hóa là câu chuyện của người hiện đại, người văn minh thì các bạn yêu Cải lương cứ nói thẳng là yêu Cải lương, đừng ngại gì cả… Còn bạn nào nghe Cải lương thấy “làm mệt” trong người thì tôi nói: Các bạn cứ yêu cái nào thấy thích, đó là thú giải trí của mỗi người, nhưng bên cạnh thú giải trí đó, chúng ta còn có trách nhiệm công dân đối với di sản văn hóa dân tộc của ông cha để lại. Có nhiều cách đóng góp, có thể là ngồi nghe nói chuyện, thấy những hoạt động liên quan thì lan tỏa bằng cách chia sẻ đến mọi người…”, TS Phước cho hay. 

Các chuyên gia cũng bày tỏ, tại các trường học hiện nay, sân khấu học đường đang phát triển khá mạnh. Trong chương trình giáo dục mới, có một nôi dung gọi là giáo dục địa phương, để đưa các bản sắc văn hóa địa phương vào, thì hiện nay các trường học đang tranh thủ quy định này, làm rất tốt câu chuyện mời những loại hình truyền thống vào học đường, không chỉ Cải lương và Đờn ca tài tử mà còn có Hát bội, hát Hồ Quảng,… Trong câu chuyện đưa sân khấu truyền thống vào trường học, hay nói đúng hơn là tiếp cận khán giả trẻ, thì còn một lực lượng rất tiềm năng, và có thể lực lượng này còn yêu Cải lương nhiều hơn nữa đó là công nhân tại các công ty, xí nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa kết nối được, đây là điều rất đang tiếc. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc