Biên đạo xuất sắc của Liên hoan Múa quốc tế 2024 Nguyễn Hải Trường:

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo

ANH TUẤN

VHO - Tập trung vào các chủ đề và chất liệu múa dân gian của các dân tộc, vùng miền khác nhau, đồng thời kết hợp tinh tế với múa hiện đại, nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và múa, các biên đạo, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã mang đến Liên hoan Múa quốc tế 2024 những tác phẩm chất lượng, truyền tải những câu chuyện, thông điệp, bản sắc, tạo ra không gian giao lưu văn hóa sống động, đa sắc màu.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 1
Vở thơ múa “Nàng Mây” đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2024

Trải nghiệm đa sắc màu qua nghệ thuật múa

Liên hoan Múa quốc tế 2024, do Bộ VHTTDL, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan tổ chức, vừa diễn ra thành công. Với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo - Cùng nhau tỏa sáng”, Liên hoan Múa quốc tế 2024 quy tụ sự tham gia của gần 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 17 đơn vị nghệ thuật của 9 quốc gia, gồm: Lào, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam.

Các tiết mục của 8 đoàn nghệ thuật quốc tế và 9 đoàn nghệ thuật trong nước đã giúp khán giả được trải nghiệm các sắc màu văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua âm nhạc, hình ảnh, chuyển động của các nghệ sĩ múa trên sân khấu.

Tham gia Liên hoan Múa quốc tế, các đoàn nghệ thuật Việt Nam đã đạt được thành công nổi bật thông qua các chương trình biểu diễn và tác phẩm múa độc lập. NSND Nguyễn Công Nhạc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đánh giá: Các tác phẩm được trình diễn đã tập trung vào chủ đề và chất liệu múa truyền thống các dân tộc, vùng miền, đồng thời kết hợp tinh tế với múa hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và múa góp phần tạo ra những tác phẩm đột phá với chất lượng nghệ thuật cao.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 2
Ngoài giải Vàng Liên hoan cho “Nàng Mây”, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng trao tặng Biên đạo xuất sắc cho nghệ sĩ Hải Trường

Qua đó có thể thấy sự sáng tạo và tài năng của thế hệ biên đạo và các diễn viên múa trẻ. Các tác phẩm tiêu biểu như “Nàng Mây” của Học viện Múa Việt Nam do biên đạo múa Nguyễn Hải Trường dàn dựng và “Họa tình nhân gian” của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội… đã thể hiện rõ nét sự đổi mới và sáng tạo trong nghệ thuật múa.

Về tác phẩm đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan – vở thơ múa “Nàng Mây” biên đạo múa Hải Trường cho biết đã ấp ủ ý tưởng, xây dựng kịch bản và dàn dựng trong gần 1 năm. Anh chia sẻ: “Tên “Nàng Mây” rất đẹp, uyển chuyển, rất thơ, nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ múa, diễn tả cái đẹp ấy tới khán giả là một quá trình dài.

Để có chất liệu thực tế làm cảm hứng sáng tạo, tôi đã đi tới nhiều làng nghề mây tre đan tại Hà Nội, Huế… cũng như các vùng khai thác nguyên liệu, trực tiếp cảm nhận người dân vất vả, băng rừng lội suối khai thác mây, sau đó lại dụng công chế biến để tạo những thanh mây mềm để đan.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 3
Vở thơ múa “Nàng Mây” được biên đạo múa Hải Trường ấp ủ ý tưởng, xây dựng kịch bản và dàn dựng trong gần 1 năm

Tại làng nghề Bao La có truyền thống mây tre đan lâu đời tại Thừa Thiên Huế, trong không gian truyền thống của Hợp tác xã Bao La, tôi được xem các cụ cao niên vừa đan vừa giới thiệu các công đoạn làm sản phẩm… Từ thực tế tìm hiểu nghề mây tre đan, tôi đã lên khung kịch bản cho tác phẩm thơ múa này”.

Ngoài khảo sát tại làng nghề, trước khi diễn 1 ngày, ê kíp thực hiện cũng quay trở lại Bao La để hòa mình cảm nhận thực tế không gian văn hóa, giúp họ thăng hoa và truyền tải cảm xúc chân thực ấy tới khán giả. Cùng với trải nghiệm tìm tòi, lấy chất liệu thực tế, ê kíp sáng tạo vở múa cũng kỳ công chuẩn bị đạo cụ, “săn tìm” song mây.

“Tre rất sẵn có, nhưng để mua những cây song mây dài tới 4m rất khó. Bởi thường về đến Hà Nội là mây thành phẩm, nhưng chúng tôi muốn có cây mây còn xanh, chỉ bóc bỏ lớp gai. Dây mây nhỏ rất nhiều, nhưng cây mây càng lớn thì càng hiếm. Chúng tôi đã đi liên hệ các xưởng, các làng và cuối cùng cũng tìm được. Ê kíp đã mua nhiều cây mây, bởi trong quá trình luyện tập không tránh khỏi bị gãy, cong không như ý muốn và phải thay cho phù hợp…”, biên đạo múa Hải Trường nói.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 4
“Nàng Mây” đã thể hiện rõ nét sự đổi mới và sáng tạo trong nghệ thuật múa

Kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt dưới góc nhìn mới

“Từ đam mê, muốn trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, mang tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam giao thoa được với thế giới, khi tham dự Liên hoan Múa quốc tế, chúng tôi trăn trở là trong lúc cuộc sống đang hội nhập sâu rộng, thì phải đi theo hướng nghệ thuật như thế nào.

Tôi nhận thấy mình là thế hệ đứng ở giữa bảo tồn, phát huy truyền thống nhưng cũng phải phát triển. Có nhiều bạn trẻ ngoài kia có tư duy cách làm mới. Theo đuổi nghệ thuật múa, tôi thấy cần bảo tồn văn hóa Việt Nam, nhưng cũng phát triển như thế nào để không mất đi truyền thống ấy.

Tác phẩm mình mang đến phải đổi mới theo xu hướng, thị hiếu khán giả, họ đến và trải nghiệm phải được mãn nhãn, được thông tin để hiểu hơn về câu chuyện mình mang đến”, biên đạo múa Hải Trường bày tỏ.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 5

Đó cũng là lý do khi dàn dựng vở “Nàng Mây”, những gì ê kíp khai thác đều gắn liền với làng nghề Việt Nam, với những thứ gần gũi trong cuộc sống của người Việt. Đề tài mây tre đan không phải là mới, nhưng ý tưởng, không gian bài trí, ngôn ngữ múa, diễn xuất... làm toát lên năng lượng, tư duy của những người trẻ, với góc nhìn đương đại pha trộn hài hòa với truyền thống.

Âm nhạc của vở múa mang đậm âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, có phân cảnh đưa Quan họ Bắc Ninh vào rất đặc trưng, đồng thời cũng mang sự giao thoa nhạc dân tộc và nhạc hiện đại, “bắt tai” khán giả khi không đi theo lối mòn. Điều đó khiến người xem có thể cảm nhận rõ nét chất Việt, tận hưởng không gian làng nghề Việt Nam, nhưng không cảm thấy quá quen thuộc, nhàm chán.

Có thể nói, sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc kết hợp với múa đương đại để kể những câu chuyện về đời sống văn hóa của người Việt, gắn với giá trị của mây, tre đã tạo thành công cho vở diễn và đội ngũ sáng tạo. Ngoài giải Vàng Liên hoan cho “Nàng Mây”, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng trao tặng Biên đạo xuất sắc cho nghệ sĩ Hải Trường, Diễn viên xuất sắc dành cho nghệ sĩ Lương Thị Hà Nhi – diễn viên chính của vở múa…

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 6

“Nàng Mây” không những được Hội đồng Ban giám khảo mà còn được khán giả đón nhận. Sau khi trình diễn, nhiều khán giả mong muốn được tặng đạo cụ là sợi dây mây để làm kỷ niệm…

Biên đạo vở múa cho biết: “Đưa tác phẩm này đến Liên hoan Múa quốc tế, tôi mong muốn giới thiệu về nét đẹp nghề truyền thống của Việt Nam. Đất nước ta vốn có nhiều nghề truyền thống như gốm sứ, mây tre đan, nghề làm tranh… Qua ngôn ngữ của nghệ thuật múa, tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng nghề mây tre đan là làng nghề mang tính bền vững, cần được bảo tồn và phát triển, để các sản phẩm này không những là sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuần túy mà còn được nâng tầm, đi ra quốc tế, đóng góp trở lại về kinh tế và việc làm cho người dân, bảo tồn truyền thống của dân tộc”.

Cộng hưởng truyền thống và sáng tạo  - ảnh 7
Qua ngôn ngữ của nghệ thuật múa, các nghệ sĩ muốn gửi gắm thông điệp rằng nghề mây tre đan là làng nghề mang tính bền vững, cần được bảo tồn và phát triển,

Biên đạo múa Hải Trường nhận định: Liên hoan Múa quốc tế diễn ra tại Huế là chương trình quy mô khá rộng, trong đó quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật của các nước. Qua Liên hoan thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật của các nước trong khu vực và quốc tế. Trong đó có nhiều đoàn Việt Nam tham gia, giới thiệu được văn hóa nghệ thuật của Việt Nam giao thoa với thế giới. Tôi cho rằng việc tổ chức một Liên hoan như vậy là rất cần thiết trong bối cảnh đang bão hòa nghệ thuật hiện nay, để các nghệ sĩ có thể nhìn nhận bản sắc của Việt Nam, cũng như bản sắc của nghệ thuật các nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, Liên hoan quy tụ nhiều nghệ sĩ của các quốc gia, mỗi nghệ sĩ mang đến màu sắc, ngôn ngữ riêng về múa rất đa dạng và phong phú. Qua đó, các diễn viên được trau dồi, giao lưu và học hỏi lẫn nhau.