Cải lương Tây Nam Bộ trong nỗ lực trẻ hóa đội hình
VHO - Tây Nam Bộ được xem là chiếc nôi của nghệ thuật Cải lương, vấn đề gây dựng một đội ngũ làm nghề trẻ là lực lượng kế thừa luôn được quan tâm đặc biệt. Qua hơn nửa chặng đường của Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021, cục diện cho thấy vẫn còn không ít nỗi lo.
Vở diễn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 của đội "chủ nhà" Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An
Theo Ban Tổ chức, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 có lẽ là kỳ liên hoan có số lượng các đơn vị cải lương miền Tây tham gia ít nhất từ trước đến nay. Sau Liên hoan 2018, một số đơn vị đã sáp nhập với Trung tâm văn hoá hoặc giải tán khiến Liên hoan năm nay thiếu vắng một số “đội mạnh” như Đoàn Cải lương Kiên Giang, Đoàn Văn công Đồng Tháp, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang…
Lực lượng trẻ thiếu và “non” là điều dễ dàng nhận diện ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật Cải lương khu vực Tây Nam Bộ. Người trẻ ở các đơn vị nghệ thuật đã ít, người trẻ đủ sức gồng gánh những vị trí trụ cột của vở diễn lại càng ít hơn. Chẳng hạn, Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) mang đến Liên hoan đội hình mạnh, nhưng vai chính đều do những nghệ sĩ đã nổi tiếng hơn 10 năm trước: NSƯT Lịch Sử, NSƯT Hoa Phượng, NS Phi Hải… đảm nhận. Gương mặt mới nổi thời gian gần đây và cũng vừa đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 Huỳnh Tiểu Nhi vẫn mới được giao vai nhỏ trong vở. Tương tự, ở Đoàn Cải lương Bến Tre, ngoại trừ cô đào Xuân Chúc, đơn vị này vắng hẳn những gương mặt trẻ trong các vị trí trụ cột của vở diễn, đặc biệt các nghệ sĩ nam.
Đoàn Cải lương Bến Tre thiếu vắng lực lượng trẻ đặc biệt ở vị trí các vai kép
Tính đến ngày 14.11, hai trong số 4 vở diễn dự thi của Bạc Liêu cũng đã thi diễn là Làm vua và Dòng sông đỏ. Làm Vua của Nhà hát Cao Văn Lầu giới thiệu ê kíp trẻ Hồng Nhiên, Lâm Minh Nghiêm, Hoàng Dững… Hai diễn viên chính của Dòng sông đỏ (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu) là Hoàng Thái Hùng và Diễm Mi. Trong đó Hoàng Thái Hùng vốn là tên tuổi quen thuộc từ khi còn ở Đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau cách đây khoảng 10 năm trước. Vở Thái sư Trần Thủ Độ (Nhà hát Cao Văn Lầu) cũng với ê kíp chính gồm các diễn viên quen thuộc của Nhà hát là NSƯT Ngọc Đợi, Vĩnh Sơn, Nguyễn Anh Chàng…
Hồng Giang - cô đào mới của Đoàn Cải lương Tây Đô
Với nỗ lực trẻ hóa, Đoàn Cải lương Tây Đô cũng giới thiệu cô đào mới là Hồng Giang bên cạnh anh kép Phương Anh với sự tiếp sức của những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm như NSƯT Hoàng Khanh, Hồng Thủy… Lần đầu làm đào chánh, Hồng Giang cũng đã làm tròn vai và thể hiện nhiều nỗ lực hơn so với những gì cô thể hiện ở Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 vừa diễn ra vào tháng 10.
Trong sự tương quan lực lượng đó thì Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An là một điểm nhấn khá đặc biệt. Năm nay, đơn vị này “tung” toàn bộ diễn viên trẻ đảm nhận các vai chính trong vở Bên dòng Long Khốt. Đặc biệt là bộ 3 Thu Mỹ, Võ Hoàng Dư và Nam Thanh Phong - những diễn viên thuộc thế hệ 9X. Rất nhiều lớp diễn bộ ba phải thay nhau dẫn dắt mạch vở diễn và tự mình làm chủ sân khấu mà không có sự hỗ trợ của lớp nghệ sĩ đi trước. Dù đôi chỗ vẫn cho thấy các nghệ sĩ 9X còn rất nhiều áp lực trong lần đầu “xuất trận” ở một cuộc thi lớn và phải “đối đầu” với cả những bậc “trượng lão” của sân khấu cải lương cả nước, nhưng bộ ba Thu Mỹ, Võ Hoàng Dư, Nam Thanh Phong cũng đã để lại nhiều dấu ấn đẹp cho khán giả cả về giọng ca, khả năng hoá thân thành nhân vật lẫn tình yêu và lửa nghề của họ đối với nghệ thuật Cải lương.
Thu Mỹ, Võ Hoàng Dư - hai diễn viên trẻ của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An
Được biết, để có thể đảm đương những vị trí quan trọng trong vở diễn dự Liên hoan, ê kíp trẻ đã được trui rèn qua nhiều chương trình biểu diễn và các cuộc thi khác như Cuộc thi tài năng trẻ, Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND… Tuy nhiên để trao cho những nghệ sĩ thế hệ 9X cơ hội đảm đương vai trò lĩnh xướng cho một tác phẩm dự liên hoan chuyên nghiệp, mang tầm quốc gia lại là quyết định khá táo bạo của lãnh đạo đơn vị. Long An may mắn có được một lứa nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, rất yêu nghề và luôn chịu khó nỗ lực học hỏi. Để lứa diễn viên trẻ này thực sự vững vàng và bản lĩnh hơn trong nghề nghiệp thì cơ hội được cọ xát từ các Liên hoan là một trong những yếu tố rất quan trọng. “Nếu cứ vì sợ các em còn non nghề mà không mạnh dạn trao cơ hội thì không biết khi nào các em mới có thể trưởng thành và cứng cáp. Từ suy nghĩ đó, lãnh đạo đơn vị đã mạnh dạn đặt niềm tin vào các em và các nghệ sĩ trẻ đã không phụ lòng tin” - đại diện Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An chia sẻ.
Có thể thấy dù cải lương thời hoàng kim hay lúc khó khăn thì vấn đề trẻ hoá và đội ngũ kế thừa luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng cho đến nay thì đây vẫn là bài toán khó của nhiều đơn vị nghệ thuật Cải lương.
THÙY TRANG