Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách

NHƯ ĐỒNG; trình bày: MẠNH LÊ
Chia sẻ

VHO - Thời gian gần đây, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở thành điểm đến du lịch ưa thích của du khách trong và ngoài tỉnh. Hình ảnh biển xanh, thơ mộng với những điểm trải nghiệm hấp dẫn, người dân thân thiện, giàu lòng mến khách, hệ thống dịch vụ dần hướng đến chuyên nghiệp, tất cả đang làm nên thương hiệu của du lịch nơi đây.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 1

Có dịp theo chân các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đến tham quan những di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Sơn, mới thấy được cảnh đẹp làm say đắm lòng người, sự mến khách để lại vấn vương cho du khách.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 2

Nhạc sỹ Nguyễn Hòa, Hội viên Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam một người con của quê hương Bình Sơn xa quê có dịp đi trong đoàn chia sẻ, đến với thắng cảnh Gành Yến ở xã Bình Hải hiện ra trước mắt tôi là khung cảnh thơ mộng, thoáng mát khiến mọi người cùng đi cảm thấy thích thú, lạ lẫm.

“Từng đợt gió thổi lồng lộng, xua đi bao mệt nhọc. Sóng ở Gành Yến vỗ nhẹ. Vài chiếc thúng của ngư dân đánh bắt hải sản neo gần bờ trôi lững lờ trên mặt nước. Thúng nơi đây phủ màu xanh bắt mắt khiến khung cảnh càng thêm hữu tình. Phía xa, từng lớp đá xếp chồng lên nhau, ngay ngắn, vuông vức tựa như có bàn tay thần kỳ sắp đặt”, nhạc sỹ Nguyễn Hòa bày tỏ.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 3

Theo nhạc sỹ Nguyễn Hòa, âm nhạc đã trở thành công cụ mạnh mẽ để quảng bá du lịch. Bằng tình yêu, niềm tự hào dành cho quê hương, qua những chuyến đi thực tế có ý nghĩa lớn đối với người viết. Vì ở đó, có thể khai thác được tư liệu địa phương mới khơi nguồn cảm hứng, kích thích sự sáng tạo.

Với ca khúc “Bình Sơn trọn vẹn nghĩa tình” thể loại dân ca bài chòi của nhạc sỹ Nguyễn Hòa đã phần nào giới thiệu những cảnh đẹp, con người của Bình Sơn qua lời ca, tiếng hát.

Phó Giáo sư - Nhạc sĩ Thế Bảo, Hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam đã đặt chân đến nhiều nơi khắp cả nước, từ miền núi xa xôi đến vùng đồng bằng, ven biển, mỗi điểm đến, mỗi người đã từng gặp đều để lại trong lòng ông những ấn tượng khó quên.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 4

“Sau chuyến đi tham quan những di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Sơn tôi thấy quê hương mình thật xinh đẹp. Mũi Ba Làng An, xã Bình Châu là một điểm đến mang vẻ đẹp hoang sơ với vách đá trầm tích đen nhánh, nước biển xanh trong. Nơi đây rất tuyệt vời để ngắm cảnh, hòa mình vào bức tranh thiên nhiên bình yên, dung dị đặc trưng của miền biển…”, Phó Giáo sư - Nhạc sĩ Thế Bảo bộc bạch.

Huyện Bình Sơn hiện có các điểm đã hình thành trên bản đồ du lịch được du khách biết đến như: du lịch sinh thái Khe Hai, Thiên Đàng, xã Bình Thạnh; Gành Yến, xã Bình Hải; thôn Thọ An, xã Bình An; Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận; Rừng dừa nước Cà Ninh, xã Bình Phước; mũi Ba Làng An, xã Bình Châu; Vực Bà, xã Bình Minh, xã Bình An; Đập Đá Dăng, xã Bình Minh; du lịch sinh thái ven sông Trà Bồng, đoạn thị trấn Châu Ổ đến xã Bình Dương.    

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 5

Ngoài ra còn có các điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch làng nghề truyền thống.

Thôn Thọ An, xã Bình An nằm dưới thung lũng của những cánh rừng xanh thẳm. Từ nhiều thế hệ qua, cứ đến ngày lễ, tết ngã rạ mừng mùa lúa mới, tết truyền thống của dân tộc, đồng bào Cor nơi đây đều tổ chức lễ, hội múa hát cồng chiêng, giao lưu văn hóa.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 6

Đồng bào Cor thường mang đến lễ hội các sản phẩm từ núi rừng hoặc tự tay mình sản xuất như con cá bắt dưới suối, con heo, con gà thả rông đến các loại rau ranh, rau dớn mọc ven suối, đồi nương. Đặc biệt, trong ngày lễ không thể thiếu món bánh nếp lá dong có hình mũi tên hay rượu cà rỏ...

Thọ An còn có thắng cảnh đẹp, không gian thoáng đãng, môi trường mát mẻ. Ở đây có thác Lò Xo còn nguyên sơ, bốn mùa nước chảy, có đập Tuyền Tung khá rộng, tạo nên bức tranh non nước hữu tình. Đồng bào dân tộc Cor sống chân chất, nghĩa tình.

Theo UBND huyện Bình Sơn, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động như khôi phục lại đình làng và cổng Đình Tuyền Tung, mời nghệ nhân dạy cồng chiêng, mua sắm trang phục truyền thống. Đầu tư nhà sàn, vườn hoa, suối hoa và sắp đến sẽ mở rộng nhà sàn giai đoạn 2 góp phần gìn giữ quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Cor.

Việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội của người Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An không những góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số ở địa phương, mà còn góp phần thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 7

Trong thời gian qua, huyện Bình Sơn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên, tiềm năng du lịch của huyện, hướng đến đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tại các điểm có tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp như: Thắng cảnh Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải; thôn Thọ An, xã Bình An; Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận; Cà Ninh, xã Bình Phước; bãi biển Châu Tân, xã Bình Châu; đảm bảo hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối thông suốt với các điểm, khu du lịch nội huyện và trong tỉnh.

Đồng thời, ký kết chương trình phối hợp với Sở VHTTDL về xây dựng sản phẩm, chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hoá Sa Huỳnh tại xã Bình Châu...

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XX về phát triển du lịch, huyện Bình Sơn đã gắn phát triển du lịch, dịch vụ với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lợi thế ở từng địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch”.

Tiềm năng và lợi thế ở Bình Sơn đang được khai thác, phát huy, trở thành động lực phát triển cho ngành “công nghiệp không khói”. Bình Sơn trong mắt du khách đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn.

Bình Sơn - Điểm đến thân thiện, mến khách - ảnh 8