Các tác phẩm điện ảnh đã vẽ nên hình tượng trung thực, đóng góp cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh
VHO - Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu điện ảnh tại Hội thảo khoa học “Phim truyện Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam sau năm 1975: Sự chuyển hướng hình tượng tác phẩm thông qua quá trình cải biến nhân vật”, do Viện Phim Việt Nam tổ chức sáng 23.4, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.
Những góc nhìn phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam rất đa dạng
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan phim truyện về đề tài chiến tranh Việt Nam của Điện ảnh Mỹ sau năm 1975; đánh giá sự chuyển hướng hình tượng tác phẩm thông qua quá trình cải biến nhân vật trong phim truyện Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam sau năm 1975. Bên cạnh đó, nhằm nhận định, đánh giá vai trò, ý nghĩa và những đóng góp của phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, hàn gắn quan hệ Việt Nam - Mỹ…
“Hy vọng rằng, từ cơ hội gặp gỡ, cùng chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ điện ảnh tại Hội thảo, sẽ góp phần làm rõ hơn những vấn đề nghiên cứu về nhân vật trong tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam; nhìn nhận khách quan hơn về đóng góp của điện ảnh trong việc hàn gắn viết thương chiến tranh, đẩy mạnh mối quan hệ hòa bình, hợp tác cùng phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam – Mỹ. Đồng thời, Hội thảo cũng mong muốn góp thêm một tiếng nói tham gia bổ sung giải pháp phát triển, tạo động lực cho các nghệ sĩ điện ảnh nước nhà sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh Việt Nam có giá trị nghệ thuật hơn”, bà Thúy Hà nhấn mạnh.
Theo BTC, Hội thảo là hoạt động thuộc khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ giai đoạn 2023-2024: “Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975” do TS Ngô Đặng Trà My, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam làm chủ nhiệm.
TS Hoàng Như Yến, nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam nhận định, bên cạnh dòng phim truyện đề tài chiến tranh do Việt Nam sản xuất, tồn tại một dòng phim khác thể hiện góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ và nước ngoài về cuộc chiến tranh Việt Nam. Những góc nhìn phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam rất đa dạng và thay đổi theo từng thời kỳ tùy và bối cảnh lịch sử.
Có những góc nhìn mang màu sắc chính trị đối lập, thậm chí làm sai lệch lịch sử, tuyên truyền xuyên tạc, tâm lý chiến,... nhưng cũng có những bộ phim phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh: Sự tàn phá con người cả về thể xác lẫn tinh thần, những sự tổn thương, sự tàn phá mà cuộc chiến đã gây ra; cũng có những bộ phim ca ngợi người hùng nước Mỹ, tô hồng cuộc chiến xuất hiện vào thập niên 1980.
Chuyên gia cho rằng, dòng phim đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam cũng như điện ảnh Mỹ, bằng những cách thức khác nhau, đều có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau để có mối quan hệ bang giao Việt Nam – Mỹ như ngày hôm nay. Hàng loạt bộ phim đề tài chiến tranh về cuộc xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, theo chiều dài cuộc chiến, đã lần lượt ra đời tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, theo những điều kiện và mục đích khác nhau.
Theo nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, hàng loạt bộ phim lấy chủ đề chiến tranh Việt Nam cho thấy cuộc chiến này để lại một vết sẹo lớn và vẫn tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền chính trị và văn hóa đại chúng của Mỹ nhiều thập niên qua…
“Những bộ phim xuất sắc về đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Mỹ rõ ràng đóng góp một vai trò lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu từ việc nhận diện cuộc chiến ấy một cách chi tiết và cụ thể nhất thông qua những trải nghiệm cá nhân cho đến khi tìm ra được căn nguyên của nó và cuối cùng là tìm cách chữa lành nó”, Lê Hồng Lâm nhận định.
Giáo dục lịch sử và hàn gắn vết thương chiến tranh đã trở nên cực kỳ quan trọng
Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh Mỹ, mang điểm chung là phản ánh tương đối trung thực các sự kiện diễn ra tại chiến trường cũng như tại quê nhà của các nhân vật trong phim, nổi bật xuyên suốt là dù tham gia chiến đấu, các nhân vật và quân đội Mỹ nói chung đều mơ hồ về mục đích của cuộc chiến; họ bế tắc trong hành động buộc phải đương đầu với một cuộc chiến quá khó khăn, ác liệt, không có chính nghĩa. Bằng cách đó, các tác phẩm điện ảnh của Mỹ, hoặc vô tình hoặc cố ý, đã gieo rắc trong nhận thức cũng như tâm lý người Mỹ tâm thức chán ghét chiến tranh.
Trong lúc đó, các tác phẩm đề tài chiến tranh của Việt Nam lại phản ánh quân dân đoàn kết một lòng, hừng hực khí thế xông lên, quyết tiêu trừ giặc xâm lược. Hành động của các nhân vật cá thể cũng như tập thể trong phim Việt Nam đề tài chiến tranh chói ngời truyền thống ngàn đời chống giặc ngoại xâm. Điều đó không chỉ khích lệ, cổ vũ người Việt Nam một lòng thẳng tiến, quyết giành độc lập tự do; mà còn làm cho người Mỹ dần dần hiểu rõ khí thế không thể đảo ngược ý chí của dân tộc Việt cùng truyền thống, lich sử truyền kiếp của dân tộc Việt. Trong thực tế lịch sử, nhiều tổng thống Mỹ cùng những nhân vật nổi tiếng của đất nước Mỹ như các bộ trưởng McNamara, Henry Kissinger,… về sau, đều nói những lời ân hận khó quên.
“Cả hai dòng phim từ Việt Nam cũng như từ Mỹ về chủ đề cuộc chiến xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, bằng những cách thức khác nhau, đều có tác động tích cực đến mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam, dẫn đến mối bang giao giữa hai nước cựu thù trong suốt ba mươi mốt năm ròng…
Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Việt - Mỹ đã được thiết lập và ngày nay đã được nâng cấp quan hệ cao nhất, là một quá trình dài nhiều năm tháng, với nhiều cố gắng thông hiểu của cả hai bên. Trong đó, các tác phẩm điện ảnh của hai bên đã phản ánh, vẽ nên những hình tượng trung thực, góp phần thúc đẩy hai nước hiểu nhau, để có mối quan hệ như ngày hôm nay”, PGS.TS Trần Luân Kim phân tích.
Dưới góc độ giảng viên, TS Vũ Thị Phương, Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hòa bình và hội nhập quốc tế ngày nay, việc giáo dục lịch sử và hàn gắn vết thương chiến tranh đã trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z - những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.
“Phim truyện chiến tranh, với khả năng mô tả sống động những trải nghiệm và diễn biến lịch sử, đã thành công trong việc thu hút và gây dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả Gen Z, khơi gợi sự tò mò và khám phá về quá khứ. Đặc biệt, thế hệ này đánh giá cao những tác phẩm thể hiện một cách chân thực, đa chiều và không né tránh những khía cạnh đau thương của chiến tranh, từ đó, nâng cao nhận thức và sự đồng cảm về những hậu quả lâu dài mà chiến tranh để lại”, TS Phương nói.