Ngôn ngữ múa dân gian Việt Nam:

Cần giữ được “chất mộc” vốn có

THÙY TRANG

VHO - Tại tọa đàm “Khai thác đề tài và ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc trong các tác phẩm múa hiện nay” do Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Múa mở rộng TP.HCM lần thứ VIII năm 2024 mới đây, các chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật múa đã bày tỏ băn khoăn, trăn trở trước thực trạng đề tài và ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc hiện nay...

Cần giữ được “chất mộc” vốn có - ảnh 1
Tác phẩm múa dân gian dân tộc “Phận ngọc” (biên đạo: Hà Thanh Hậu; âm nhạc: Bùi Trường Giang), đoạt giải A tác phẩm và giải A diễn viên tại Liên hoan nghệ thuật Múa mở rộng TP.HCM 2024

 Đối diện với những thách thức và cơ hội mới

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều nhận định: Hầu hết các biên đạo đã và đang khai thác tương đối hiệu quả ngôn ngữ múa dân gian trong các tác phẩm của mình, tuy nhiên vẫn còn đó không ít trăn trở. Ông dẫn chứng: Người Việt ở đồng bằng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, vì thế, phong cách sống đã tạo nên những đặc điểm múa dân gian là nhẹ nhàng, uyển chuyển, chậm rãi. Trong khi ở các tỉnh miền núi thì mang tính mạnh mẽ hơn do cuộc sống gắn với thiên nhiên hoang dã, săn bắt thú rừng… Khi khai thác dàn dựng, có những biên đạo đã quên đặc điểm này nên có những tác phẩm, động tác múa của người đồng bằng nhưng lại “mãnh liệt” như người vùng miền núi, khiến khán giả “khó chịu”.

“Một số chương trình biểu diễn nghệ thuật, không riêng múa mà kể cả âm nhạc, mỹ thuật… khi nói về đề tài dân gian, tín ngưỡng, các tác giả đã lạm dụng thủ pháp ngôn ngữ của nước ngoài, với mong muốn tạo nên sự bắt mắt, thích thú cho khán giả mà quên đi yếu tố hồn cốt dân tộc. Nhiều tác phẩm nặng về hình thức, nhưng thiếu chiều sâu ý nghĩa”, ông Hiều bày tỏ.

TS.NSND Hà Thế Dũng trăn trở: “Ta luôn gặp hình tượng người lính, người mẹ trong đề tài chiến tranh cách mạng, hay những nét khắc họa từ tâm linh đến sắc tộc của vùng cao, trung du đến đồng bằng sông nước... Không ít tác phẩm gây xúc động cho khán giả bởi tính chân thực, dung dị, tạo nên không gian nghệ thuật múa đậm đà bản sắc, trữ tình và quyến rũ; nhưng đôi lúc do tác giả tô quá đậm màu “hiện đại” thành ra “sỗ sàng”, xa lạ về cách hành xử, động tác, tạo hình, từ đó tâm hồn, tính cách, bản sắc, cốt cách tộc người trở nên mờ nhạt, khó phân biệt”.

NSƯT Lương Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM cho rằng, đội ngũ biên đạo đã và đang đưa chất liệu đương đại vào tác phẩm dân gian quá nhiều. “Việc lạm dụng này diễn ra ở mức báo động, rất cần phải tiết chế lại. Ghi nhận qua các kỳ liên hoan, hội diễn gần đây cho thấy, yếu tố dân gian dân tộc ngày càng mai một. Có những tác phẩm dân gian dân tộc nhưng lại đưa vào nhiều tín ngưỡng, thần thánh hóa, làm mất đi chất mộc vốn có…”, ông Thành lo lắng.

Theo TS Phạm Ngọc Hiền, Trưởng ban Lý luận và Phê bình Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM: “Trong dòng chảy không ngừng của thời đại, múa dân gian, dân tộc đang đối diện với những thách thức và cơ hội mới. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là quan trọng, nhưng để múa dân gian, dân tộc tiếp tục phát triển và có sức sống mãnh liệt trong đời sống hiện đại, sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu”.

Bản sắc dân tộc phải là cốt lõi của sáng tạo

Biên đạo trẻ Hà Thanh Hậu (giải A tại Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng năm 2024) chia sẻ: Ngày nay khán giả có nhiều sự lựa chọn trong các hình thức giải trí, vì thế, nghệ thuật muốn tồn tại, bản thân nó phải mới mẻ, hấp dẫn và lôi cuốn. Việc kết hợp múa dân gian dân tộc với múa đương đại cần hết sức khéo léo và nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không sẽ gây tác dụng ngược, đánh mất bản sắc của điệu múa gốc và tạo ra những hiểu lầm về văn hóa.

“Người biên đạo trước hết phải tìm hiểu cặn kẽ về bản sắc văn hóa của điệu múa dân gian mình sẽ khai thác, dựa trên bối cảnh nào để sáng tác và phải biết kết hợp khéo léo để điệu múa vẫn phải giữ được hồn cốt vốn có. Cần lưu ý nghệ thuật múa dân gian dân tộc vẫn là cốt lõi trong tác phẩm, những chuyển động và hơi thở đương đại kết hợp vào chỉ là thủ pháp dàn dựng chứ không phải là yếu tố chi phối trung tâm”, biên đạo trẻ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Hà Thanh Hậu, phần âm nhạc sử dụng trong tác phẩm múa dân gian đương đại cũng đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng dùng nhạc dân tộc này múa động tác của dân tộc khác, gây sự nhầm lẫn nghiêm trọng về văn hóa. Do vậy, cần có sự nghiên cứu thấu đáo về giai điệu đặc trưng, tiết tấu và màu sắc của từng tộc người, để khi kết hợp với phần hòa âm phối khí mới vẫn giữ được bản sắc và tôn vinh âm nhạc truyền thống.

Biên đạo Phan Gia Sươn, Trưởng nhóm Vũ đoàn Viva cho hay: Những năm gần đây, ngày càng nhiều cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc chọn đề tài về dân gian dân tộc, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu quý hơn về nguồn cội. Ngoài ra, các đề tài này thường mang đến cho biên đạo, diễn viên cơ hội sáng tạo, thể hiện tài năng và cá tính riêng, từ đó tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc khai thác múa dân gian dân tộc cũng gặp không ít hạn chế như thiếu nguồn lực đầu tư, cạnh tranh từ nghệ thuật hiện đại, nhiều điệu múa dân gian bị lãng quên hoặc biến đổi do sự tiếp xúc văn hóa và xu hướng toàn cầu…

NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM cho rằng, theo xu hướng thời đại, không thể giữ nguyên chất dân gian dân tộc thuần túy, mà cần kết hợp dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, cho dù kết hợp như thế nào thì điều quan trọng nhất là bản sắc dân tộc vẫn phải là cốt lõi của sáng tạo trong ngôn ngữ múa. “Người biên đạo phải hiểu bản sắc dân tộc là gì, đương đại là như thế nào, để có thể áp dụng đưa vào tác phẩm một cách tốt nhất. Biên đạo chính là người giữ bản sắc văn hóa dân tộc và đưa ra thế giới, vì thế mong rằng các biên đạo sẽ phát huy yếu tố này, để tác phẩm dân gian dân tộc ngày càng lan tỏa”, NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm mong muốn.