Gen Z “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống

VHO- Chứng kiến cậu sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội Lê Doãn Thái Bình (2002) biểu diễn thuần thục nhiều làn điệu Chèo, Xẩm, Ca trù... mượt mà, đằm thắm, ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu và ngọn lửa đam mê trong chàng trai trẻ đối với nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Gen Z “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống - Anh 1

  Lê Doãn Thái Bình cùng đoàn diễn viên trẻ của Việt Nam trong chuyến lưu diễn tại Brunei

Ước mơ lớn nhất của Thái Bình là được góp sức vào công cuộc gìn giữ những giá trị của nghệ thuật dân tộc, xa hơn là quảng bá đến với bạn bè quốc tế.

Trọn vẹn tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Lê Doãn Thái Bình cho biết, cậu sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Cũng giống bao bạn trẻ khác, lớn lên trong giai đoạn âm nhạc thị trường bùng nổ, Thái Bình được tiếp xúc nhiều với dòng nhạc này. Có chút năng khiếu ca hát nhưng lạ ở chỗ, nghe nhiều nhạc trẻ nhưng cậu lại quyết định “một mình một phách”. Trong một lần vô tình nghe được làn điệu dân ca trên sóng truyền hình năm cấp II, Thái Bình bị thu hút và lên mạng tìm hiểu, từ đó cậu yêu tha thiết câu ca, điệu hát dân gian, đặc biệt là hát Chèo cùng các loại nhạc cụ dân tộc.

Tự mày mò, rồi đăng ký đi học ở trung tâm, tình yêu với nghệ thuật của Thái Bình cứ thế lớn dần lên. Thấy cậu đam mê, gia đình cũng rất ủng hộ và cho theo học bài bản. Thậm chí ngoài giờ học, gia đình còn khuyến khích Bình tham gia sinh hoạt CLB để chia sẻ đam mê với các bạn trẻ khác.

Được học tập với các nghệ nhân dân gian, thầy cô là diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam…, Thái Bình tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến nghệ thuật truyền thống và nhạc cụ dân tộc. Đối với Thái Bình, sự nhiệt tình của thầy cô chính là động lực lớn để cậu không ngừng nỗ lực, thực hiện mục tiêu theo đuổi đam mê, cũng như lan toả tình yêu ấy đến với nhiều bạn trẻ khác.

Thế nhưng, để sống hết mình với Chèo, Xẩm... không phải là chuyện đơn giản. Chỉ riêng với Chèo, một diễn viên muốn thành thục một vai diễn phải tập luyện rất nhiều, từ cách múa, xòe quạt cho đến cách đi, cách nói, đặc biệt là khả năng ca hát. Với một diễn viên chuyên nghiệp, đây cũng đều là những kỹ năng khó chứ chưa nói đến một “tân binh” mới bước vào nghề. Thế nhưng càng khó, Thái Bình càng quyết tâm. Cậu luôn quan niệm, thế hệ trẻ phải mang trong mình sứ mệnh tiếp nối, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của cha ông. Nếu giới trẻ thờ ơ, quay lưng, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất đi bản sắc riêng biệt.

Ước mơ đưa nghệ thuật truyền thống vươn tầm quốc tế

Từ các hoạt động phi lợi nhuận của nhóm Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương, đến tự tay gây dựng lên Giáo phường Ca trù Thiều Xương, rồi quay các video đăng tải lên trang cá nhân để quảng bá nghệ thuật truyền thống, Thái Bình đều tham gia để lan tỏa thông điệp: Thế hệ trẻ Việt Nam hãy quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống. “Em tin chắc rằng, trong sâu thẳm mỗi con người đất Việt đều vang vọng lời ru của bà, của mẹ, luôn nhớ đến hình ảnh con cò, thằng Bờm, chú Tễu… Còn nhớ là có yêu, chỉ là tình yêu ấy chưa được khơi gợi. Có lẽ vì vậy mà em luôn khao khát, học hỏi, nghiên cứu để chung tay quảng bá, gợi mở tình yêu với văn hóa - nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong lòng giới trẻ và bạn bè quốc tế”, Thái Bình chia sẻ.

Theo đuổi nghệ thuật truyền thống đã lâu, được đứng trên nhiều sân khấu lớn nhỏ trong nước, nhưng đáng nhớ nhất với Thái Bình là chuyến lưu diễn ở Vương quốc Brunei trong khuôn khổ sự kiện Tuần Thương mại, văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật Việt Nam - Brunei, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9 năm ngoái. Đây là chuyến lưu diễn nước ngoài đầu tiên của chàng trai Gen Z. Thái Bình không giấu được sự tự hào khi là một trong những người trẻ được tin tưởng giao trọng trách đi quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

“Các tiết mục từ Chèo, Xẩm, Chầu văn, Quan họ được em cùng cả đoàn ráo riết chuẩn bị để kịp ngày diễn. Tập luyện, gửi video quay tiết mục để Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei kiểm duyệt, có khi bước chân ra khỏi phòng tập thì gà đã gáy sáng. Mệt nhưng cả đoàn đều cố gắng nỗ lực, vì biết không phải ai cũng có vinh dự được đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đem bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống đi giới thiệu với bạn bè quốc tế. Biểu diễn xong, khán giả vỗ tay không ngớt. Khi ấy, chúng em mới hiểu hết nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được bạn bè yêu mến như thế nào. Càng hạnh phúc hơn khi họ nói rằng, Việt Nam nên tự hào vì có được đội ngũ người trẻ tâm huyết với nghệ thuật dân tộc”, Thái Bình bày tỏ.

Nỗ lực từng ngày, Thái Bình chỉ đơn giản mong muốn được trực tiếp tham gia vào công cuộc giữ gìn, phát huy những “báu vật ngàn đời” mà cha ông để lại và truyền cảm hứng ấy cho các bạn trẻ khác. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, việc thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, ngoài việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, còn là thể hiện trách nhiệm, chung sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc