"Khám sức khỏe" thị trường nghệ thuật:

Còn sơ cấp, non trẻ và thiếu chuyên nghiệp

PHƯƠNG ANH

VHO - Thị trường tranh nghệ thuật tại Việt Nam được đánh giá vẫn ở mức sơ cấp, sức mua trong nước chưa đủ mạnh, bên cạnh đó là nỗi lo về vấn nạn tranh giả...

Còn sơ cấp, non trẻ và thiếu chuyên nghiệp - ảnh 1
Gia đình trong vườn, tranh lụa của họa sĩ Lê Phổ, được bán với giá 2,37 triệu USD năm 2023

 Đây là những nhận định được đưa ra bởi các chuyên gia theo sát nhịp đập của thị trường mỹ thuật Việt, dù những năm gần đây, thị trường này đã chứng kiến những thay đổi tích cực. Không chỉ những bức trăm ngàn USD, triệu USD của các danh họa thời Đông Dương được rao bán trên các sàn đấu giá quốc tế, hoạt động mua bán và sưu tầm tranh trong nước cũng xuất hiện ngày một sôi nổi.

Khi nhà sưu tập “mạnh tay”

Nhận định thị trường nghệ thuật Việt Nam đang ngày càng tốt hơn, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết, đã từ lâu, tác phẩm mỹ thuật Việt luôn được nước ngoài chú ý và sưu tập với các mục đích khác nhau. Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Fasifika Indonesia, các bộ sưu tập tư nhân, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc... đều lưu giữ một số lượng tương đối tác phẩm của các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ khóa Kháng chiến và một số ít họa sĩ thời kỳ Đổi mới…

Cũng theo chuyên gia Bùi Hoàng Anh, trong xu hướng phát triển toàn cầu, tác phẩm nghệ thuật luôn tăng giá trị theo thời gian. Khi tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được nước ngoài chú ý, dù được mua sưu tập hay đầu tư đều rất tốt. Cũng trong bối cảnh này, các nhà sưu tập trong nước rất mạnh tay hồi hương các tác phẩm quý của mỹ thuật Việt Nam. Trong số hơn 20 tác phẩm của các danh họa hàng đầu Việt Nam, đấu giá với mức từ 1 - 3 triệu USD, hầu hết được nhà sưu tập trong nước mua. Như bức Chân dung cô Phượng, 1931, sơn dầu của danh họa Mai Trung Thứ được mua với giá 3,1 triệu USD năm 2021; Gia đình trong vườn, 1938, lụa của Lê Phổ với giá 2,37 triệu USD năm 2023; Dáng hình trong vườn, 1973, sơn dầu, cũng của Lê Phổ có giá 2,29 triệu USD năm 2022... Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, thị trường mỹ thuật Việt Nam những năm gần đây chứng kiến nhiều sự thay đổi và phát triển tích cực. Bên cạnh những bức trăm ngàn USD, triệu USD của các danh họa thời Đông Dương được bán trên các sàn đấu giá quốc tế, hoạt động mua bán, sưu tầm tranh trong nước cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít họa sĩ đương đại Việt Nam thường xuyên có tranh được giao dịch ở mức hàng trăm nghìn USD, mức thu nhập “khủng”.

Khoảng thập niên 1990, người nước ngoài đến Việt Nam thường mua tranh ở các gallery Bờ Hồ, chiếm 90% doanh thu mỹ thuật Việt thời điểm đó. Nhưng hiện nay, thị trường mỹ thuật Việt đa số là người mua, nhà sưu tập, nhà đầu tư trong nước. Từ đó đã dẫn đến làn sóng hồi hương tranh Đông Dương trong khoảng 10 năm trở lại đây, với những tác phẩm của các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh…

Dẫu vậy, thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn được nhận định chỉ đang là thị trường sơ cấp, non trẻ và còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản. Bức tranh tổng quan này được nhiều chuyên gia phân tích tại cuộc Tọa đàm mới đây với chủ đề Trò chuyện về sức khỏe nghệ thuật. Theo nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, để phân biệt người sưu tập, người mua hay nhà đầu tư tranh, cần nhìn vào mục tiêu của họ. Trước đây, đội ngũ này thường là người nước ngoài, cho đến khi nền kinh tế phát triển, nhân tố trong nước bắt đầu xuất hiện. Nhà sưu tập này nhận định, về bản chất, thị trường nghệ thuật không có được tính minh bạch, thanh khoản cao như thị trường hàng hóa tiêu dùng. Trong khi phí gia nhập của những mặt hàng tiêu dùng thông thường rất rõ ràng thì phí gia nhập của nghệ thuật rất lớn, trở thành một rào cản. Thêm vào đó, tranh lại là mặt hàng mang tính độc bản chứ không thể sản xuất hàng loạt, định giá của tác giả về tác phẩm của mình có thể rất chủ quan.

“Có người muốn bán đi bộ sưu tập của mình nhưng không khả thi, trừ khi quay lại liên hệ chính họa sĩ. Lúc này thì bộ sưu tập lại giống như chiếc ô tô, khi bán thì giá không còn cao như lúc mua”, minh họa cho khả năng thanh khoản thấp của thị trường nghệ thuật mỹ thuật tại Việt Nam, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Còn sơ cấp, non trẻ và thiếu chuyên nghiệp - ảnh 2
Phiên đấu giá Những huyền thoại đến từ Trường Mỹ thuật Đông Dương của nhà đấu giá Millon diễn ra song song tại Hà Nội và Paris hồi tháng 10.2024. Ảnh: VIETART VIEW

“Liều thuốc” cho sức khỏe thị trường nghệ thuật Việt

Nhiều chuyên gia cũng nêu rõ, một nhà sưu tập quốc tế nếu muốn sưu tập tranh của danh họa Việt Nam cần có những nhà đầu tư trong nước sẵn sàng trả giá cao, nhưng hiện nay chưa có đủ người như vậy. Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc thị trường Việt Nam của sàn đấu giá Sotheby’s (Anh) nhấn mạnh, điều kiện đủ để có một thị trường nghệ thuật vững mạnh là “sức khỏe” của nhà sưu tầm nội địa.

“Trước đây khoảng 90% mua tranh là người nước ngoài bởi họ có thu nhập cao hơn. Bây giờ thì có đến 70% người mua là nhà sưu tập trong nước. Họ mua cả tranh Đông Dương và tranh của nghệ sĩ trẻ”, giám tuyển Ace Lê nhận định. Sau 30 năm kinh doanh tranh của các danh họa Việt với quan điểm và hệ giá trị “vị phương Tây”, Sotheby’s đã nhận thấy nhu cầu hồi hương tác phẩm mỹ thuật từ các nhà sưu tập Việt nên đã tuyển dụng người Việt Nam để phụ trách, quảng bá, trao đổi tranh bằng tiếng Việt. 20 tác phẩm đạt mốc đấu giá triệu USD được nhà sưu tập Việt Nam mua là tín hiệu đáng mừng, kéo theo nhiều thay đổi trong vận hành thị trường tranh trong nước.

Giới chuyên gia cũng lưu ý, bước vào thị trường thì người mua tranh hay bán tranh cũng cần rất thận trọng, xác định rõ mục tiêu của mình cũng như chấp nhận đi đường dài. Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng cho biết, trước đây rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng đến Việt Nam mua tranh. Chính họ đã truyền kinh nghiệm cho sự hình thành của nhiều gallery mỹ thuật, cách mua bán hay đầu tư tranh. Việt Nam hiện đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư, sưu tập tranh trong nước, nhiều người trẻ và đây là động lực để phát triển thị trường. “Tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu có một thị trường. Tuy nhiên, các tác giả trẻ không thể mong sinh lời ngay trong 5-7 năm đầu, mà phải tính bằng nhiều thập kỷ. Hãy cứ là người mua và sưu tầm, tận hưởng năng lượng của sáng tạo trước khi coi đó là một món đầu tư”, bà Hằng chia sẻ.

Còn sơ cấp, non trẻ và thiếu chuyên nghiệp - ảnh 3
Cuộc trò chuyện “Về sức khỏe thị trường nghệ thuật”. Ảnh: T.TRANG

Từng bước minh bạch hóa thị trường nghệ thuật cũng được nhìn nhận là một “liều thuốc” hữu hiệu. Giám tuyển Ace Lê cho rằng, minh bạch hóa thị trường nghệ thuật là bước đi ban đầu để phát triển, và bắt đầu từ những sàn đấu giá. Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận, ai cũng mong muốn có một thị trường minh bạch, đẩy lùi nạn sao chép tranh giả; do đó, cần có thị trường thứ cấp hoạt động đủ chức năng. Còn bà Dương Thu Hằng nhấn mạnh, công chúng sẽ là người thẩm định tính minh bạch thị trường nghệ thuật; nếu bán tác phẩm giả sẽ sớm bị nhận biết. Bên ngoài cuộc tọa đàm, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Hoàng Anh nhận định, với một nhà đấu giá hợp chuẩn, bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào được đưa ra đấu giá đều phải trải qua nhiều quy trình. Trong đó thẩm định tác phẩm chân bản luôn là ưu tiên số một. “Nhưng dù làm hợp chuẩn các bước đến đâu thì đôi khi vẫn có sai số; không ngoại trừ cả những tổ chức đấu giá lớn vẫn có thể gặp phải. Vì vậy, đây luôn là vấn đề được coi trọng hàng đầu của các nhà đấu giá nghiêm túc…”, theo nhà phê bình Bùi Hoàng Anh.

Để phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam một cách bền vững, bà Hoàng Anh lưu ý, nếu coi tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm hàng hóa tinh thần ở dạng thức cao thì càng cần các tổ chức có chất lượng tương xứng để cung ứng dịch vụ. Nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên tư vấn… hoạt động nghiêm túc, tuân thủ đúng pháp luật sẽ tạo được uy tín và niềm tin với khách hàng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các công ty tư vấn nghệ thuật với đội ngũ chuyên gia về mỹ thuật, sử học, văn hóa, giáo dục, kinh tế… có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế, thực hiện vai trò kết nối giữa bên mua và bên bán, khiến cho các quyết định mua bán trở nên chính xác hơn cũng góp phần tích cực cho thị trường nghệ thuật phát triển minh bạch.