Sotheby’s bị tố bán tranh giả của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ: Coi thường Mỹ thuật Việt
VHO- Giới nghề mỹ thuật thêm một lần bức xúc trước thông tin bức tranh giả Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chuẩn bị được nhà đấu giá Sotheby’s đưa lên sàn vào ngày 10.10 tới đây.
Tác phẩm “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1958) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Ngay lập tức, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là họa sĩ Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã lên tiếng khẳng định đây là “tranh rởm” khi được hỏi về việc này.
Vấn nạn đã kéo dài suốt nhiều năm
Theo Giám tuyển Ace Le, ngày 10.10.2021, Sotheby’s Hongkong lại mở phiên ngày bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bình phong Nhà tranh gốc mít (90x118.5cm, 1957) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Trong phần ghi chú, nhà đấu giá đề “Bức này tương đương với bức “Nhà tranh gốc mít” (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội...”, với giá dự toán là 90.000-130.000 USD.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11, ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm sơn mài: Nhà tranh gốc mít (67x105cm, 1958), Du kích Bắc Sơn (86x121cm, 1958), Bắc Nam một nhà (86x56cm, 1961).
Sau khi có thông tin về bức Nhà tranh gốc mít sẽ được đưa lên sàn đấu giá, họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã khẳng định, bình phong tại Sotheby’s là giả. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng xác nhận, bức sơn mài Nhà tranh gốc mít tại Bảo tàng đã được triển lãm năm 1960 và sau đó với tác phẩm này, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Trả lời báo chí, họa sĩ Nguyễn Bình Minh bức xúc, bức tranh được Sotheby’s đăng là bình phong chép lại tác phẩm sơn mài bản gốc Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ hiện đang trưng bày trên hệ thống thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bà Bình Minh cho rằng, việc chép lại tác phẩm rồi lấy tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ gắn vào là không được phép. Gia đình mong muốn Nhà đấu giá gỡ tác phẩm hoặc không đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
Nhà báo Hoàng Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật viết trên Facebook cá nhân: “Sotheby’s danh tiếng sao lại để bức tranh như thế này lọt vào trong phiên? Đây là sự coi thường với Mỹ thuật Việt Nam, với người yêu nghệ thuật và với những nhà sưu tầm đến từ Việt Nam... Vì bức tranh này có liên quan đến những tác phẩm chân bản, hiện thuộc sưu tập trong nước nên chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ để họ gỡ tranh xuống, như trường hợp tác phẩm Bức thư của Tô Ngọc Vân và Hai cô gái trước bình phong của Trần Văn Cẩn cũng đấu giá tại chính Sotheby’s vào tháng 9.2019”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thở dài: “Nhìn qua đã biết là giả! Không còn gì để nói!”. Gương mặt gạo cội của mỹ thuật Việt, họa sĩ Thành Chương cũng cảm thán: “Sợ thật!”.
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật bày tỏ sự bất bình sâu sắc khi câu chuyện tranh giả, tranh nhái đã kéo dài suốt nhiều năm nhưng cho đến bây giờ vẫn là “vấn nạn” chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Với Nhà tranh gốc mít, các nhà phê bình chỉ rõ sự khác biệt giữa bản gốc và bản nhái: Tranh thật mang vẻ đẹp đằm thắm, sâu sắc và có đường nét sắc sảo, trong khi tác phẩm do Sotheby’s rao bán khá mới, màu sắc rực rỡ, cách làm sơn mài vụng về. Phần ghi chú “Bức này tương đương với bức Nhà tranh gốc mít (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội...” của Nhà đấu giá được các chuyên gia phê bình mỹ thuật cho là một cách “lập lờ đánh lận con đen”. Giám tuyển Ace Le viết: Thật sự xem vài trăm cuốn catalogue đấu giá rồi mà giờ mới thấy khái niệm “comparable to”...
Bình phong sơn mài “Nhà tranh gốc mít” (1957) của Sotheby’s
Chuyện biết rồi, nói mãi
Phát biểu với truyền thông, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, trong trường hợp này, gia đình có thể viết thư phản hồi, cung cấp bằng chứng xác thực cho Sotheby’s. Nhà đấu giá cần phải gỡ tác phẩm để bảo vệ danh tiếng. Tuy nhiên, trao đổi với Văn Hóa, họa sĩ Nguyễn Bình Minh cho biết, gia đình không có ý định liên hệ với phía Nhà đấu giá Sotheby’s, chỉ muốn thông tin sự việc để công chúng biết.
Chuyện tranh giả, tranh nhái của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam đưa lên sàn đấu giá kéo dài nhiều năm khiến giới nghề bức xúc nhưng rốt cuộc vẫn như... bắt cóc bỏ đĩa. Nhớ lại cách đây 2 năm, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã buộc phải rút Bức thư của Tô Ngọc Vân và Hai cô gái trước bình phong của Trần Văn Cẩn khỏi danh mục các phiên đấu giá tại Hong Kong. Đây cũng là hai tác phẩm mà bản gốc đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và đây cũng là lần đầu tiên ghi dấu tiền lệ đáng mừng khi Sotheby’s đã lắng nghe ý kiến từ phía Việt Nam.
Với Nhà tranh gốc mít, hiện Nhà đấu giá chưa có phản hồi. Tuy nhiên, với giới nghề, để chấm dứt vấn nạn tranh giả, tranh chép thì không thể chỉ dừng ở lên án. Bình luận trên Facebook, họa sĩ Nguyễn Linh bức xúc: “Không thể lờ những chuyện như thế này và nên tẩy chay ngay...”. Nhiều họa sĩ lên tiếng cho rằng, họa sĩ Nguyễn Bình Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam cần có văn bản chính thức gửi đến Nhà đấu giá. Cứ chung chung thì sẽ không bao giờ giải quyết được triệt để.
Chuyện đưa lên sàn đấu giá những bức tranh giả của các họa sĩ Việt Nam tại Sotheby’s Hongkong đã nhiều đến mức không thể thống kê, điều đó khiến giới mỹ thuật Việt Nam bất bình và ngán ngẩm, bởi không chỉ Nhà tranh gốc mít, Bức thư hay Hai cô gái trước bình phong mà hàng loạt những nghi vấn đấu giá tranh giả của các danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Lê Phổ... thời gian qua cũng bị phanh phui, chỉ mặt đặt tên. Điều đáng nói là, vấn nạn này không chỉ diễn ra trên sàn của Sotheby’s mà còn tại nhiều sàn đấu giá khác. Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, nếu không quyết tâm bài trừ tranh giả thì thị trường khó lòng “lớn lên nổi”.
Sotheby’s danh tiếng sao lại để bức tranh như thế này lọt vào trong phiên? Đây là sự coi thường với nền Mỹ thuật Việt Nam, với người yêu nghệ thuật và với những nhà sưu tầm đến từ Việt Nam... Vì bức tranh này có liên quan đến những tác phẩm chân bản, hiện thuộc sưu tập trong nước nên chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ để họ gỡ tranh xuống, như trường hợp tác phẩm “Bức thư” của Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái trước bình phong” của Trần Văn Cẩn cũng đấu giá tại chính Sotheby’s vào tháng 9.2019. (Nhà báo HOÀNG ANH, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật) |
BẢO ANH