Dấu ấn của nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh QĐND tại Giải thưởng Cánh diều 2024
VHO - Tại Giải thưởng Cánh diều 2024 do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, Điện ảnh QĐND đã được trao 1 giải Cánh diều Vàng, 1 giải Cánh diều Bạc, 2 Giải thưởng BGK và 1 giải thưởng cá nhân. Thành tích này là động lực để những nghệ sĩ, chiến sĩ tiếp tục cố gắng trên chặng đường nghệ thuật sắp tới.
Trong 9 bộ phim được lựa chọn tranh giải tại Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2024 của Điện ảnh QĐND, có 7 phim tài liệu, 1 phim khoa học và 1 phim truyện, trong đó có 2 phim tài liệu về đề tài chiến tranh.
Đó là hai bộ phim tài liệu đề cập đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước với những khía cạnh mới. “Hùng ca Điện Biên Phủ” (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, biên kịch Hà Đình Cẩn, biên tập NSND Lê Thi, quay phim Phạm Quang Dũng, Hà Hải Long, âm thanh Đào Hằng, Chu Đức Thắng, biên tập nhạc Trần Tùng, dựng phim Xuân Yên, Quỳnh Anh, Ninh Vũ), kể về một mặt trận đặc biệt- mặt trận văn hoá văn nghệ.
Trong đó, các trí thức, văn nghệ sĩ là những người trực tiếp có mặt tại khắp các chiến trường Điện Biên Phủ để kịp thời động viên tinh thần của người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm chiến đấu, chiến thắng.
“Tỉnh thức và hóa giải” (đạo diễn Bùi Thanh Hải, biên kịch Trần Đăng Mậu, biên tập NSND Lê Thi, quay phim Lê Duy Hồi, Hà Hải Long, âm thanh Lê Ngọc Chiến, biên tập nhạc Trần Tùng, dựng phim Vũ Thu Hương) kể về một sự kiện chấn động xảy ra vào năm 1972 tại Cứ điểm 241, Quảng Trị.
Quyết định đúng đắn của Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Việt Nam Cộng Hòa, buông súng; và quyết định hết sức nhân văn- ngừng bắn của Trung đoàn 38, Pháo binh Bông lau đã đưa hơn 1.000 binh lính Việt Nam Cộng Hòa trở về với cách mạng, trở về với gia đình.
Với đề tài về người lính hôm nay, Điện ảnh Quân đội có những bộ phim mang nhiều sắc thái khác nhau. Phim “Thanh âm đại ngàn” (biên kịch, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, biên tập Nguyễn Thu Dung, âm thanh Đào Hằng, biên tập nhạc Trần Tùng, quay phim Hà Hải Long, Phạm Quang Dũng, dựng phim Trần Xuân Yên) đi sâu phản ánh người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Người lính trong phim không chỉ mạnh mẽ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà đã hòa nhịp cùng người dân Tây Nguyên phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng. Với ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là âm thanh cồng chiêng, ê kíp làm phim đã khai thác âm thanh cồng chiêng trên nhiều góc độ, ở nhiều không gian, đưa khán giả đến với một bữa tiệc âm thanh phong phú.
Bên cạnh những sáng tạo về thủ pháp làm phim, Điện ảnh QĐND cũng phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hậu kỳ, hòa âm hiện đại. Công nghệ hòa âm và thủ pháp hoà âm của kỹ sư âm thanh đã nâng chất lượng nghệ thuật của bộ phim.
Trong phim “Thép trong lòng biển sâu” (đạo diễn Vũ Trọng Quảng, biên kịch Nguyễn Huy Hùng, biên tập Lê Quốc Việt, quay phim Nguyễn Bảo Khánh, Đinh Công Hiếu, âm thanh Chu Đức Thắng, Đào Thị Hằng, biên tập nhạc Trần Tùng, dựng phim Vũ Thu Hương), hình ảnh người lính mạnh mẽ và dạn dày bản lĩnh khi trải qua biết bao gian khổ, khó khăn.
Phim nói về lực lượng tàu ngầm của QĐND Việt Nam, một lực lượng mới, hiện đại. Khán giả thấy rõ những gian khổ mà người lính trải qua khi huấn luyện làm chủ tàu ngầm; những phẩm chất cao quý mà họ đã rèn luyện qua từng ngày: Đoàn kết, Trung thành, Bí mật, Kỷ luật.
Phim cũng đề cập đến thế giới tinh thần của người lính tàu ngầm, những suy tư về khát vọng làm chủ tàu ngầm, làm chủ đại dương, tiếp bước tiền nhân đưa ý chí bảo vệ Tổ quốc vào trong lòng biển.
Đây là bộ phim đột phá về mặt đề tài, khai thác sâu nội dung về lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và cũng bí ẩn nhất của Quân đội. Để phục vụ cho công tác tiền kỳ, phim đã sử dụng các thiết bị ghi hình tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có cả các thiết bị ghi hình dưới nước và nhiều thiết bị chuyên dụng của điện ảnh.
Phim “Suối nguồn” (đạo diễn Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Tú Đức, biên kịch Trần Thị Thu Hương, quay phim Bùi Văn Trường, Đỗ Trung Quân, âm thanh Lê Ngọc Chiến, biên tập nhạc Trần Tùng, dựng phim Phạm Quỳnh Anh), thành công trong việc xây dựng hình tượng người lính vẹn nguyên những phẩm chất cao quý sau khi rời quân ngũ.
Phim kể về một cựu chiến binh sau khi xuất ngũ đã dành hơn ba thập kỷ cần mẫn xây dựng những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Với thời lượng chưa đầy 30 phút, bộ phim khắc sâu những giá trị cao quý của người lính: Sự hi sinh, tình yêu thương đối với nhân dân và con trẻ, tính kỷ luật, ý chí và cả sự nghiêm khắc.
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hai em nhỏ Minh và Thiên mồ côi cha, được các chiến sĩ đồn biên phòng Bạch Đích (Hà Giang) bảo trợ, nuôi dưỡng.
Qua những câu chuyện, chia sẻ của các em, phim tài liệu “Bên cạnh bố” (đạo diễn Vũ Minh Phương, biên kịch Bạch Hoàng Đạt, quay phim Đỗ Trung Quân, âm thanh Lê Ngọc Chiến, biên tập nhạc Trần Tùng, dựng phim Nguyễn Mạnh Tùng) giúp khán giả thấy được tâm tư, tình cảm của những chiến sĩ Biên phòng, hiểu thêm những cống hiến, hi sinh của các anh để giữ vững vùng phên dậu đất nước.
Đặc biệt là bộ phim tài liệu “Linh ảnh” (Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, biên tập Nguyễn Thu Dung, quay phim Hà Hải Long, Phạm Quang Dũng, âm thanh Lê Ngọc Chiến, dựng phim Bùi Ninh Vũ) được Điện ảnh QĐND sản xuất hướng tới Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2024) với nội dung về việc phục chế các bức ảnh liệt sĩ mà nhóm TeamLee thực hiện.
Không đơn thuần chỉ là những bức ảnh được phục dựng lại đúng, đẹp mà đó còn là những bức ảnh mang giá trị thiêng liêng. Thông qua những bức ảnh là câu chuyện xúc động về sự hi sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ cũng như thân nhân của họ.
Là bộ phim khoa học duy nhất được Điện ảnh QĐND lựa chọn tham dự Giải thưởng Cánh diều 2024, phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” (đạo diễn Hà Xuân Trường; biên kịch Nguyễn Đức Thực; biên tập Nguyễn Huy Hùng; quay phim Nguyễn Ngọc Sơn; âm thanh Lê Ngọc Chiến, dựng phim Phạm Quỳnh Anh) đề cập đến vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay.
Phim được hoàn thành đúng thời điểm đất nước xảy ra những vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại, vấn đề phòng, chữa cháy được toàn xã hội quan tâm. Với chủ đề nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy, phim đặt ra một góc nhìn trúng, đúng, cần thiết đối với công tác phòng, chữa cháy.
Phim phân tích nguyên lý, thiết kế và xu hướng ứng dụng của 3 sản phẩm chữa cháy do nhà máy Z113 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế, chế tạo. Các sản phẩm này có thể khắc phục hạn chế của các phương pháp chữa cháy hiện nay.
Lần đầu tiên, một câu chuyện trinh thám, phá án về đường dây buôn bán ma túy trái phép trên tuyến biên phòng biển được kể lại qua phim truyện điện ảnh. Chuyện phim nói về những người lính biên phòng ở một cửa biển vượt qua bao khó khăn trong việc phòng chống buôn lậu, bảo vệ an ninh đường biên giới biển Quốc gia.
Đại uý Giang, nhân vật chính, đối diện với hoàn cảnh khắc nghiệt khi gia đình bị xã hội đen gài bẫy vay nặng lãi, bị bọn buôn lậu tìm cách mua chuộc, đe dọa. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, trí tuệ kiên định của một quân nhân, anh đã bẻ gãy mọi thủ đoạn, phát hiện những manh mối quan trọng để triệt phá đường dây buôn lậu và bắt tên trùm ma túy ẩn danh bấy lâu.
Với dàn phim hùng hậu, tại Giải thưởng Cánh diều 2024, Điện ảnh QĐND đã được trao Cánh diều Vàng cho phim tài liệu “Linh ảnh”; Cánh diều Bạc phim khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng trong công nghệ chữa cháy”.
Hai bộ phim tài liệu “Thép trong lòng biển sâu”; “Tỉnh thức và hóa giải” được trao tặng Bằng khen. Trung tá Vũ Trọng Quảng cũng vinh dự đạt được giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất.
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh QĐND cho biết: “Các nghệ sĩ Điện ảnh QĐND luôn phấn đấu phản ánh những giá trị cao đẹp của người lính trên các mặt trận; đổi mới phương pháp thể hiện để tác phẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Định hướng đó đã được chứng minh là đúng đắn, khi các tác phẩm đều nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của bộ đội nói riêng và khán giả nói chung.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung khai thác các đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, đặc biệt là đề tài người lính hôm nay. Đồng thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Chia sẻ về dự án phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ" của Điện ảnh QĐND, Thượng tá Nguyễn Thu Dung cho biết, dự án được Bộ Quốc Phòng quan tâm đầu tư, hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả cả nước.