Quảng Nam: Góp ý đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2025
VHO-Nhằm góp phần đảm bảo công tác lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam công khai, minh bạch, hiệu quả, chất lượng, cuối tuần qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo góp ý Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến đường 129 ven biển Quảng Nam- trục chiến lược phát triển vùng Đông Quảng Nam
Hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến; cùng các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 04 tỉnh/thành lân cận Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum,…
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức hội thảo góp ý quy hoạch với quy mô lớn, với mong muốn tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đại biểu; chỉ rõ những ưu điểm, nhược điểm, bổ sung, góp ý vào dự thảo báo cáo quy hoạch; đồng thời hiến kế, góp ý để tạo ra bước đột phá cho kế hoạch này. Thông qua Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, phân tích và đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời phục vụ cho công tác lập quy hoạch tỉnh nói riêng, quy hoạch vùng nói chung.
Dự kiến đến cuối năm 2022 Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1.2023 sẽ có đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam.
Cảng Chu Lai với kỳ vọng cửa ngõ giao thương hàng hóa của tỉnh và khu vực
Theo Quy hoạch, mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050, sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Quy hoạch cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn và đưa ra các kịch bản phát triển trong giai đoạn tới. Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến không chỉ giải quyết cho chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam mà còn phục vụ cho sự phát triển của các tỉnh thành trong khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đảm bảo sự gợi mở, kết nối phát triển với các địa phương lân cận. Không gian phát triển của Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung sẽ được mở rộng, giao lưu hàng hóa, hỗ trợ lẫn nhau để tất cả các bên đều hưởng lợi từ công tác quy hoạch và đầu tư phát triển.
PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận định, tỉnh Quảng Nam cần tận dụng các lợi thế đến từ cơ sở đất, ngành công nghiệp và du lịch để định hướng quy hoạch phát triển. Cần đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tận dụng các hiệp định FTA triệt để và hướng đến ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao một cách rõ nét,…
Trong thời gian 2 ngày (4-5.6), hội thảo tập trung trình bày các tham luận, thảo luận, tư vấn, góp ý với các nội dung chính như: Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chung với các chủ đề chính như: Các điểm nghẽn trong phát triển Quảng Nam trong thời gian qua và định hướng giải pháp; Các cơ hội và thách thức đối với phát triển của Quảng Nam; Các đột phá chiến lược trong quy hoạch phát triển Quảng Nam trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Các giải pháp trọng tâm thúc đẩy liên kết tỉnh Quảng Nam trong mối liên hệ phát triển kinh tế vùng.
Vùng sông nước Quảng Nam cùng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Các phương án phát triển kiến trúc không gian, lãnh thổ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ; Phát triển hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, khoáng sản; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, đa dạng sinh học; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng tài nguyên.
Về phương án phát triển các ngành kinh tế, tham luận hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Yếu tố đột phá nào tạo ra lợi thế cạnh tranh của du lịch Quảng Nam trong bối cảnh mới. Định hướng phát triển du lịch xanh đối với Quảng Nam; Cơ chế, giải pháp xã hội hoá 02 di sản văn hoá thế giới đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn; Những thách thức, khó khăn chủ yếu nào đặt ra đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn; Làm thế nào để phát huy tối đa Khu dự trữ sinh quyển thế giới gắn với kinh tế biển của Quảng Nam; Những khó khăn và giải pháp chủ yếu đặt ra;...
Phương án phát triển không gian, lãnh thổ và hạ tầng kỹ thuật; Những đột phá chiến lược trong chính sách, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các đô thị ven biển; …
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Nam những năm gần đây tăng rất nhanh, cao hơn bình quân cả nước và nhiều tỉnh trong vùng. Tính đến năm 2020, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt gần 57,6 nghìn tỷ đồng. Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 4 trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
KHÁNH CHI