Đồng hành, sáng tạo để phát triển bền vững
VHO - Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai.

Chương trình là dịp để nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ phát triển của văn học, nghệ thuật Thành phố mang tên Bác - nơi từng ghi dấu những tác phẩm sống động, phản ánh chân thực hành trình tranh đấu và dựng xây.
Đồng thời, Tọa đàm cũng mở ra diễn đàn trao đổi định hướng phát triển, nhằm thích ứng với bối cảnh mới, phát huy sức mạnh văn hóa trong sự nghiệp phát triển TP và đất nước.
Phát triển công nghiệp văn hóa: Động lực mới cho đô thị sáng tạo
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định: TP.HCM - trung tâm văn hóa năng động bậc nhất cả nước - là nơi giao thoa giữa bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa thế giới.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, TP vẫn kiên trì đầu tư, nâng cấp thiết chế văn hóa, đồng thời đi đầu trong xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực mới như dịch vụ, công nghiệp và thị trường văn hóa.
Những nỗ lực này đang góp phần kiến tạo một môi trường văn hóa đô thị hiện đại, văn minh và lan tỏa giá trị sống tích cực.
Trong tiến trình xây dựng đô thị toàn cầu, TP.HCM giữ vai trò tiên phong trong phát triển văn học nghệ thuật (VHNT), đồng thời là hạt nhân đổi mới trong tư duy bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong kỷ nguyên số.
Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ, VHNT buộc phải đổi mới tư duy và cách tiếp cận, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào sáng tạo, phân phối và tiêu dùng nghệ thuật.
Cùng với đó, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa; chú trọng quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ; xây dựng chính sách đãi ngộ xứng đáng để nuôi dưỡng tài năng và gắn bó lâu dài với sự nghiệp văn hóa.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, TP đang tập trung đầu tư đồng bộ vào hạ tầng văn hóa, nổi bật với các công trình trọng điểm như Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch TP.HCM, Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ...
Gìn giữ nghệ thuật truyền thống: Cần một hệ sinh thái bền vững
Phát huy các loại hình VHNT truyền thống, đặc trưng của TP.HCM không chỉ là gìn giữ bản sắc dân tộc, mà còn là hành trình làm giàu đời sống tinh thần trong xã hội hiện đại - đó là khẳng định của PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, khi bàn về vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân gian.
Theo ông, đội ngũ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Dân gian chính là “hồn cốt” trong việc gìn giữ và truyền dạy di sản.
Tuy nhiên, lực lượng này đang đối mặt với nhiều khó khăn: Thu nhập chưa tương xứng, thiếu không gian biểu diễn, chưa được xã hội nhìn nhận đúng mức và đặc biệt là thiếu thế hệ kế thừa.
Thực tế cho thấy, nghệ thuật truyền thống đang dần mai một, khán giả giảm sút, tài chính khó khăn và cơ hội trình diễn ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, lớp nghệ nhân trẻ chưa hình thành một cách bền vững, khiến quá trình chuyển giao giá trị văn hóa đứng trước nguy cơ đứt gãy.
Trước những thách thức đó, PGS.TS Lâm Nhân đề xuất một chiến lược đồng bộ: Nâng cao nhận thức xã hội về giá trị di sản; ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực cho nghệ nhân; ứng dụng công nghệ số để số hóa, bảo tồn và phổ biến; phát triển các không gian trình diễn thường xuyên; kết nối di sản với giáo dục, du lịch và ngành công nghiệp văn hóa.
Một hướng đi trọng tâm là chuyển hóa di sản phi vật thể thành các chương trình nghệ thuật sáng tạo, mang tầm vóc và bản sắc riêng.
Những chương trình này không chỉ quảng bá văn hóa Nam Bộ ra thế giới, mà còn mở lối cho nghệ thuật truyền thống hội nhập, sống động và phát triển bền vững trong đời sống đô thị hiện đại.
“Chỉ khi có sự chung tay của chính quyền, giới nghiên cứu, nghệ nhân, doanh nghiệp và cộng đồng, chúng ta mới xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ vững chắc.
Khi đó, VHNT truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn có cơ hội tỏa sáng, đóng góp vào bản sắc riêng có và sức sống văn hóa của TP.HCM - hôm nay và cả mai sau”, PGS.TS Lâm Nhân nhấn mạnh.
Tạo điều kiện để VHNT phát triển thực chất, có chiều sâu
Phát biểu tại Tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Suốt nửa thế kỷ qua, hoạt động văn hóa và VHNT của TP luôn giữ vững vai trò tiên phong trong sáng tạo, hội nhập, đồng thời bảo tồn bản sắc dân tộc và định hình nên một phong cách nghệ thuật đặc trưng của Thành phố mang tên Bác.
Lãnh đạo TP qua các thời kỳ luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực VHNT, góp phần tạo dựng nên những thành tựu văn hóa nổi bật, làm giàu hơn đời sống tinh thần và bồi đắp giá trị nhân văn cho cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, thực tiễn cho thấy hoạt động VHNT của TP vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Dù nhận thức về vai trò VHNT trong hệ thống chính trị đã có chuyển biến tích cực, nhưng đầu tư phát triển đôi khi vẫn thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của địa phương.
Tác phẩm VHNT ngày càng nhiều về số lượng, song vẫn thiếu những tác phẩm lớn, có chiều sâu tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao và sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị hai cấp, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trong hành trình này, ông Cường bày tỏ mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ đồng hành cùng chính quyền, truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP đến nhân dân bằng ngôn ngữ nghệ thuật gần gũi, lay động, sáng tạo, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM cho rằng đây là những đề xuất tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực.
BTC và các cơ quan liên quan sẽ nghiêm túc tiếp thu, từ đó tham mưu cho Thành ủy các định hướng phát triển phù hợp, nhằm thúc đẩy VHNT TP.HCM phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất và giàu chiều sâu, xứng tầm với vị thế một trung tâm văn hóa lớn của cả nước.