Đà Nẵng và “ước mơ” điểm hẹn điện ảnh

NGỌC HÀ

VHO - Thông qua những sự kiện sôi động tại hai kỳ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) liên tiếp, Đà Nẵng đã dần đưa thương hiệu của mình đến với bạn bè quốc tế qua Nghệ thuật thứ bảy, kỳ vọng sẽ sớm trở thành “Thành phố của sự kiện điện ảnh”.

Đà Nẵng và “ước mơ” điểm hẹn điện ảnh - ảnh 1

 Vẻ đẹp nên thơ của Đà Nẵng là điều kiện thuận lợi để thu hút các đoàn làm phim

 Năm nay, DANAFF II có sự góp mặt của hơn 100 nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, ê kíp làm phim, các nhà hoạt động điện ảnh trong nước và thế giới… Sự kiện cũng quy tụ đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu nổi tiếng từ các nền điện ảnh lớn như đạo diễn Đới Tư Kiệt (nhà văn Pháp gốc Hoa), cựu Giám đốc CineFondation LHP Cannes Georges Goldenstern (Pháp); Giám đốc LHP Berlin (2019- 2024) Meriette Rissenbeek (Đức); đạo diễn người Hồng Kông (Trung Quốc) Quan Cẩm Bằng…

Chuỗi hoạt động ấn tượng của LHP là điều kiện cực kỳ thuận lợi để thành phố biển quảng bá hình ảnh của mình tới bạn bè quốc tế. Ông Georges Goldenstern, nguyên Giám đốc Cinefondation LHP quốc tế Cannes chia sẻ: “Tôi vinh dự khi được làm thành viên của Ban giám khảo hạng mục Phim châu Á dự thi, và tôi rất hứng khởi khi lần đầu tiên đến với Đà Nẵng”.

Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền cũng bày tỏ: “Đây là cơ hội để Đà Nẵng mời gọi các nhà làm phim quốc tế, giới thiệu điện ảnh Việt Nam với họ. Việc tổ chức LHP ở những thành phố xinh đẹp như thế này là cơ hội rất tuyệt vời để quảng bá cho du lịch nước nhà”.

Đà Nẵng có sự ưu đãi từ thiên nhiên tươi đẹp, cảnh vật thuần khiết, nên thơ, chính quyền thành phố cũng xác định việc lan tỏa hình ảnh rất quan trọng nếu muốn đưa Đà Nẵng vươn xa để thu hút du khách. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công khi sử dụng điện ảnh làm kênh quảng bá hình ảnh và điểm đến cho mình. Ở Việt Nam cũng có những địa phương thu hút du lịch hiệu quả qua một bộ phim, đơn cử như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, King Kong… với những cảnh quay tuyệt đẹp ở Phú Yên, Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh... Từ những điều kiện sẵn có, Đà Nẵng hoàn toàn có thể là một điểm đến về điện ảnh, phim trường tiềm năng.

Đà Nẵng và “ước mơ” điểm hẹn điện ảnh - ảnh 2

Việc tổ chức LHP ở thành phố biển xinh đẹp là cơ hội để quảng bá cho du lịch nước nhà

Được biết, hình ảnh thành phố biển xinh đẹp cũng đã xuất hiện trong nhiều bộ phim đình đám như: Cô gái đến từ hôm qua (2017), Black Knight Decoded (2015), The Protégé (2021), Taxi Driver 2 (2021), A Tourist’s Guide to Love (2023)… Đặc biệt, bộ phim Yêu em bất chấp (đạo diễn Văn Công Viễn) bấm máy vào tháng 9.2017 là tác phẩm điện ảnh sử dụng bối cảnh có thời lượng lớn ở nơi đây, trong đó xuất hiện nhiều hình ảnh đặc trưng như Cầu Rồng, vòng quay Mặt trời, đường Bạch Đằng, Công viên Biển Đông, đèo Hải Vân… và đặc biệt là hồ Hòa Trung (huyện Hòa Vang).

Ông Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho rằng, Đà Nẵng đang phát triển đa ngành văn hóa, và có thể nói, không ngành nào có thể cạnh tranh với công nghiệp phim ảnh. Chính quyền địa phương nên nghĩ về tầm nhìn chiến lược cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Mong muốn Đà Nẵng sớm trở thành điểm đến của Nghệ thuật thứ bảy, tuy nhiên ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cũng cho rằng, thị trường về văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng vẫn là điều trăn trở đối với Đà Nẵng. DANAFF II đã phát hành hơn 13.000 lượt vé cho khoảng 103 suất chiếu, đây là con số không nhiều và những chiếc vé được phát hành hoàn toàn miễn phí, ngoài sự hào hứng cho người xem thì đóng góp doanh thu gần như là bằng không. Mặt khác, chủ trương về việc xây dựng thành phố điện ảnh, các không gian công cộng cho một LHP hay đào tạo về điện ảnh... thì còn cần kế hoạch lâu dài. “Đà Nẵng hiện chưa có những đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ các nhà làm phim, tuy nhiên với trường hợp nhất định thì các đơn vị công hoặc doanh nghiệp sự kiện vẫn có thể xúc tiến. Đặc biệt, cần có sự liên kết của các đơn vị, Sở, ngành với doanh nghiệp công và tư để hình thành chuỗi, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà làm phim”, ông Hà Vỹ bày tỏ.

Những năm qua, Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 theo hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, góp phần vào mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế. Với sự kiện DANAFF, dù chưa thể so sánh được với các LHP Cannes (Pháp) hay Bussan (Hàn Quốc), nhưng Đà Nẵng cũng đang ước mơ trở thành điểm hẹn của điện ảnh, mở rộng, cung cấp dịch vụ, kỳ vọng vào sự chuyển mình của ngành công nghiệp văn hóa qua các kỳ DANAFF thường niên. Chính quyền thành phố luôn cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục, điều kiện cần thiết để giới nghề có thể tới Đà Nẵng tổ chức sản xuất phim...