“Cú hích” điện ảnh kích cầu du lịch trên đất Cố đô
VHO - Hôm nay, ngày 19.10, UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức chương trình ký kết hợp tác nhằm xúc tiến, xây dựng, phát triển công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình.
Tham dự sự kiện có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan; lãnh đạo Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cùng các chuyên gia điện ảnh, các nhà làm phim…
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, nhiều năm gần đây, Nhà nước đã khẳng định tầm quan trọng của sự kết hợp giữa ngành công nghiệp điện ảnh và du lịch.
Bộ VHTTDL xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh là một nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, trong đó, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt Khoảng 125 triệu USD); ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số Khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, điện ảnh là loại hình có ưu thế mạnh mẽ. Tính chất lan tỏa, độ phủ sóng rộng rãi của các bộ phim, hoặc các sự kiện điện ảnh uy tín là lợi thế để quảng bá và kích cầu du lịch.
Câu chuyện lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được thế giới áp dụng lâu nay và rất hiệu quả. Điện ảnh cũng có thể truyền tải văn hóa, lịch sử, và phong tục tập quán của địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa.
Bộ VHTTDL đã chủ trì, tham mưu xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là Luật Điện ảnh năm 2022 và hệ thống văn bản dưới Luật.
“Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động điện ảnh trên cả nước, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp như Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đóng vai trò tư vấn, góp ý xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh”, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định.
Đánh giá cao việc chủ động xúc tiến xây dựng và phát triển điện ảnh của VFDA mà người đứng đầu là TS. Ngô Phương Lan, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Hiệp hội đã tiên phong nghiên cứu và xây dựng chỉ số thu hút các đoàn làm phim nước ngoài (PAI) với 5 tiêu chí cơ bản, nhằm định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam.
Đây là một sáng kiến quan trọng trong việc tạo đà để Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn với các đoàn làm phim nước ngoài, tạo ra giá trị không chỉ cho ngành điện ảnh mà còn cho các ngành phụ trợ như du lịch, khách sạn và dịch vụ.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, kinh tế, du lịch của tỉnh Ninh Bình, với kinh nghiệm, uy tín và nỗ lực của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, chương trình hợp tác sẽ trở thành mô hình mẫu để xây dựng thành công và phát triển điện ảnh địa phương nói chung, xây dựng thành công công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình nói riêng.
Theo VFDA, mục tiêu của chương trình hợp tác là thu hút, xúc tiến làm phim và từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của tỉnh Ninh Bình.
Một số mục tiêu hợp tác cụ thể sẽ triển khai gồm: Xây dựng và tổ chức thực thi Bộ chỉ số thu hút các đoàn làm phim và phát triển công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình; Thu hút, tổ chức các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế tạo không gian kết nối, chia sẻ, thông tin, thúc đẩy hợp tác giữa Ninh Bình với các hãng phim, các đạo diễn, các nhà biên kịch, diễn viên, các nhà đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ninh Bình cho phát triển hệ sinh thái công nghiệp điện ảnh, nhất là thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng, xây dựng phim trường, hỗ trợ xúc tiến và phát triển điện ảnh, góp phần thúc đẩy đổi mới chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh của đất nước.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai nhận định, hợp tác này sẽ thúc đẩy sáng tạo điện ảnh, trên cơ sở khai thác nét đẹp văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của Ninh Bình.
Đây là cơ hội để các nhà làm phim tận dụng cảnh quan và tài nguyên văn hóa địa phương để sản xuất những tác phẩm chất lượng, qua đó phát triển cả về mặt nghệ thuật và thương mại.
“Việc các bộ phim nổi tiếng được quay tại đây sẽ giúp quảng bá hình ảnh Ninh Bình ra thế giới, thúc đẩy lượng du khách quốc tế và nội địa đến tham quan. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng kinh tế tích cực, không chỉ đối với ngành du lịch mà còn cho các ngành phụ trợ…”, bà Đinh Thị Mai khẳng định.
Nhấn mạnh việc đưa các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử của Ninh Bình vào phim ảnh cũng góp phần bảo tồn các giá trị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng, sau lễ ký kết, các mục tiêu hợp tác được hiện thực hóa thành công, Ninh Bình sẽ trở thành một địa điểm quay phim nổi tiếng thu hút các nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới.
Điều này không chỉ giúp tăng cường sự hiện diện của Ninh Bình trong ngành điện ảnh mà còn tạo ra một thương hiệu địa phương gắn liền với ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ninh Bình đã được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim như: Người Mỹ trầm lặng, Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, 578 - Phát đạn của kẻ điên, Về nhà đi con, Trạng tí, Hương vị tình thân, Vui lên nào anh em ơi…
Trong giai đoạn tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và không gian kiến trúc văn hoá cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư làm cơ sở nền tảng phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp điện ảnh, xây dựng phim trường.
“Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam triển khai các hoạt động thu hút, xúc tiến làm phim và từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, góp phần hiện thực hoá mục tiêu của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Phạm Quang Ngọc cho biết.
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA chia sẻ, hợp tác giữa Hiệp hội và tỉnh Ninh Bình trên cơ sở nhiều tiềm năng và lợi thế sẽ khơi dậy trầm tích lịch sử, văn hóa, biến Ninh Bình thành trường quay nổi tiếng cho các bộ phim Việt Nam và quốc tế, đặc là các phim cổ trang; thu hút các đoàn phim đến Ninh Bình; phát triển du lịch Ninh Bình và các ngành kinh tế, dịch vụ...
“Hy vọng sau lễ ký kết sẽ có các bộ phim của Pháp, Ấn Độ và Việt Nam đến quay tại Ninh Bình. Chắc chắn đó sẽ là những bộ phim có tiếng vang trong nước và quốc tế”, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ, thông điệp video của đạo diễn Alexandre Jardin thông báo tin vui rằng bộ phim Pháp “Heart Flame” dự kiến sản xuất năm 2025 sẽ chọn Ninh Bình là một trong những địa điểm quay phim. Nhà làm phim Alexandre Jardin mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát tại Ninh Bình. Bộ phim sẽ góp phần giới thiệu với thế giới vẻ đẹp của Việt Nam.
Nhiều góc nhìn thực tiễn cũng đã được các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ như: “Vai trò quảng bá hình ảnh đất nước và địa phương ra thế giới”- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa; "Môi trường làm phim và sức hút của Ninh Bình đối với nhà làm phim"- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung; Đánh giá hiệu quả của bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) và website www.vietnamfilmproduction.vn...
Tiếng nói của các nhà làm phim cũng cho thấy nhiều tín hiệu vui, tiềm năng sản xuất các bộ phim quốc tế và phim Việt Nam tại Ninh Bình.
Đạo diễn “trăm tỉ” Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký trước đây đã được thực hiện tại Ninh Bình. Cảnh đẹp đất cố đô đã mang đến nhiều cảm xúc cho êkip và lần quay trở lại này, danh thắng Tràng An tiếp tục khơi gợi nguồn cảm hứng làm phim với anh. Dự kiến, HKFILM cùng CJHK và hãng phim Anh Tễu của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ quay một bộ phim mới tại Ninh Bình trong thời gian tới.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH BHD cũng cho biết, bộ phim gần nhất do BHD đồng đầu tư, sản xuất và phát hành được quay ở Ninh Bình là Tấm Cám: Chuyện chưa kể, từ năm 2016 đến nay cũng đã 8 năm.
“Quay lại Ninh Bình lần này cùng VFDA, chúng tôi lại cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc, những truyền thuyết dân gian huyền bí và đặc biệt là tình cảm của người dân Ninh Bình.
Chúng tôi thực sự mong muốn BHD sẽ sớm nhất có một bộ phim tiếp theo lại được quay tại Ninh Bình và quan trọng hơn để kể về một trong vô vàn những truyền thuyết dân gian cuốn hút, cũng như truyền cảm hứng của người dân nơi đây”, bà Ngô Thị Bích Hạnh bộc bạch.