Triển lãm tranh “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua”
VHO - Khai mạc ngày 23.3.2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Quận 1), triển lãm tranh “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” là hoạt động thú vị do The Muse SJC tổ chức. Triển lãm diễn ra từ 23- 31.3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM và The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cầu đảo, họa sĩ Phan Cẩm Thượng (2022)
Giám tuyển triển lãm, nhà nghiên cứu nghệ thuật Vân Vi chia sẻ, giữa những hối hả, vội vã của cuộc sống hàng ngày cứ thế kéo ta đi, nghệ thuật nói chung bao gồm cả hội họa là chốn dừng chân, là điểm nghỉ - nơi mọi người có những giây phút chậm lại, thưởng thức và trải nghiệm từng chuyển biến trong cảm nhận của bản thân mình.
Một trong những yếu tố quan trọng và tất yếu trong nghệ thuật là thay đổi. Trong hội họa đó là tính đa dạng nằm trong tất cả các biến chuyển về màu sắc, bố cục, tính nhịp điệu ở trên tranh…
Giao mùa 2, họa sĩ Triệu Khắc Tiến (2020)
“Các họa sĩ cũng chỉ có một nỗi niềm duy nhất đó là sáng tạo. Họ cần liên tục phủ định bản thân mình, những thành tựu mà mình đã làm được, để mưu cầu một điều gì đó mới. Chính vì thế dòng chảy năng lượng của nghệ thuật là dòng chảy của sự vận động. Nó đánh thức năng lực sống cùng với sự vận động của con người. Nếu như có một giây phút những sáng tạo nghệ thuật chạm đến thế giới tinh thần của người xem, giây phút ấy có thể xoa dịu, có thể khai mở, mang lại sự sinh động và thú vị cho tinh thần…”, Giám tuyển Vân Vi bộc bạch.
Triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” có cấu trúc chia thành 6 khu vực riêng biệt. Người xem được chứng kiến phong cách nghệ thuật của mỗi họa sĩ qua từng phần không gian. Các họa sĩ trong triển lãm có một điểm chung là sống hết mình, vì sự đổi thay ở các khía cạnh khác nhau, từ thay đổi cuộc sống cá nhân để đến được với con đường nghệ thuật, cho đến dành một đời đam mê nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của đời sống văn hóa, cho đến vặn minh tìm tòi sáng tạo, hoặc đi sâu hơn vào khám phá những gì đang có để biến nó thành sự đồng hành với thế giới nghệ thuật đương đại, mà tất cả động lực nằm ở chính tình yêu nghệ thuật.
Các khu vực trưng bày được chia theo từng phong cách riêng của các họa sĩ, bao gồm: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Đình Sơn, Nguyễn Văn Trinh, Nguyễn Quang Trung, Vũ Văn Tịch và Triệu Khắc Tiến.
Hoa cúc, sơn mài của họa sĩ Vũ Văn Tịch (2024)
Giám tuyển Vân Vi là nhà đồng sáng lập The Muse Artspace, nhà sáng lập Vanvi Gallery, đến nay đã giám tuyển trên 20 cuộc triển lãm. Các ý tưởng của chị kết nối tất cả các bức tranh, cho phép người xem được thưởng thức các bức tranh trong một tổng thể hài hòa, tôn trọng thị giác và rõ ràng về mặt phong cách.
Có thể kể đến các triển lãm nổi bật mà Vân Vi đã từng giám tuyển như “Triển lãm Retro”, kết hợp nghệ thuật, thời trang và các kỷ vật có giá trị mang tính lịch sử văn hóa, cho người xem một cái nhìn tổng thể xuyên suốt các thời kỳ phát triển của mỹ thuật, và cuộc sống của giới tri thức trong thế kỷ thứ 20 tại Việt Nam.
“Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng” dựa vào ý tưởng tạo ra một bối cảnh mơ mộng giả định về chốn Cung đình Việt Nam thế kỷ thứ 17, đưa người xem qua các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tái diễn, họa sĩ Nguyễn Quang Trung (2022)
Vân Vi cũng là giám tuyển cho nhiều bộ tranh lụa và sơn mài. Thời gian gần đây, các triển lãm do Vân Vi giám tuyển có xu hướng tiếp diễn, mở về mặt chủ đề, và song hành với họa sĩ đương đại. Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được viết ra để đồng hành cùng với người yêu nghệ thuật trong sự tự do, cởi mở khám phá lịch sử sơn mài Việt Nam, và các môn phái sơn mài đang hoạt động trong dòng chảy nghệ thuật nước nhà.
Vân Vi cho rằng các giám tuyển đứng ra giới thiệu nghệ sĩ là xu hướng tất yếu mà thế giới nghệ thuật đang vận hành. Việc trưng bày triển lãm dành cho công chúng với các tiêu chí rõ ràng được đưa ra từ giám tuyển là một phần quan trọng, quyết định chất lượng của các cuộc triển lãm.
Các triển lãm do Vân Vi giám tuyển có thể kể đến: Năm 2024: “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua”; triển lãm tranh phong cảnh “Phía xa là đường chân trời”; triển lãm tranh lụa họa sĩ Nguyễn Văn Trinh – The Muse Artspace.
Vùng sống, họa sĩ Nguyễn Văn Trinh
Năm 2023: Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”; Triển lãm “Phụ nữ đọc sách”; triển lãm cá nhân họa sĩ Võ Lương Nhi; triển lãm cá nhân họa sĩ Nguyễn Đình Sơn; Chương trình Kiến tạo di sản nghệ thuật “Điều gì tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật”.
Năm 2022: Triển lãm tranh sơn mài “Trong vườn” - họa sĩ Vũ Văn Tịch; triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng; triển lãm nhóm “Vẫn Tết chứ”; triển lãm “Tạ Duy và nghệ thuật bỏ trống”; triển lãm “Vẽ gì cũng là tự họa”, họa sĩ Trinh Lữ.
Năm 2021: triển lãm “Retro”; “Nàng thơ trong tranh”; triển lãm cá nhân “Vùng sống”- họa sĩ Nguyễn Văn Trinh.
Năm 2020: Triển lãm nhóm “Xem Voi” – CLB Mỹ thuật trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2019: triển lãm “ADN triển lãm tranh liên hoàn”- CLB Mỹ thuật trẻ, Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Năm 2016: triển lãm nhóm dành cho trẻ tự kỷ; triển lãm nhóm dành cho các họa sĩ không chuyên.
PHƯƠNG NGÂN