Giải thưởng Sân khấu 2024:

Bước chuyển mình trong tư duy và sáng tạo

THÚY HIỀN

VHO - Trong không khí trang trọng và tràn đầy hứng khởi, NSƯT Thành Lộc tỏa sáng khi được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2024. Đáng chú ý, Nhà hát Kịch Quân đội để lại dấu ấn mạnh mẽ khi giành giải A với vở diễn Điện Biên vẫy gọi. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ xuất sắc đến từ nhiều loại hình sân khấu khác nhau đã được tôn vinh, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sân khấu đương đại…

 Giải thưởng Sân khấu 2024 không chỉ là dấu mốc của sự thay đổi nhận thức trong các đơn vị, nhà hát về việc chú trọng đầu tư cho từng tác phẩm, mà còn là minh chứng cho sự đổi mới về cách tiếp cận và đánh giá của Hội đồng nghệ thuật.

Sự thay đổi này đã đưa đến một cái nhìn mới mẻ về giá trị và vai trò của sân khấu trong xã hội, đồng thời khẳng định cam kết không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của công chúng.

 Bước chuyển mình trong tư duy và sáng tạo - ảnh 1
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc và Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương trao giải Đội ngũ sáng tạo xuất sắc. Ảnh: K.NAM

Thay đổi nhận thức từ người thẩm định

Trong bối cảnh nghệ thuật đang bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0, sự thay đổi trong nhận thức của những người đứng đầu các đơn vị đã mở ra một chương mới cho sân khấu Việt Nam.

Tại Lễ trao Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2024 và công bố kế hoạch năm 2025 tổ chức vừa qua tại Hà Nội, TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã nhấn mạnh sự đổi mới này thông qua các tác phẩm được lựa chọn từ 5 cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp: Liên hoan các tác phẩm sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng; Liên hoan kịch nói toàn quốc; Liên hoan cải lương toàn quốc; Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng và Liên hoan sân khấu kịch TP.HCM lần thứ nhất.

Sự tham gia của 94 đơn vị nghệ thuật với 109 vở diễn không chỉ phản ánh tinh thần trách nhiệm, khát khao sáng tạo và mong muốn cống hiến của giới nghề mà còn thể hiện cam kết vượt qua các thách thức để đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với khán giả.

Theo TS Nguyễn Đăng Chương, sự thay đổi trong nhận thức từ cấp lãnh đạo đã cho phép loại bỏ các vở diễn mang tính chất giải trí đơn thuần, những câu chuyện tình tay ba, ma mị kinh dị và cảnh nóng gây sốc, thay vào đó là những tác phẩm kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề… chứa đựng thông điệp về chân - thiện - mỹ. Các câu chuyện về lịch sử, danh nhân, dân gian giờ đây được ưu tiên, nhằm chuyển tải những giá trị nhân văn sâu sắc tới người xem.

Qua đó có thể thấy, sự đổi mới từ hội đồng thẩm định và lãnh đạo các đơn vị, nhà hát đã không chỉ nâng cao chất lượng tác phẩm mà còn đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của ngành sân khấu, đặt chất lượng nghệ thuật và khán giả lên hàng đầu.

 Bước chuyển mình trong tư duy và sáng tạo - ảnh 2
Vở kịch “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội được trao Giải A hạng mục Vở diễn sân khấu của năm 2024

Tìm tòi, sáng tạo và thay đổi diện mạo mới

Trong năm 2024, sân khấu Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, từ phương pháp sáng tạo đến việc công nhận, vinh danh nghệ sĩ. Lễ trao giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh những cá nhân xuất sắc mà còn là cơ hội để đánh giá lại sự phát triển của ngành.

Năm nay, giải Tác giả xuất sắc nhất đã được trao cho PGS Tất Thắng; NSƯT Thành Lộc nhận danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất; NSƯT Đào Tuấn Hải được vinh danh Nhạc sĩ xuất sắc nhất và NSND Nguyễn Đạt Tăng nhận giải Họa sĩ xuất sắc nhất. Trong hạng mục Vở diễn sân khấu của năm, giải A đã được trao cho vở Điện Biên vẫy gọi của Nhà hát Kịch Quân đội; cùng với đó là ba giải B và bốn giải C cho các vở diễn đặc sắc khác.

Hội đồng nghệ thuật ghi nhận một bước tiến đáng kể của ngành sân khấu trong năm qua, khi khoảng cách về chất lượng giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập được thu hẹp rõ rệt.

Đây không chỉ là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của các đơn vị ngoài công lập trong việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, mà còn thể hiện khả năng linh hoạt của họ khi nắm bắt và đáp ứng thị hiếu khán giả. Nhờ đó, họ đã thành công trong việc mở ra những hướng đi mới, dung hòa giữa yếu tố nghệ thuật và nhu cầu giải trí, mang đến cho công chúng những trải nghiệm trọn vẹn hơn.

 Bước chuyển mình trong tư duy và sáng tạo - ảnh 3
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi trao giải A hạng mục Vở diễn sân khấu của năm cho Nhà hát Kịch nói Quân đội. Ảnh: K.NAM

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tại TP.HCM, có đến 30 vở diễn từ các sân khấu xã hội hóa được duy trì thường xuyên để phục vụ khán giả đón xuân. Con số này không chỉ đơn thuần là một thống kê, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, gợi lên nhiều trăn trở đối với những người làm nghệ thuật. Làm thế nào để sân khấu thoát khỏi sự trì trệ, tìm được hướng đi bền vững trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển? Đây chính là câu hỏi cần được đặt ra và tìm lời giải đáp.

Chia sẻ với báo chí khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, NSƯT Thành Lộc bày tỏ: “Nhận giải thưởng này, tôi thấy vô cùng phấn chấn vì công việc nghệ thuật của mình được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam theo dõi sát sao. Điều này không chỉ là sự an ủi, khích lệ mà còn giúp tôi hiểu rằng mình đã và đang đi đúng hướng, từ đó càng ý thức hơn trách nhiệm đối với sự nghiệp nghệ thuật”.

Được vinh danh với giải Diễn viên cải lương xuất sắc nhờ màn trình diễn ấn tượng trong vai đô đốc Bùi Thị Xuân (vở cải lương Nữ tướng Tây Sơn của Sân khấu Sen Việt, TP.HCM), nghệ sĩ Bình Tinh không giấu được xúc động: “Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi vai diễn của mình được ghi nhận và đánh giá cao. Những cố gắng, nỗ lực của tôi trong lĩnh vực sân khấu cải lương đã được đền đáp xứng đáng. Điều này khiến tôi càng thêm hứng khởi và trách nhiệm hơn với con đường mà mình đã lựa chọn”.

Quy tụ ê kíp sáng tạo “đình đám” như: PGS Tất Thắng (tác giả kịch bản), NSND Lê Hùng (đạo diễn)... đồng thời huy động toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên vào cuộc, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã thắng lớn với vở Điện Biên vẫy gọi, đoạt giải A hạng mục Vở diễn sân khấu của năm. Đây là công trình nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, Điện Biên vẫy gọi còn chuyển tải một góc nhìn riêng về Điện Biên, với những cảm xúc đẹp về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

Sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, cùng sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ các địa phương và đơn vị nghệ thuật, đã tạo nên một năm 2024 đầy ắp thành công cho sân khấu Việt Nam.

Đội ngũ thẩm định, với sự công tâm và chuẩn mực, cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm, mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng đương đại. Mỗi thành công không chỉ là niềm tự hào của ngành mà còn là nguồn cảm hứng để các đơn vị tiếp tục đầu tư và phát triển, hứa hẹn mang lại nhiều tác phẩm giá trị trong tương lai.