Quảng Ngãi:
Nuôi ốc bươu đen mở ra cơ hội khởi nghiệp mới cho người dân Hành Dũng
VHO - Nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của người dân, lại mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có nhiều tiềm năng, gia đình ông Lê Binh (58 tuổi) ở thôn An Phước, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã trở thành hộ chăn nuôi tiên phong trong lĩnh vực nuôi ốc bươu đen trên địa bàn xã.
Nhận thấy ốc là món ăn được ưa chuộng trên thị trường với phương thức chế biến đa dạng, phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hàng và có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao, tháng 5.2023, ông Lê Binh đã tận dụng vườn của gia đình làm 4 hồ nuôi, diện tích 450 mét vuông thả bèo nuôi ốc bươu đen.
“Thời gian đầu, tôi mua 48 nghìn con giống để nuôi thử. Lúc đó tỷ lệ sống đạt 50%, tôi cảm thấy như vậy là hài lòng và quyết định tiếp tục thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen và tự nhân giống ốc. Đến nay có 2 hồ nuôi ốc thương phẩm, 1 hồ ốc con, 1 hồ ốc đẻ. Ngoài ra còn có 2 hồ nuôi bèo”, ông Binh cho biết.
Theo ông Binh, thời gian đầu mới nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, nhưng sau đó, với sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác và trên internet, để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, ông Binh thu trứng ốc đẻ ngoài hồ để vào thùng ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn.
Khi ốc đã nở đạt yêu cầu, ông đem thả xuống bèo, rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài hồ tìm thức ăn sinh sống nên cách nuôi ốc từ con nhỏ như vậy tỷ lệ ốc sống đạt trên 90%.
“Để nuôi ốc hiệu quả cần duy trì độ PH nước 6.5 trở lên và đảm bảo duy trì 2/3 mặt nước là bèo tây để làm mát và lọc nước. Loài vật này có nhiều ưu điểm như sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Nguồn thức ăn cho ốc thương phẩm khá rẻ và có thể tận dụng thức ăn thừa trong nhà, chủ yếu là: bèo tấm, bèo cái, mướp, bầu, bí… Đáng chú ý, ốc gia đình ông chủ yếu ăn thức ăn xanh nên thịt ốc khá dài, giòn ngon”, ông Binh nói.
Tính đến thời điểm này, ông Binh đã xuất bán 200 kg ốc bươu thương phẩm, giá bán 70 – 75 nghìn đồng/ kg, ốc cỡ 45 con/kg là xuất bán. Dự kiến trong hồ còn khoảng 300kg ốc thương phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Phạm Văn, hiện nay, ốc bươu đen là món ăn nhiều dinh dưỡng được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, không tốn nhiều chi phí và là hướng đi bền vững giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
“Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Lê Binh bước đầu thành công, đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc đa dạng hóa vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, mô hình này cần được xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương”, ông Văn cho biết thêm.
Đầu tư phát triển các mô hình kinh tế là bước cụ thế hóa đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhưng để nhân dân đầu tư hạn chế rủi ro, có hướng đi phù hợp cần lắm sự vào cuộc và định hướng của các cấp chính quyền, sự tính toán, cụ thể của người dân.