Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:
Đảm bảo tính chính trị và nghệ thuật cao
VHO - Sáng 2.5 tại Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL về tiến độ thực hiện Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Chương trình mang đến cái nhìn về Điện Biên hôm nay, từ chiến trường khốc liệt năm xưa, những thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương trong sự phát triển chung của đất nước với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai, qua đó gửi đi thông điệp về khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam.
Do đó, kịch bản chương trình đã được đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung nghệ thuật đến hình thức thể hiện, phản ánh đúng quy mô và tầm vóc của chương trình. Đến thời điểm này công tác thực hiện, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai công tác phục vụ tổ chức chương trình; xây dựng phương án đón tiếp đại biểu, khách mời dự Chương trình đã dần hoàn tất.
Báo cáo về tiến độ thực hiện chương trình, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Chương trình gồm 14 tiết mục, được chia làm 3 phần: “Toàn dân ra trận”, “Khúc tráng ca thế kỷ XX” và “Điểm hẹn hòa bình”.
Chương trình sử dụng công nghệ hiện đại, vẽ lại bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, mang đến không khí linh thiêng ngay chính tại chiến trường ác liệt năm xưa, với sân khấu đặt tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sân khấu được dàn dựng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên không khí trang trọng, bi tráng để kể câu chuyện xúc động và rất đỗi tự hào về mảnh đất huyền thoại Điện Biên Phủ.
Các nghệ sĩ tham gia ngoài những ca sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay, còn có thế hệ những nghệ sĩ từng là văn công biểu diễn trên chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, mang đến sự hồi tưởng, xúc động và tự hào.
“Hiện các khâu tổ chức vẫn song song thực hiện và dần hoàn thiện. Ngày 3.5 tại Điện Biên sẽ khớp tất cả các nhóm; ngày 4.5 sẽ diễn ra sơ duyệt chương trình; ngày 5.5 sẽ tổng duyệt chương trình. Các tiết mục thể hiện khối đại đoàn kết các dân tộc, vẽ nên bức tranh đa sắc màu của Điện Biên – vùng đất có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong đó có những tiết mục được dàn dựng với những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ; tái hiện trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp, đồng thời cổ vũ các chiến sĩ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo”, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết.
Kết luận nội dung làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá công tác chuẩn bị đến thời điểm này cơ bản đã tốt, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị bám sát kịch bản, tổ chức tập luyện với cường độ và chất lượng cao nhất, tránh phải điều chỉnh nhiều khi tổng duyệt. Đặc biệt với các nội dung lớn, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng để không xảy ra sơ suất, chồng chéo các nội dung. “Chương trình nghệ thuật phải đảm bảo tính chính trị và nghệ thuật cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia chương trình, đảm bảo đủ quân số. Đồng thời, các đơn vị của Bộ phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Điện Biên để làm tốt công tác đón tiếp, lễ tân cũng như chương trình nghệ thuật.