Đưa nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng và giới trẻ
VHO- Bên cạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, với mong muốn quảng bá, lan tỏa văn hóa và đưa âm nhạc hàn lâm tiếp cận gần hơn với đông đảo công chúng và giới trẻ, Học viện Âm nhạc Quốc gia đã và đang đẩy mạnh các chương trình, hoạt động biểu diễn thú vị và hấp dẫn của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ.
Hòa nhạc tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội thu hút đông đảo công chúng. Ảnh: HVANQGVN
Giao hưởng “liều mình” ra phố
Chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10, vừa qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời mang tên “Gặp gỡ Mùa Thu Hà Nội 2022”, với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ gồm 140 sinh viên âm nhạc chuyên nghiệp của Học viện, tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.
Chương trình đã tạo ra sức hút lớn với khán giả, với hàng ngàn người xem, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Nhiều người rất hứng thú vì đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức một chương trình giao hưởng ngoài trời của Việt Nam. Có thể thấy, Hòa nhạc đã mang tới cho khán thính giả Thủ đô những giây phút nghệ thuật đỉnh cao, để lại ấn tượng với nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế.
Trước đó, vào tháng 6, Trại hè Âm nhạc 2022 lần đầu tiên được Học viện tổ chức tại Cam Ranh với quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, với sự tham gia của hơn 200 học sinh, sinh viên đến từ 3 miền đất nước với các hoạt động của Dàn kèn sinh viên, Dàn nhạc Dây thính phòng, nhóm nhạc tre nứa Sức sống mới, nhóm nhạc dân tộc Charm band, nhóm nhạc Jazz Pop band… Trại hè Âm nhạc 2022 đặc biệt có sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ dưới sự dẫn dắt của hai nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và Trần Nhật Minh cùng một số nghệ sĩ độc tấu trẻ tuổi nổi bật trong nước.
Với sự dẫn dắt kinh nghiệm của các nhà sư phạm, các nghệ sĩ uy tín hàng đầu của cả nước trong các chương trình tập luyện biểu diễn, hội thảo âm nhạc góp phần mang lại thành công cho lần đầu tiên ra mắt Trại hè. Đặc biệt, các hoạt động âm nhạc được diễn ra hoàn toàn miễn phí giúp đông đảo người dân, khán giả quan tâm, khách du lịch và các học sinh sinh viên của các trường Đại học tại địa phương có thể đến tham gia, giao lưu trải nghiệm, làm quen với âm nhạc và các nhạc cụ.
Hòa nhạc tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: HVANQGVN
Trong khuôn khổ của Trại hè Âm nhạc 2022, chương trình Gala của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ cũng đã diễn ra tại Quảng trường 2.4 thành phố Nha Trang trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang do Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức; Đêm nhạc Khúc giao hưởng Mùa hạ Arena 2022 tổ chức tại Arena Cam Ranh với sự tham gia của toàn bộ học sinh, sinh viên, các nghệ sĩ, giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trại hè đã thành công cả về truyền thông quảng bá học viện, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, làm việc tập thể, bản lĩnh sân khấu của các thành viên Dàn nhạc...
Song hành hoạt động đào tạo với thực hành biểu diễn
Chia sẻ về các hoạt động của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ và việc quảng bá nhạc giao hưởng gần đây, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn cho biết, Dàn nhạc giao hưởng Trẻ (VNAMYO) của Học viện được thành lập và đặt nền móng bởi nhiều thế hệ Ban lãnh đạo của Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội từ những năm 70–80 của thế kỷ trước. Sự gắn bó mật thiết trong hoạt động đào tạo và biểu diễn thực hành của Dàn nhạc giao hưởng trẻ lúc bấy giờ đã mang lại nhiều thành công, sản sinh ra nhiều thế hệ giảng viên nghệ sĩ tài năng, uy tín, là nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung cho các Dàn nhạc giao hưởng hoạt động trên cả nước.
Dưới sự phát triển cởi mở, hội nhập và đầy tiềm năng của lĩnh vực âm nhạc hàn lâm trong những năm gần đây, Ban lãnh đạo Học viện đã khôi phục trở lại các hoạt động đào tạo, biểu diễn thực hành của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ trở thành Dàn nhạc có hoạt động thường niên dành cho học sinh, sinh viên dưới sự chỉ đạo, huấn luyện của các nghệ nghệ sĩ, giảng viên uy tín, giàu kinh nghiệm của Học viện và các nhà hoạt động âm nhạc trên cả nước. Các hoạt động thực hành biểu diễn của VNAMYO là định hướng tới cộng đồng nhằm lan tỏa, truyền bá các giá trị văn hóa nghệ thuật và nâng tầm cho vị thế đào tạo của Học viện.
“Trước đây, Dàn nhạc học sinh, sinh viên của Nhạc viện Hà Nội được xây dựng theo góc độ chuyên môn, các hoạt động cũng không vượt ra khỏi ngoài phạm vi hoạt động chuyên môn của học viện bởi nhiều lý do, trong đó, việc tổ chức những buổi công diễn ngoài trời đòi hỏi rất nhiều yếu tố để hỗ trợ âm thanh biểu diễn. Đợt này Học viện tổ chức khôi phục Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ bởi có những nhà tài trợ rất yêu âm nhạc giao hưởng và thấy động lực để đầu tư cho Dàn nhạc này. Để chuẩn bị cho các buổi diễn cũng đòi hỏi khối lượng công việc rất lớn: ngoài phần kỹ thuật, còn phải chọn các tác phẩm gần gũi với thị hiếu của công chúng, có kinh phí để mua bản quyền số trên các kênh để có tổng phổ, cần có một người chỉ huy tâm huyết...”, PGS. TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Hòa nhạc tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: HVANQGVN
Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng tiết lộ, Học viện cũng đang làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng với hàng triệu người follow trên mạng xã hội, và đang được giới trẻ vô cùng yêu thích để diễn cùng Dàn nhạc vào tháng 12 tới, nhân dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2022. Hiện nay đã có đơn vị xin được tài trợ về âm thanh, vì từ các buổi biểu điến vừa qua, họ thấy thích thú với những chương trình giao hưởng mới này.
“Sau thành công của trại hè nhà trường cũng đã có nhiều ấp ủ những kế hoạch lớn trong thời gian tới, để làm sao gắn hoạt động đào tạo với thực hành biểu diễn. Với các buổi biểu diễn ngoài trời, sự kết hợp của nhạc giao hưởng với các loại hình âm nhạc mới, chẳng hạn kết hợp giao hưởng với rap... chúng tôi hy vọng sẽ đưa giao hưởng đến gần hơn với công chúng và được công chúng đón nhận nhiều hơn, đặc biệt là xã hội hóa các hoạt động biểu diễn này”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết.
THANH NGỌC